Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài những tín hiệu lạc quan, mức xuất siêu đạt 13,5 tỉ USD cũng bộc lộ một số điểm đáng lo ngại.
Xuất siêu 8 tháng cao gần 2,5 lần cùng kỳ năm trước
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2020, xuất siêu của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục với 13,5 tỉ USD. Với mức xuất siêu gần 13,5 tỉ USD, xuất siêu 8 tháng năm 2020 cao gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019 (5,47 tỉ USD).
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt 336,92 tỉ USD; tổng trị giá xuất khẩu đạt 175,36 tỉ USD, tăng 2,3% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 161,9 tỉ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ 2019.
Về nhập khẩu, nhóm hàng nhập lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch hơn 6 tỉ USD, tăng 7,6% so với tháng trước.
Tiềm ẩn những "nốt xám" trong bức tranh kinh tế
Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, xuất siêu trong 8 tháng đầu năm 2020 là mức xuất siêu cao nhất từ nhiều năm nay so với cùng thời kỳ.
Đó là tín hiệu đáng mừng trong lúc đại dịch đang hoành hành thế giới. Xuất khẩu tiếp tục tăng trong khi nhiều quốc gia đang bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh. Xuất siêu cũng giúp tăng dự trữ quốc gia trong khi kiều hối và đầu tư nước ngoài chậm lại. Xuất khẩu tăng giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục duy trì được thị phần.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng nhấn mạnh, xuất siêu cao là tín hiệu đáng mừng nhiều hơn đáng lo do giá xuất khẩu được cải thiện nhiều hơn đáng kể như: Giá gạo cao kỷ lục sau hơn 30 năm xuất khẩu. Mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu đã từng bước đạt được.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cũng chỉ ra điều đáng lo là cầu nhập khẩu yếu làm giảm việc làm và có nguy cơ tăng thất nghiệp.
Ở góc nhìn của mình, PGS.TS Nguyễn Trí Hiếu lưu ý về "bức tranh không toàn màu hồng", bởi xuất siêu tăng một phần vì nhập khẩu giảm. Nếu nhập khẩu tiếp tục giảm sẽ tạo ra thiếu hụt các nguyên vật liệu đầu vào cho nền kinh tế Việt Nam.
Hiện nay, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị dịch bệnh đe dọa, tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng trầm trọng trên thế giới và nguy cơ dịch bệnh này sắp có thể bùng phát trở lại mạnh mẽ hơn vào mùa thu và mùa đông năm nay, đẩy khủng hoảng kinh tế trên thế giới lún sâu hơn.
"Dồn nhiều nguồn lực vào xuất khẩu sẽ làm suy giảm các nguồn lực từ chính sách đến nguồn lực tài chính dành cho việc phát triển thị trường nội địa, một thị trường phải được phát triển để làm giảm sự lệ thuộc của nền kinh tế vào ngoại thương" - TS Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến và cho rằng, sự thay đổi chiến lược và chiến thuật của các công ty này có thể đưa đến những quyết định rời bỏ thị trường Việt Nam hay giảm đầu tư tại Việt Nam, tạo ra rủi ro và biến động thị trường. Nhìn chung, xuất siêu là tốt, nhưng không phải chỉ "toàn màu hồng".
TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cũng bày tỏ lo ngại cho rằng, xuất siêu kỷ lục chủ yếu là do kinh tế khó khăn, người dân và doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu cho đầu tư và tiêu dùng dẫn đến nhập khẩu giảm mạnh.
“Trước đây các doanh nghiệp lạc quan về tương lai nên đẩy mạnh nhập khẩu máy móc, tích trữ nguyên vật liệu để đầu tư, nay không bán được hàng nên cắt giảm chi tiêu. Người dân bị mất việc làm, giảm thu nhập cũng cắt giảm chi tiêu” – TS Nguyễn Đức Độ nói.
Xuất khẩu đóng góp nhiều cho tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đem lại ngoại tệ cho Việt Nam, nhưng 60% xuất khẩu là từ các doanh nghiệp FDI. Việt Nam chưa tận dụng được những lợi thế của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khi chưa được chuyển giao công nghệ.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp FDI trốn thuế qua hành vi chuyển giá bất hợp pháp. Nếu quá lệ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, sự lệ thuộc này tạo rủi ro lớn cho kinh tế Việt Nam, khi mà Việt Nam không kiểm soát được các chiến lược và kế hoạch kinh doanh của các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Xem thêm: odl.779638-ol-yah-gnum-dsu-it-531-cul-yk-oac-ueis-taux/et-hnik/nv.gnodoal