Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2025, Việt Nam vào top 4 quốc gia hàng đầu về Chính phủ điện tử tại ASEAN và nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử thế giới. Để làm được điều này, một số chuyên gia tại "Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử" ngày 17/9 cho rằng, việc huy động nguồn lực doanh nghiệp cao hơn là điều cần thiết.
Thực tế, một số tập đoàn lớn trong nước đã tham gia tư vấn chuyển đổi số, xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử, phát triển nền tảng tích hợp, liên thông dữ liệu, hay cung ứng các giải pháp cho đô thị thông minh. Trong số đó, Viettel có thế mạnh về nền tảng điện toán đám mây, VNPT lợi thế về hoạt động tích hợp dữ liêụ, hay FPT nổi bật với các giải pháp xác thực định danh, Blockchain.
Cụ thể, VNPT là đơn vị thực hiện dự án Trục liên thông văn bản quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay Cổng dịch vụ công quốc gia. FPT cung cấp giải pháp cho các lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục tại Quảng Ninh, TP HCM, Hải Phòng, và tham gia hỗ trợ, tư vấn cho TP HCM về khung kiến trúc chính quyền điện tử.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng vẫn có thể làm được nhiều hơn. Ông Phạm Anh Đức, Phó tổng giám đốc Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel đánh giá, hiện chưa có cơ chế khuyến khích được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các nền tảng theo hình thức hợp tác công tư (PPP). "Ví dụ, nước ta có ngành du lịch quy mô lớn nhưng cơ quan quản lý không có ngân sách để đầu tư các nền tảng lớn trong khi doanh nghiệp có khả năng thì không có cơ chế tham gia", ông nói.
Vì vậy, theo ông, với các dự án quan trọng, quy mô lớn, cần có cơ chế cho phép doanh nghiệp thực hiện, tạo điều kiện để họ đầu tư nghiên cứu và xây dựng sản phẩm trước. Ngoài ra, cần luật hóa việc kinh doanh, khai thác dữ liệu. Với các hệ thống thông tin doanh nghiệp đầu tư trước, cần có cơ chế cho phép doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dữ liệu được hình thành theo quy định của luật.
Việc cho phép doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình xây dựng chính phủ điện tử đã có tiền lệ ở một số nước phát triển. Tại Singapore, chính phủ khai thác nguồn lực doanh nghiệp bằng cách chia thành hai nhóm. Nhóm 1 là các doanh nghiệp có thể tận dụng về công nghệ và nhóm 2 là có thể cùng đồng hành phát triển.
Vào thời điểm đầu làm chính phủ điện tử, Singapore tận dụng công nghệ của các tập đoàn đa quốc gia và kỹ năng tích hợp hệ thống của các công ty nội địa. Với cách này, chính phủ và các công ty trong nước đã tích luỹ cũng như chuyển giao được một số công nghệ đáng kể. Còn tại Mỹ, chính phủ ký hợp đồng dịch vụ đám mây với Microsoft, Amazon.
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, Thành phố đặt mục tiêu đến 2030 xây dựng được chính quyền số hiệu quả, nền kinh tế số phát triển. Ông cũng đồng tình quan điểm cần tận dụng tất cả nguồn lực vì riêng chính quyền không thể làm được, phải kết hợp công tư để đẩy nhanh và hiệu quả.
"Chuyển đổi số thành phố bắt nguồn từ việc kế thừa những thành quả đã có, tận dụng mọi nguồn lực công tư kết hợp, có cơ chế lựa chọn các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số tốt để đưa vào ứng dụng được ngay. Để làm được điều đó, lãnh đạo thành phố đóng vai trò vừa tích cực thúc đẩy vừa hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển năng lực", ông nói.
Cùng với việc có cơ chế cụ thể để huy động nguồn lực công nghệ lẫn tài chính của doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để phát triển chính phủ điện tử, phải gắn với cải cách thủ tục hành chính.
Ông Trương Gia Bình, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, quan trọng nhất phải bắt đầu từ việc đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, đừng chạy theo số lượng mà hãy quan tâm đến chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến.
"Làm sao cho người dân cảm thấy thuận lợi, dễ dàng nhất và xây dựng được niềm tin cho người dân về việc nhà nước đang nỗ lực thế nào trong phát triển Chính phủ điện tử", ông Bình đánh giá.
Đồng quan điểm, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nêu hai kinh nghiệm của cơ quan này. Một là trải nghiệm. Hai là dùng công nghệ số và phải đơn giản nó đi.
"Dịch vụ cấp giấy chứng nhận xuất xứ trước đây làm trực tiếp mất vài ngày thì nay trực tuyến mất tối đa 4 giờ và có thể nhanh hơn. Quy định này chúng tôi đưa hẳn vào thông tư của Bộ. Một năm qua đã có 1,5 triệu hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ xin qua trực tuyến", ông Hải nêu ví dụ.
Khảo sát của UNDP về người sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam cho biết, hơn 70% vẫn chưa hài lòng vì vẫn phải đến cơ quan chính phủ để hoàn thành thủ tục. Vì vậy, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam đề xuất 3 giải pháp.
Thứ nhất, cải thiện năng lực tiếp cận thông tin và kết nối Internet, thu hẹp khoảng cách số quốc gia giữa thành thị và nông thôn, giữa các dân tộc và tầng lớp thu nhập.
Thứ hai, tập trung và khuyến khích sự tham gia của người dùng cuối bằng cách tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, ưu đãi, giảm chi phí khi dùng dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó, cung cấp các khoá đào tạo thực tế và miễn phí về cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân.
Viễn Thông