Ngày 15-9, nhà nước Do thái Israel đã bình thường hóa quan hệ với hai cựu thù Ả Rập là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain, sau lễ ký hiệp ước hòa bình Abharam ở Nhà Trắng với sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đài CNN đưa tin.
Đáng lưu ý, tại buổi lễ, ngoài việc hoan nghênh đây là “ngày lịch sử với hòa bình ở Trung Đông”, ông Trump còn nói sắp tới sẽ có thêm “từ năm tới sáu” nước khác bình thường quan hệ với Israel. Theo những lời ông Trump nói trong cuộc gặp với Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan thì nhiều khả năng trong số các nước này sẽ có Saudi Arabia - đồng minh số một của Mỹ tại Trung Đông. Ông Trump cũng tự tin rằng Iran - đối thủ khu vực của Bahrain và UAE - cũng sẽ tìm cách ký được thỏa thuận với Mỹ một khi ông tái đắc cử.
Hành trình dài của Israel với UAE, Bahrain
Hàng năm dài Israel có quan hệ không công khai với nhiều nước Hồi giáo Sunni ở vùng Vịnh, chủ yếu vì cùng có kẻ thù chung Iran - nước Hồi giáo Shiite. Nước Hồi giáo dẫn đầu trong quan hệ sau hậu trường với Israel là UAE, có thể thấy rất nhiều biểu hiện cho thấy sự phát triển quan hệ hai bên trong thời gian qua. Cuối năm 2015, Israel mở phái bộ tương đương phái bộ ngoại giao ở Abu Dhabi. Năm 2018, Bộ trưởng Văn hóa Israel Miri Regev thăm UAE.
Tương tự, Bahrain cũng có nhiều năm có quan hệ không công khai với Israel. Bahrain có một cộng đồng người Hồi giáo lâu đời mà một người từ cộng đồng này từng làm đại sứ Bahrain ở Mỹ thời gian 2008-2013. Quốc gia nhỏ vùng Vịnh này hỗ trợ Mỹ rất nhiều trong kế hoạch hòa bình Trung Đông của Nhà Trắng.
Cả UAE và Bahrain đều là đồng minh thân thiết của Mỹ, cả hai đều có các căn cứ quân sự của Mỹ. Lực lượng tiêm kích tàng hình đa năng F-35 của không quân Mỹ được triển khai tại căn cứ không quân ở Abu Dhabi. Trong khi đó Hạm đội 5 của hải quân Mỹ được đặt ở Bahrain. Sự hiện diện quân sự này đã khiến các lãnh đạo UAE và Bahrain có xu hướng gần gũi hơn với Mỹ. Và vì cùng nằm trong liên minh chống Iran nên các nước này cũng gần gũi hơn với Israel.
Người Palestine biểu tình tại TP Ramallah (Bờ Tây) ngày 15-9 phản đối các thỏa thuận bình thường quan hệ giữa Israel với UAE và Bahrain. Ảnh: EPA-EFE
Mỗi nước được lợi gì?
Có ý kiến cho rằng con đường tiếp cận Mỹ luôn đi qua Jerusalem. Nói cách khác, nếu các nước Ả Rập muốn thân thiết hơn với ông Trump và Nhà Trắng thì xây dựng quan hệ với Israel là cách đảm bảo nhất cho mục tiêu này.
Với UAE, nước này đã nói rõ một trong những lợi ích từ việc bình thường quan hệ với Israel là sẽ dễ dàng hơn khi mua vũ khí từ Mỹ, chẳng hạn tiêm kích tàng hình F-35, khi Israel sẽ khó phản đối hơn. UAE cũng được đảm bảo là Israel sẽ ngưng tiến trình sáp nhập Bờ Tây, đây là một trong các điều kiện để UAE ký thỏa thuận.
Với cả UAE và Bahrain, ký thỏa thuận cũng mở ra khả năng có thể mua công nghệ (kể cả công nghệ quân sự) từ Israel như hệ thống tên lửa phòng thủ Iron Dome, cũng như hợp tác về nhiều lĩnh vực khác.
Về mặt chính trị, đây cũng là một tình huống cùng thắng với UAE và Bahrain. Dù chủ nhân tới đây của Nhà Trắng là ai thì đều có lợi với hai nước này. Nếu ông Trump đắc cử, hai nước này chắc chắn hưởng lợi từ việc đã ghi điểm khi ký thỏa thuận với Israel. Nếu ông Biden thắng thì hai nước này cũng ở vị thế cao vì đã bình thường hóa quan hệ với Israel, một đồng minh quan trọng của Mỹ.
