Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - Ảnh: N.DIỆP
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Hóa cho biết Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đang phải khắc phục hậu quả.
* Đến nay trường đã tuyển bao nhiêu lớp ĐH liên thông ngành dược và tổng số bao nhiêu sinh viên, thưa ông?
- Tôi là hiệu phó kiêm trưởng phòng đào tạo của trường nhưng tôi chỉ phụ trách phần đào tạo ĐH và sau ĐH; phần ĐH liên thông, tại chức trường giao cho người khác quản lý.
Đầu năm nay, dịch COVID-19 xảy ra, ban giám hiệu mới phân công tôi phụ trách toàn bộ mảng đào tạo. Lúc đó tôi mới nhận về phần quản lý đào tạo liên thông và tại chức.
Khi nhận quản lý ĐH liên thông tôi mới biết vụ tuyển sinh chui. Tháng 8-2018, khoa ĐH liên thông và đào tạo từ xa đã tuyển khoảng 50 lớp ĐH liên thông hệ chính quy, ngành dược, tổng cộng là 3.069 học viên. Hiện giờ đã có 838 sinh viên quyết định thôi học.
Còn lại phần lớn vẫn có nhu cầu học tiếp để lấy bằng. Trong số này chỉ có 459 em có chứng chỉ hành nghề thôi. Có 20 đơn vị liên kết với trường ở cả Bắc - Trung - Nam.
Trường thuê địa điểm tại các đơn vị này cho sinh viên ĐH liên thông học các môn đại cương, ngoại ngữ. Còn học chuyên môn thì sinh viên phải về Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội để học.
* Đào tạo ngành dược đòi hỏi khắt khe vì đây là ngành liên quan đến tính mạng con người nhưng trường lại đào tạo ồ ạt, sai phép. Là lãnh đạo, ông nghĩ gì khi trường xảy ra chuyện này?
- Nói chung dù đào tạo ngành gì cũng phải tuân thủ quy định của Bộ GD-ĐT, không làm trái Luật giáo dục được. Đào tạo ngành y dược càng phải cẩn trọng hơn.
Để xảy ra chuyện tuyển sinh sai phép, chúng tôi biết là sai rồi, nên giờ chúng tôi đang tìm cách tháo gỡ. Chúng tôi đã trình Bộ GD-ĐT, hi vọng bộ cho phép những sinh viên chưa có chứng chỉ có thể tiếp tục học và hoàn thiện chứng chỉ trước khi ra trường.
GS.TS Vũ Văn Hóa
* Đề xuất này đi ngược lại với quy định vì muốn học ĐH liên thông ngành dược, sinh viên cao đẳng phải có chứng chỉ hành nghề trước khi thi?
- Chúng tôi biết là như vậy, nhưng dù sao họ cũng đã mất công vào học. Chúng tôi hi vọng bộ linh động để họ được bổ sung chứng chỉ trước khi học xong.
* Trong trường hợp xấu nhất, bộ không đồng ý với đề xuất của trường thì trường tính sao, thưa ông?
- Bộ GD-ĐT đã quyết định chỉ tiêu đào tạo ĐH liên thông, ngành dược của trường tôi năm nay là 100 sinh viên. Trường đề nghị bộ cho lấy luôn chỉ tiêu của năm sau "đắp" vào năm nay, tổng số sẽ là 200 sinh viên (bù lại năm sau chúng tôi sẽ không tuyển nữa).
Dù vậy vẫn chưa đủ đâu. Chúng tôi đã đề xuất với bộ cho chúng tôi liên kết với các trường trong khu vực. Họ sẽ tiếp nhận sinh viên của chúng tôi, sinh viên học tại đó, lấy bằng tại đó. Tất nhiên đó chỉ là đề xuất của chúng tôi, còn bộ có quyết hay không lại là chuyện khác.
* Sự việc lần này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của trường. Trường rút ra bài học kinh nghiệm gì?
- Chính tôi đề cập với trường khi phân công công việc nên tập trung, giao cho ai thì người đó sẽ chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng và trước pháp luật. Kế hoạch làm việc phải rõ ràng.
Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT nên có văn bản thống nhất thời gian tuyển sinh dành cho hệ liên thông, tại chức sẽ dễ kiểm soát hơn thay vì để các trường tuyển lai rai quanh năm như bây giờ.
* Có dư luận cho rằng hiệu trưởng của trường là GS Trần Phương tuổi cao sức yếu, khó có thể đảm đương nhiệm vụ nên trường mới xảy ra nhiều chuyện như vậy.
- GS.TS VŨ VĂN HÓA: Thầy năm nay tuổi ngoài 90, vẫn rất minh mẫn. Thầy bị đột quỵ nên đi lại hơi khó.
Nhưng họp ban giám hiệu thỉnh thoảng thầy vẫn đến. Có việc gì lớn vẫn phải thông qua thầy. Hiện trường đang chuẩn bị bầu hội đồng trường, thầy Phương có nói đợt này thầy sẽ nghỉ.
TTO - GS.TS Vũ Văn Hóa - Hiệu phó Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, thừa nhận việc tuyển sinh hàng ngàn sinh viên dược hệ liên thông của trường là trái phép.
Xem thêm: mth.73263238081900202-ior-ias-teib-iot-gnuhc-coud-neiv-hnis-nagn-gnah-iuhc-hnis-neyut-uv/nv.ertiout