Đối với người trẻ sau 1-2 năm ra trường làm việc và ít nhiều nắm bắt được ngành nghề, 90% sẽ suy nghĩ và lựa chọn nhảy việc để tìm kiếm một môi trường đúng theo mong đợi. Nhảy việc có thể mang đến cơ hội tuyệt vời như mơ nhưng cũng có khi khiến bạn "chết chìm" trong hai chữ "đam mê" ảo tưởng. Nếu nhảy việc vì 4 suy nghĩ hoang tưởng sau thì bạn nên suy nghĩ thật kỹ trước khi "dứt áo ra đi".
"Công ty sẽ tự động offer một mức lương tuyệt vời"
Công việc khởi điểm đầu tiên hầu như mức lương sẽ không được cao, thậm chí tương đối thấp. Đây là một trong số những lý do khiến nhiều nhân sự quyết định từ bỏ công việc hiện tại. Nhất là với một số bạn trẻ vừa mới ra trường nhưng lại quá tự tin dẫn đến tự mãn về năng lực cá nhân. Họ nghĩ rằng khi bản thân đã có kinh nghiệm trong tay thì khi apply bất kỳ công ty nào tiếp theo, công ty đó sẽ cung cấp cho họ một mức lương tốt hơn hiện tại.
Sự thật không phải vậy, hầu hết các nhà tuyển dụng không dựa vào năng lực 1-2 năm của ứng viên để deal lương. Điều họ quan tâm là kiến thức và kỹ năng của ứng viên đó thể hiện đến đâu và có khả năng phục vụ cho công ty họ như thế nào.
Mức lương cao đòi hỏi bạn nhiều kỹ năng, thậm chí mức lương còn phân cấp rõ ràng ở vị trí quản lý hay vị trí nhân viên. Nếu quá trình 1-2 năm làm việc của bạn không tích lũy được bất kỳ kỹ năng nào vượt trội hơn ứng viên khác, tất nhiên một mức lương tuyệt vời là điều không thể.
"Chỉ những công ty sang xịn mịn mới là nơi để phát huy thế mạnh"
Tâm lý chê công ty quy mô nhỏ, chính sách bạc bẽo cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhân sự trẻ quyết định thôi việc. Không ít nhân sự nghĩ rằng công ty tiếp theo họ lựa chọn phải thật sang, thật xịn thì mới có thể phát huy năng lực của họ.
Năng lực của một cá nhân chưa bao giờ được đánh giá và quyết định dựa theo quy mô lớn nhỏ của công ty. Năng lực thực chất thể hiện ở quá trình cá nhân đó đảm nhận vị trí công việc như thế nào và hiệu quả mang lại cho tổ chức ra sao. Thậm chí, khi làm việc tại những doanh nghiệp có quy mô nhỏ bạn còn có thể phát triển nhanh hơn vì tổ chức đó sẵn sàng cho bạn tham gia linh hoạt vào nhiều dự án, trải nghiệm đa dạng ở các vai trò quan trọng khác nhau.
Còn tại một số công ty lớn khi đã áp dụng quy trình, quy định thì thật khó nếu bạn muốn tham gia vào bất kỳ một dự án không liên quan để học hỏi và trau dồi thêm kinh nghiệm.
"Cứ đụng việc là thuần thục thôi, cần gì phải học"
Nhiều bạn khi nhảy việc với suy nghĩ bản thân cần vươn mình ra biển lớn, không cam chịu việc cứ làm mãi một công việc lặp đi lặp lại hàng ngày. Họ tin rằng khi được giao một công việc lớn, trách nhiệm lớn thì bản thân sẽ tự nhiên tìm được cách để hoàn thành được nó vì đó như bản năng sinh tồn của con người.
Nếu vẫn giữ suy nghĩ này và mang đến công ty mới để áp dụng, bạn sẽ gặp phải thất bại ê chề. Mỗi một công việc được bàn giao thì bạn cần trang bị đủ kỹ năng cần thiết, thậm chí là vượt trội để tự tin hoàn thành nó. Công việc lớn, trách nhiệm lớn thì đồng nghĩa với yêu cầu kỹ năng càng cao và càng khó hơn. Kỹ năng không tự sinh ra khi làm việc mà nó cần cả một quá trình thử thách, đúc kết từ những thất bại.
"Năng lực bản thân chính là tạo ra những điều mới và lãnh đạo người khác"
Hiện nay có khá nhiều bạn trẻ với tính cách năng động, không thích làm những công việc đòi hỏi sự triển khai cẩn thận và tỉ mỉ. Họ tư duy rằng bản thân sinh ra là để làm những công việc mang tính sáng tạo, có thể tạo ra những điều mới mẻ và sở hữu khả năng lãnh đạo sẵn có để phân công công việc cho người khác.
Chính tính cách quá năng động này sẽ khiến họ bị thụt lùi về tư duy và năng lực. Điều sáng tạo và mới mẻ chỉ có thể tạo ra khi bạn đã thuần thục và quen thuộc với những sản phẩm cũ. Từ những điều bạn cho là cũ mèm đó sẽ tạo nên nền tảng kiến thức vững chắc và xây dựng những ý tưởng đột phá về sau. Và đương nhiên, bạn cũng chẳng thể lãnh đạo bất kỳ ai nếu chưa từng đảm nhận công việc của họ. Mỗi một công việc có những yêu cầu riêng, chỉ khi đụng tay vào làm trực tiếp, bạn mới hiểu những yêu cầu cơ bản cho đến phức tạp của công việc đó để kiểm soát, giám sát và đánh giá. Đó chính là những yêu cầu cơ bản của một người giữ vai trò lãnh đạo.
(Tham khảo: HR Insider)
TN
Theo Nhịp Sống Kinh Tế