vĐồng tin tức tài chính 365

Tìm 'áo phao' cho việc làm

2020-09-17 10:39

Tìm 'áo phao' cho việc làm

TS. Võ Đình Trí (*)

(TBKTSG) - Mỗi quốc gia đều có chính sách ứng phó với dịch Covid-19 và đều dựa vào bốn trụ cột là kích thích nền kinh tế và tạo thêm việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp và thu nhập của người lao động; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; và dựa trên các đối thoại xã hội (social dialogue) để tìm các giải pháp.

 

Khu vực dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Ảnh: Đào Loan

Theo dự báo mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), số lượng giờ làm việc trên toàn thế giới tiếp tục giảm trong sáu tháng cuối năm sau đợt chìm sâu nhất của quí 2 năm nay. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong kịch bản không bi quan lẫn lạc quan thì quí 4 mất khoảng 80 triệu việc làm (quy đổi tuần làm việc 48 giờ), còn nếu bi quan thì có thể lên đến 200 triệu việc làm.

Trong khi đó, tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê cho biết lao động có việc làm từ 15 tuổi trở lên trong quí 2 giảm nhiều nhất trong vòng mười năm qua: 2,4 triệu người so với quí trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, giảm nhiều nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ. So với cùng kỳ năm trước, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,7 triệu người, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ giảm tương ứng là 287.700 người và 642.600 người.

Khu vực dịch vụ, chiếm 36% lao động có việc làm là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Khu vực công nghiệp và xây dựng chịu thiệt hại nhiều hơn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù tỷ trọng lao động có việc làm là 31% so với 33%.

Nếu chính phủ ưu tiên đến việc giữ việc làm, đảm bảo đời sống cho số đông dân chúng và từ đó là ổn định xã hội thì cần tập trung vào những lĩnh vực, những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Nền kinh tế của Việt Nam có độ co giãn rất lớn với kinh tế thế giới qua xuất - nhập khẩu, trong đó có một phần lớn đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy vậy, lao động của khu vực FDI đến cuối năm 2019 là 6,1 triệu người, nếu tính tốc độ tăng trung bình 7-8%/năm thì đến cuối quí 2-2020 có khoảng 6,7 triệu người, chiếm khoảng 13% tổng số lao động có việc làm. Điều này cho thấy, cũng như nhiều quốc gia khác, có những khu vực kinh tế ảnh hưởng nhiều đến GDP nhưng số lượng lao động không lớn, và ngược lại có những khu vực chiếm số đông việc làm nhưng ảnh hưởng đến GDP ít hơn.

Nhiều quốc gia trên thế giới, và phần lớn ở các nước phát triển, đều xem việc làm là một trong các ưu tiên hàng đầu. Vì họ biết rằng việc làm là điều kiện tiên quyết để đảm bảo đời sống của phần lớn người dân, từ đó góp phần ổn định xã hội. Theo ILO, mỗi quốc gia đều có chính sách riêng để ứng phó với dịch Covid-19 nhưng đều dựa vào bốn trụ cột là kích thích nền kinh tế và tạo thêm việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp và thu nhập của người lao động; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; và dựa trên các đối thoại xã hội (social dialogue) để tìm các giải pháp.

Nếu Việt Nam đặt ưu tiên là việc làm cho người lao động vào lúc này, thì giải pháp phù hợp sẽ là gì?

Hiện nay, chưa có thống kê chi tiết cả nước hay riêng khu vực FDI có bao nhiêu lao động gắn liền với xuất khẩu. Dù vậy, có thể thấy được số lao động liên quan đến thị trường trong nước trong mảng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp - thủy sản là áp đảo so với thị trường xuất khẩu.

Như vậy, để giữ được việc làm, điều đầu tiên là duy trì các hoạt động kinh tế trong nước ở mức nhiều nhất có thể. Nhiều nơi trên thế giới đã bắt đầu sống chung với dịch Covid-19, thời hạn cách ly được rút ngắn, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, chỉ bắt buộc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, khuyến khích rửa tay diệt khuẩn thường xuyên. Một khi ngành dịch vụ, xây dựng trở lại quỹ đạo sẽ giải quyết một số lượng đáng kể việc làm.

Khi các hoạt động kinh tế không bị đứt gãy, việc tiếp đến cần làm là kích cầu tiêu dùng trong nước. Nhu cầu tăng trở lại sẽ khuyến khích các doanh nghiệp giữ lao động hoặc thậm chí tuyển dụng thêm. Các giải pháp kích cầu kinh điển vẫn dựa trên sự phối hợp của các chính sách tài khóa và tiền tệ. Nhiều quốc gia đã thành công với việc kích cầu thông qua trợ giá, đổi sản phẩm cũ lấy sản phẩm mới, ưu tiên cho các sản phẩm được sản xuất trong nước.

Cùng với hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo người lao động giữ được thu nhập trong cả tình huống giảm giờ làm hay thất nghiệp tạm thời, hỗ trợ trực tiếp đến người lao động sẽ hợp lực duy trì sức mua của thị trường, kích hoạt chu trình sức mua - việc làm - sức mua.

Đối với lao động có liên quan đến xuất khẩu, nếu chỉ dựa trên các đơn hàng quốc tế thì sự sụt giảm mạnh nhu cầu từ bên ngoài đương nhiên làm giảm nhu cầu lao động. Nhưng nếu nhìn vào các mặt hàng xuất khẩu có sử dụng nhiều lao động như dệt may, thủy sản, sản xuất lắp ráp điện thoại, máy vi tính, tại sao chúng ta không thể thay thế một phần nhu cầu xuất khẩu bởi nhu cầu trong nước, qua đó giúp các doanh nghiệp có thể duy trì lực lượng lao động của mình?

Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng trong nước là rất lớn ở các mặt hàng này, nhưng rào cản tiếp cận là giá cao hơn khả năng chi trả của người tiêu dùng. Người viết bài từng rất ngạc nhiên khi thấy sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài từ Việt Nam, nhưng giá bán lại không chênh lệch nhiều với giá trong nước, thậm chí là rẻ hơn nếu đã tính toàn bộ các chi phí.

Như vậy có nên chăng khuyến khích một phần sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ trong nước thông qua trợ giá hay chính sách thuế? Vì chắc chắn những nhu cầu như quần áo, giày dép, điện thoại, máy tính, đồ dùng trong nhà chất lượng tốt, giá hợp lý là rất cao ở Việt Nam. Thêm vào đó, nếu nói ưu tiên cho xuất khẩu để đảm bảo mục tiêu dự trữ ngoại hối thì có lẽ cũng không còn quan trọng lắm vì dự trữ ngoại hối gần đây của Việt Nam được cho là khá cao.

Trong nền kinh tế, oái oăm thay những khu vực có đóng góp ít hơn thì lại sử dụng lao động nhiều hơn. Nếu chính phủ ưu tiên đến việc giữ việc làm, đảm bảo đời sống cho số đông dân chúng và từ đó là ổn định xã hội thì cần tập trung vào những lĩnh vực, những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Muốn vậy, cần tránh sự đứt gãy trong các hoạt động kinh tế, kích cầu tiêu dùng trong nước, và điều chỉnh chính sách để một phần sản phẩm thay vì xuất khẩu thì được tiêu dùng trong nước.

(*) Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM và IPAG Business School Paris, thành viên Tổ chức AVSE Global

Xem thêm: lmth.mal-ceiv-ohc-oahp-oa-mit/382803/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tìm 'áo phao' cho việc làm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools