Covid-19: “Thời cơ mới” cho các nhà kinh doanh nhỏ
Nguyễn Khắc Giang
Một khảo sát mới thực hiện của Kantar cho thấy 62% người Việt được hỏi mua hàng qua mạng nhiều hơn trong thời Covid. Nhu cầu của khách hàng là không đổi, chỉ có cách ăn là thay đổi.
Rồi Covid đến và thay đổi tất cả. Các hàng quán - dù ở những tuyến phố tập trung nhiều văn phòng, trụ sở - vắng vẻ đi trông thấy. Nỗi lo dịch bệnh khiến việc đi ăn ngoài trở thành rủi ro lớn. Tiếp đó là nỗi sợ “cách ly”: không ai muốn chỉ vì một bát phở mà phải ở nhà hai tuần nếu có người nghi nhiễm đến ăn cùng quán. Thay vì lượng khách vào ra nườm nợp như trước, các quán ăn chỉ xuất hiện bóng áo màu đỏ quen thuộc của các anh tài giao đồ ăn công nghệ.
Cú sốc Covid khiến các cửa hàng đứng giữa hai lựa chọn: hoặc tiếp tục chờ đợi cho đại dịch qua đi, hoặc phải thích ứng và chấp nhận “sống chung với lũ” trong trạng thái bình thường mới, với yêu cầu dịch chuyển hoạt động kinh doanh lên các nền tảng trực tuyến.
Với nhiều cửa hàng, lựa chọn “online” mở ra những cơ hội khác: họ tiếp cận với tập khách hàng mới, vốn chỉ bắt đầu tìm đến đặt hàng trực tuyến do yêu cầu giãn cách xã hội. Điều này đặc biệt đúng ở các đô thị lớn, với phần đông dân số trẻ đã quen với việc thanh toán bằng thẻ, mã QR, hay trên các ứng dụng di động. Khi không thể ăn ngoài, người ta buộc phải chuyển sang lựa chọn khác. Một khảo sát mới thực hiện của Kantar cho thấy 62% người Việt được hỏi mua hàng qua mạng nhiều hơn trong thời Covid. Nhu cầu của khách hàng là không đổi, chỉ có cách ăn là thay đổi.
Trên thực tế, quá trình “số hóa” hoạt động kinh doanh đã diễn ra sôi động ở Việt Nam trong thời gian qua, nhờ sự vươn mình mạnh mẽ của nhiều ứng dụng công nghệ. Kể cả khi không có tác động của Covid, dịch chuyển online là xu hướng không thể tránh khỏi. Một khảo sát mới đây của YouGov cho thấy đến 75% số người khảo sát cho rằng việc cửa hàng bán lẻ cần chấp nhận các hình thức thanh toán điện tử. Chính phủ cũng liên tục đưa ra các chính sách khuyến khích hướng đến một “xã hội không dùng tiền mặt”, mới nhất là Chỉ thị số 22 ban hành tháng 5 vừa qua. Một ứng dụng ví điện tử lớn ở Việt Nam tuyên bố đã có đến 10 triệu người đăng ký và 100 nghìn điểm chấp nhận thanh toán trong năm 2018.
Kinh doanh trực tuyến mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Người tiêu dùng không còn thấy phiền toái và mất an toàn khi ra đường lỉnh kỉnh với ví và túi xách, người bán không vất vả với tiền lẻ và hạch toán sổ sách, còn nhà nước sẽ thấy dễ dàng khi ước tính quy mô của nền kinh tế và thu thuế.