Với Israel, rõ ràng đây là một thành tựu đối ngoại lớn, đặc biệt với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Thủ tướng Israel Menachem Begin ký thỏa thuận với Ai Cập năm 1979. Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin ký thỏa thuận với Jordan năm 1994. Còn ông Netanyahu chỉ trong một ngày đã ký thỏa thuận hòa bình với cả hai nước.
Hơn nữa, sự kiện này cũng giúp ông Netanyahu chuyển hướng chú ý khỏi nhiều vấn đề đối nội: Kinh tế lao đao với tỉ lệ thất nghiệp 18%, đại dịch khiến Israel phải phong tỏa lần hai và cả phiên tòa xét xử cáo buộc ông tham nhũng.
Các thỏa thuận hòa bình đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong khối Ả Rập vốn lâu nay vẫn cố gắng duy trì sự thống nhất trong ứng xử với Israel quanh cách nước này hành xử với Palestine. Báo SOUTH CHINA MORNING POST |
Lý do ông Trump chọn thời điểm này
Vai trò của ông Trump là gì và tại sao lễ ký kết lại diễn ra thời điểm này? Theo CNN, chính phủ ông Trump rõ ràng đã nhìn thấy và nắm bắt kịp thời cơ hội để chuyển hướng ở Trung Đông. Nhiều thập niên qua Mỹ là nước trung gian chính đàm phán hòa bình Trung Đông và là cầu nối chính trong thương lượng Israel - Palestine. Tuy nhiên, sau khi không thể thúc đẩy tiến trình giải quyết xung đột Palestine - Israel, ông Trump và các cố vấn đã chuyển hướng sang phần khác của khu vực - các đồng minh Ả Rập. Cuộc chiến lớn nhất ở khu vực là giữa Iran (Hồi giáo Shiite) và các nước vùng Vịnh (Hồi giáo Sunni). Ông Trump đã nhìn thấy cuộc chiến này là cơ hội đẩy Israel tiến gần hơn các nước vùng Vịnh.
Việc ký các thỏa thuận rõ ràng chắc chắn sẽ xảy ra dù là lúc này hay vài năm nữa. Chính ông Trump và ông Netanyahu đã chủ ý đẩy nó xảy ra lúc này. Những tuần qua, cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Trung Đông, cố gắng tạo thuận lợi cho việc ký kết diễn ra.
Theo CNN, với ông Trump, thời điểm ký kết rất quan trọng. Bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra chỉ chưa đầy hai tháng nữa và hiện ông đang bị đối thủ đảng Dân chủ - ông Joe Biden dẫn trước trong các cuộc thăm dò. Các thỏa thuận bình thường quan hệ giữa Israel với UAE và Bahrain là những thành tựu chính sách đối ngoại lớn và sẽ rất có lợi cho uy tín của ông Trump. Báo South China Morning Post cũng cho rằng ông Trump hy vọng việc làm cầu nối giữa Israel và các nước Ả Rập sẽ giúp tăng cơ hội tái đắc cử cho ông.
Phía Palestine thì sao? Nói gọn một từ, người Palestine cảm thấy bị phản bội với hành động của UAE và Bahrain, theo CNN. Còn nhớ Sáng kiến hòa bình Ả Rập năm 2002 kêu gọi chấm dứt xung đột Israel - Palestine trước khi các nước Ả Rập bình thường quan hệ với Israel. Và vì diễn biến này do Nhà Trắng thúc đẩy nên đây cũng là một nguồn cơn nữa khiến các lãnh đạo Palestine càng bất mãn với ông Trump. Palestine đã cắt liên hệ với Nhà Trắng sau khi chính phủ ông Trump chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviz tới Jesusalem - nơi Palestine xem là thủ đô của nhà nước tương lai của mình. Tuy thế lựa chọn còn lại của Palestine không nhiều. Palestine có được sự ủng hộ của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác nhưng các đối tác Ả Rập truyền thống lại đang ngả về Israel. Một minh chứng rõ ràng nhất cho thực tế này là Liên đoàn Ả Rập đã không thể thông qua một nghị quyết lên án thỏa thuận của Israel với UAE. |