Theo ghi nhận của PLO, ngoài bãi biển Mỹ Khê nhiều hộ kinh doanh đã tiến hành tháo dỡ hàng chục lều tạm, thu dọn bàn ghế đưa vào trong bờ để phòng việc thiệt hại nặng do cơn bão số 5 gây ra.
Ông Sơn, một hộ dân tham gia kinh doanh dịch vụ ngoài biển, cho biết diễn biến bão còn khá phức tạp nên cần phải phòng bị sớm để tránh thiệt hại lớn về tài sản. “Năm ngoái, tuy Đà Nẵng chỉ chịu ảnh hưởng của bão nhưng cũng đủ làm hàng loạt lều tạm của gia đình tôi bị tốc mái, hư hỏng nặng. Đó là một bài học lớn về sự chủ quan”.
Tại các tuyến đường lớn ở gần cầu Trần Thị Lý, đường Trần Phú, Lê Duẩn,… nhiều nhân viên cùng xe chuyên dụng của Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng cũng khẩn trương cắt tỉa, thu dọn cây xanh để chống bão.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Diễm, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh TP Đà Nẵng cho biết, trước việc cơn bão số 5 đang đến gần. Trong ngày 17-9, đơn vị đã huy động 100% nhân lực cùng hơn 40 phương tiện để đẩy nhanh tiến độ cắt tỉa các cành cây xanh có nguy cơ đổ sập, bật gốc.
Đến 9 giờ cùng ngày, âu thuyền Thọ Quang có nhiều tàu thuyền vào neo đậu. Bên cạnh các tàu đánh bắt gần bờ, nhiều tàu cá loại lớn chở nhiều thuyền viên cũng đã cập bến trong sáng nay.
Trước đó, Đà Nẵng ra công điện ứng phó với bão số 5 và mưa lớn. Theo đó, ngành chức năng kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, một ngư dân cùng các thuyền viên đã đưa tàu cá về đất liền an toàn. “Nhận được thông báo của cơ quan chức năng, chúng tôi về để đảm bảo an toàn”, ngư dân này chia sẻ.
Tại bờ biển Thọ Quang (quận Sơn Trà), lực lượng biên phòng hỗ trợ ngư dân kéo thuyền thúng lên bờ tránh bão số 5.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 7 giờ sáng mai (18-9), tâm bão ở ngay trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi với cường độ mạnh cấp 11-12, giật cấp 14. Bắt đầu từ chiều nay (17-9), các tỉnh từ Hà Tĩnh – Quảng Ngãi có mưa to, phổ biến từ 200-300 mm/đợt.