Trên một số nền tảng, hoạt động kinh doanh trở thành một hệ sinh thái gắn kết giữa người bán, người mua, và bên vận hành ứng dụng, giúp cho việc sử dụng dịch vụ trở nên hiệu quả và đáng tin cậy hơn. Ví dụ điển hình là Now, một trong những ứng dụng giao đồ ăn phổ biến nhất hiện tại, tạo dựng được cộng đồng có đến 70 nghìn cửa hàng bao phủ tới 16 thành phố lớn trên cả nước. Gánh nặng về truyền thông hay địa điểm kinh doanh được giảm đi rất nhiều, nhờ khả năng tiếp cận đến hàng triệu người dùng và hệ thống logistics rộng khắp. Đội ngũ phát triển của ứng dụng cũng sẽ hỗ trợ người bán xây dựng hình ảnh, tối ưu hóa quy trình vận hành, cũng như đảm bảo phương thức thanh toán tiện dụng và an toàn. Nhờ đó, người bán chỉ cần tập trung vào chuyên môn của mình: tạo ra những bữa ăn ngon nhất.
Tuy vậy, việc nhanh chóng chuyển đổi sang “số hóa” là không dễ dàng. Nếu bạn là chủ một quán bún chả ở Hà Nội, và muốn tiếp cận thực khách thông qua ứng dụng trực tuyến, khởi đầu từ đâu là câu hỏi khó: Lập một website, một trang Facebook hay đăng ký gian hàng trên ứng dụng công nghệ? Thêm vào đó, nỗi lo về chi phí và thủ tục cũng khiến nhiều quán ăn “vỉa hè” ngại chuyển đổi số.
Chính vì thế, sự hỗ trợ từ cả khách hàng, chính phủ, các nền tảng công nghệ, và đơn vị trung gian thanh toán là hết sức cần thiết để giúp các cửa hàng – đặc biệt là những đơn vị kinh doanh nhỏ, lẻ - đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Chính phủ hiện đang xây dựng chương trình chuyển đổi số và sẽ ban hành chính sách cụ thể trong năm nay.
Về phía doanh nghiệp, dịch vụ thanh toán VISA hiện đang phối hợp với các nền tảng như Now để triển khai chương trình đồng hành hỗ trợ nâng tầm những nhà kinh doanh nhỏ lẻ mang đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, trong đó các cửa hàng nhỏ, quán ăn vỉa hè là một trong những đối tượng chính. Chỉ bằng một vài click chuột, người bán có thể hiện diện trên ứng dụng và bắt đầu khai phá cơ hội kinh doanh mới.
Về phía khách hàng, một khảo sát của YouGov cho thấy đến 97% người Việt được hỏi khẳng định sẽ tiếp tục mua sắm ở các cửa hàng nơi mình sinh sống, để hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Khủng hoảng luôn đi kèm với cơ hội. Chuyển đổi số không phải là lựa chọn thay thế tạm thời, mà là tương lai của dịch vụ ăn uống, bởi điều này đi kèm với việc tối ưu hóa quy trình vận hành, đồng thời gắn cửa hàng với một hệ sinh thái có thể hỗ trợ họ mọi lúc mọi nơi.
Dù vẫn thích được ngồi trong không khí ồn ào của quán ăn Hà Nội, giờ đây tôi thấy hài lòng với chuyện đặt bữa ăn qua điện thoại. Tôi được ăn món mình thích với mức giá cũ ở bất kì đâu, trong khi có thể thử những món mới được “chấm” nhiều sao nhất qua hệ thống đánh giá của ứng dụng. Với các cửa hàng, chi phí mặt bằng và nhân công được giảm đi đáng kể khi phục vụ khách online. Vị trí đắc địa không còn là yếu tố tiên quyết để khởi nghiệp. Thay vào đó, ưu tiên sẽ quay về với giá trị cốt lõi của dịch vụ ăn uống: chất lượng của các món ăn.
Về tác giả: Nguyễn Khắc Giang - Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học Chính trị tại ĐH Victoria Wellington (New Zealand). Anh nhận bằng thạc sĩ ngành Truyền thông và Toàn cầu hóa tại ĐH Aarhus (Đan Mạch) và City University London (Vương quốc Anh). Ngoài công việc chính, anh còn viết bình luận cho một số tờ báo uy tín trong nước và quốc tế. |
Xem thêm: lmth.ohn-hnaod-hnik-ahn-cac-ohc-iom-oc-ioht-91-divoc/178703/nv.semitnogiaseht.www