Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tính đến sáng ngày 17-9, toàn thế giới đã ngót nghét 30 triệu ca mắc COVID-19 . Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 944.000 người, trong khi hơn 21,7 triệu người đã hồi phục.
Ông Trump nói giám đốc CDC lẫn lộn
Tổng thống Mỹ ngày 16-9, giờ địa phương, dự đoán nước này sẽ có 100 triệu liều vắc xin vào cuối năm nay và vắc xin có thể được phân phối từ giữa tháng 10-2020.
"Ngay khi Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) thông qua vắc xin ... chúng ta có thể phân phối 100 triệu liều vào cuối năm 2020 và một lượng lớn vắc xin sớm hơn", ông Donald Trump nói. Tuyên bố của ông Trump đưa ra vài giờ sau khi giám đốc CDC Robert Redfield trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ cho rằng vắc xin ngừa chỉ phổ biến rộng rãi vào cuối quý 2 hoặc quý 3 năm sau.
"Tôi nghĩ ông ấy đã nhầm khi nói vậy. Đó là thông tin không chính xác. Tôi nghĩ rằng ông ấy đã lẫn lộn", ông Trump nói về phát biểu của ông Redfield.
Tổng thống Mỹ cũng phản bác ý kiến của lãnh đạo CDC về vấn đề khẩu trang. Theo ông Trump, khẩu trang không ngăn ngừa dịch COVID-19 hiệu quả bằng vắc xin. "Vắc xin hiệu quả hơn", ông Trump nói, và cho biết có "rất nhiều vấn đề" với khẩu trang như người sử dụng hay chạm tay vào khẩu trang rồi chạm vào người khác.
Trước đó, ông Redfield khẳng định điều ngược lại. "Tôi thậm chí có thể nói rằng khẩu trang đảm bảo bảo vệ tôi trước COVID hơn, vì khả năng tạo ra miễn dịch nhờ vắc xin có thể là 70%. Nếu tôi không có phản ứng miễn dịch, vắc xin sẽ không bảo vệ tôi. Khẩu trang thì có", ông nói.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield tin khẩu trang sẽ bảo vệ ông nhiều hơn vắc xin - Ảnh: REUTERS
WHO: Mỹ Latin mở cửa quá sớm
Giám đốc khu vực Mỹ Latin của WHO Carissa Etienne cho biết nhiều nước tại khu vực đang mở cửa lại quá sớm khi diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Số ca nhiễm tăng gấp 10 lần trong 2 tuần qua tại dọc biên giới Venezuela – Colombia, trong khi tỷ lệ tử vong gia tăng ở một số khu vực tại Mexico, Argentina, Bolivia, Costa Rica và Ecuador.
"Dù cả thế giới chạy đua phát triển các công cụ mới để ngăn chặn và chữa trị COVID-19, việc sản xuất và phân phối một loại vắc xin an toàn và hiệu quả sẽ không có sớm. Chúng ta phải hiểu rõ rằng việc mở cửa quá sớm sẽ khiến virus có thêm không gian để lây lan và đặt người dân vào nguy hiểm lớn hơn. Hãy nhìn vào châu Âu", tờ Guardian dẫn lời bà Etienne nói.
Mỹ Latin tiếp tục là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19, và tổng số người thiệt mạng chỉ riêng tại 2 nước đông dân nhất khu vực là Brasil và Mexico đã vượt mốc 200.000 người. Brazil tới nay đã ghi nhận 4,3 triệu ca, cao thứ 3 thế giới, và đứng thứ 2 thế giới về số ca tử vong, chỉ sau Mỹ.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Nhiều người nhóm tuổi 15-49 nhập viện
Độ tuổi trung bình của những người mắc COVID-19 đang giảm, chuyên gia Maria Van Kerkhove của WHO cảnh báo.
"Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi trong độ tuổi của các ca bệnh đang được ghi nhận, và chúng ta biết rằng khi các xã hội mở cửa và người dân bắt đầu cuộc sống thường nhật, độ tuổi trung bình của người mắc bệnh ở nhiều nước sẽ giảm xuống", bà Van Kerkhove nói.
Theo chuyên gia của WHO, cơ quan này đang nhận thấy số người trong độ tuổi 15 đến 49 nhập viện do COVID-19 đang tăng lên. "Điều này vô cùng đáng lo", bà Van Kerkhove cho biết.
Bà Van Kerkhove lưu ý việc virus corona chủng mới đang lây lan nhanh ở nhiều khu vực thuộc bắc bán cầu trong khi mùa cúm cuối năm sắp đến.
"Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng số ca nhập viện, trong các phòng hồi sức tích cực, đặc biệt lại một số khu vực ở châu Âu, ở Tây Ban Nha, Pháp, Montenegro, Ukraine và vài bang ở Mỹ. Điều này đáng lo ngại vì chúng ta đang ở giữa tháng 9 và còn chưa đến mùa cúm", bà Van Kerkhove nói.
TTO - Dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành tại Ấn Độ với hơn 5 triệu người mắc bệnh tính đến sáng 16-9, trong bối cảnh nước này đang dần dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch vì nền kinh tế.