Ngư dân quận Sơn Trà, Đà Nẵng thuê xe cẩu đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão số 5 - Ảnh: TẤN LỰC
Trên các tuyến đường TP Đà Nẵng, lực lượng quản lý cây xanh tiếp tục cắt tán, tỉa cành một số cây cổ thụ đề phòng nguy cơ ngã đổ do gió bão.
Một số nhà cấp 4 lợp mái tôn được người dân gia cố chèn chống bằng bao cát, dây thừng. Tại khu vực ven biển quận Sơn Trà, các tàu thuyền nhỏ được ngư dân thuê xe cẩu đưa lên bờ tập kết để tránh thủy triều. Ngư dân cũng thu cất ngư lưới cụ, phương tiện đánh bắt đem về nhà.
Tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, hàng trăm lượt tàu cá xa bờ các tỉnh miền Trung kéo về neo đậu tránh bão. Theo Ban quản lý, tính đến sáng 17-9 đã có hơn 620 tàu thuyền các loại vào khu vực âu thuyền, trong khi đó công suất an toàn của khu neo đậu chỉ chừng 500 tàu thuyền các loại.
Hiện đơn vị đang sắp xếp không gian để tạo điều kiện cho các tàu cá vào sau có không gian để trú tránh an toàn. Tuy nhiên do Thọ Quang là cảng cá lớn nhất miền Trung, lại nằm ở vị trí thuận lợi ngư trường nên theo ghi nhận có rất nhiều tàu cá các tỉnh đã cùng vào khu vực này trú tránh.
"Có vượt quá công suất nhưng tàu vào mình cũng không thể cấm được. Chúng tôi đã sắp xếp cho hợp lý nhất để tàu thuyền bà con có chỗ tránh bão an toàn" - ông Nguyễn Lại, phó trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, cho biết.
Nhiều tàu cá tiến sâu vào sông Hàn tránh bão sáng 17-9 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tại khu vực âu thuyền và vịnh Mân Quang, do không gian bị thu hẹp nên nhiều tàu lớn đã chọn chạy vào sông Hàn để tránh bão. Nhiều tàu cá chạy sâu lên khu vực cầu Trần Thị Lý, cách cửa sông chừng 3-4km.
Ngư dân Nguyễn Văn Trừng (Quảng Ngãi) cho biết do tàu ông là tàu lớn, lại vào sau khó chen chân vào được khu vực âu thuyền nên ông đưa 2 tàu tìm lên khu vực sông Hàn để tránh gió bão.
Ông Trừng cho biết nơi ông chọn neo đậu tàu xa khu vực chân cầu, đồng thời chọn kéo dây neo vào nhiều gốc cây để hạn chế lệch chuyển, đề phòng gió bão.
Trước đó Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng đã có công văn nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi. Đồng thời yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu, thuyền còn đang hoạt động trên biển; phối hợp với các địa phương và các đơn vị hướng dẫn sắp xếp tàu, thuyền neo đậu an toàn.
Một tàu công suất lớn đi vào sông Hàn trú bão số 5 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Sáng cùng ngày, ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã đi kiểm tra phương án phòng chống lụt bão tại Trạm xử lý nước thải quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn, hầm chui đầu cầu Trần Thị Lý, cầu và đường qua sông Cổ Cò.
Ông Thơ chỉ đạo Sở NN&PTNT, Bộ Chỉ huy quân sự TP, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cùng các lực lượng liên quan triển khai phương án phòng chống mưa bão, cứu nạn cứu hộ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.
Quảng Nam cấm tàu thuyền ra khơi, cho học sinh nghỉ học
Hộ kinh doanh ở bãi biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam dọn dẹp bàn ghế, dù che vào nơi an toàn để tránh hư hỏng do bão - Ảnh: LÊ TRUNG
Tại Quảng Nam, sáng 17-9 nhiều ngư dân đã đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão. Một số điểm du lịch như bãi biển Tam Thanh (TP Tam Kỳ), các hộ kinh doanh đã tất bật dọn hàng quán, di chuyển bàn ghế, dù che vào nơi an toàn.
Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết đến sáng nay, Quảng Nam còn 318 tàu với 3.752 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có 173 tàu ở khu vực biển Trường Sa, Hoàng Sa. Hiện các tàu cá này đã nhận được thông báo về diễn biến của bão và đang di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng.
Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu triển khai chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn tổ chức kiểm tra, chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi cho đến khi bão tan.
Cùng ngày, Sở GD-ĐT Quảng Nam đã có công văn yêu cầu các phòng giáo dục, trường học thông báo cho học sinh các cấp được nghỉ học vào ngày mai 18-9 để tránh bão. Các đơn vị có kế hoạch chằng chống nhà làm việc, các công trình trường học...
LÊ TRUNG
Quảng Trị cấm tàu thuyền ra khơi từ 8h sáng 17-9
Sáng 17-9, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với bão số 5 và mưa lũ. Theo đó yêu cầu Bộ đội Biên phòng và các ban, ngành, địa phương rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn về nơi trú ẩn an toàn; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 8h ngày 17-9; trước 18h cùng ngày phải hoàn thành việc sắp xếp, đảm bảo an toàn tàu thuyền tại các nơi neo đậu.
Các đơn vị tạm hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng chống bão số 5. Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học, cho học sinh nghỉ học từ ngày 18-9 nhằm đảm bảo an toàn...
Đến nay, tất cả hơn 2.300 tàu thuyền với 7.163 thuyền viên đang hoạt động trên vùng biển tỉnh Quảng Trị đã nhận được thông tin về bão số 5 để di chuyển về nơi tránh trú. Tỉnh còn gần 1.000ha lúa hè thu chưa thu hoạch, do đó các địa phương đang tích cực vận động người dân thu hoạch nhanh gọn lúa và hoa màu không để thiệt hại do mưa bão gây ra.
TTXVN
Công nhân cắt tỉa cây xanh có tán rậm rạp trên đường Trần Phú, Đà Nẵng sáng 17-9 - Ảnh: TẤN LỰC
Trong sáng 17-9, TP Đã Nẵng đã bắt đầu có mưa - Ảnh: TẤN LỰC
Người dân Đà Nẵng ra biển lấy cát mang về chèn chống nhà cửa - Ảnh: TẤN LỰC
Người dân quận Sơn Trà đưa bao cát lên chèn mái tôn một ngôi nhà cấp 4 - Ảnh: TẤN LỰC
Ngư dân Đà Nẵng thu dọn ngư lưới cụ về nhà sáng 17-9 - Ảnh: TẤN LỰC
Tàu cá xa bờ các tỉnh miền Trung tiếp tục kéo về âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng,tránh trú bão sáng 17-9 - Ảnh: TẤN LỰC
Một tàu cá của các ngư dân Bình Định xếp hàng vào khu neo đậu tại vịnh Mân Quang - Ảnh: TẤN LỰC
Lực lượng quân đội, dân quân được huy động giúp dân sơ tán tài sản - Ảnh: A.H.
Một chiếc tàu được ngư dân Sơn Trà thuê xe cẩu vào bờ - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Tàu thuyền nhỏ của ngư dân Đà Nẵng đã lên bờ tránh bão an toàn - Ảnh: TẤN LỰC
TTO - Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4h ngày 18-9, vị trí tâm bão ở cách bờ biển các tỉnh Quảng Bình - Quảng Ngãi khoảng 160km về phía Đông, sức gió vùng tâm bão cấp 11, giật cấp 13.