Sáng 18-9, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tổ chức tọa đàm về việc lắp camera trên xe theo quy định tại Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT.
Nghị định 10/2020 quy định trước ngày 1-7-2021 ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình lưu thông trên đường.
Theo đó, các thành viên Hiệp hội đã nghiên cứu và nhận thấy một số vấn đề về quy định lắp camera ghi hình là những quy định mới, có mối quan hệ tác động rộng và phát sinh chi phí lớn.
Theo quy định, xe kinh doanh vận tải hành khách phải lắp camera cả trong khoang hành khách. Ảnh: TN
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô, cho biết thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh xe vận tải, xe ô tô và Điều 9 đến Điều 13 thuộc Thông tư 12/2020 quy định về tổ chức quản lý và vận tải xe ô tô, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, Bộ GTVT yêu cầu các doanh nghiệp (DN) thực hiện việc lắp camera theo quy định.
Ông Quyền cho hay, qua trao đổi với các DN hội viên, hiện nay có nhiều phương tiện phải lắp camera, tuy nhiên nhiều DN chưa thực hiện quy định này. Chỉ có một số DN lắp để phục vụ quản lý trong nội bộ và chưa lắp theo quy định tại Nghị định 10.
Đồng thời theo phản ánh của các DN, mục đích của việc lắp camera chưa rõ ràng, nhất là với yêu cầu lắp camera ở cửa lên xuống xe và trong khoang hành khách. Vì vậy, hiệp hội tiếp tục kiến nghị với các cơ quan chuyên ngành có hướng dẫn cụ thể.
Trong đó, Hiệp hội đề ra một số vấn đề như sau: Một là việc ghi và lưu trữ hình ảnh trên xe hoàn toàn phục vụ cơ quan quản lý nhà nước, vì vậy cần làm rõ hiệu quả và mục đích của việc làm này; cần có thí điểm tổng kết trước khi lắp đặt đại trà, đồng thời cần có tính toán thêm sự an toàn của hệ thống điện khi lắp thêm các phụ kiện.
Hai là hiện nay các DN vận tải đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhiều DN đang trên bờ phá sản. Do đó, chi phí cho việc lắp đặt (khoảng 10 triệu đồng/xe), mỗi DN phải chi 1-2 tỉ đồng và toàn quốc phải chi 8-9 tỉ đồng. Theo đó, Hiệp hội đề nghị Bộ GTVT tính toán tính khả thi và thực sự cần thiết thì việc lắp camera có thể lùi ít nhất hai năm nữa (tức là đến năm 2023).
Theo ông Quyền, hiện nay rất nhiều DN công nghệ tiếp cận mời chào camera nhưng các đơn vị vận tải chưa rõ về quy chuẩn nên đề nghị Bộ GTVT sớm ban hành quy chuẩn và công bố rộng rãi những DN đủ quy chuẩn lắp camera theo quy định.
Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát tiêu chuẩn an toàn về hệ thống điện đối với các phương tiện thuộc diện lắp camera, đặc biệt đối với xe khách trên 30 chỗ. Đối với xe khách đóng mới cần rà soát điều chỉnh tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo đủ điều kiện lắp thêm camera theo quy định.
Tiếp đến, hiệp hội cần làm rõ việc truyền dữ liệu về Tổng cục đường bộ Việt Nam để làm gì, có dữ liệu xử lý lượng thông tin “khổng lồ” này hay chưa. Đồng thời, chi phí cho việc lắp camera và truyền dữ liệu là quá lớn, kết quả thu được có tương xứng không.
Đặc biệt, lắp camera ghi hình đối với các hành khách trên xe trong suốt quá trình tham gia giao thông có vi phạm quyền riêng tư của hành khách không. Đối với xe khách giường nằm, nếu ghi hình hành khách thì phải nhiều camera và gây tốn kém. Còn quy định đối với việc lắp camera ở khoang tài xế là phù hợp nhưng cũng chỉ phục vụ việc quản lý điều hành của DN không cần thiết truyền dữ liệu về Tổng cục đường bộ Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc lắp camera ở cửa lên xuống xe cũng không cần thiết vì nó cũng chủ yếu phục vụ việc quản lý DN và hiện nay một số DN cũng đã lắp để quản lý hành khách lên xuống xe. Đồng thời, hiện nay một số thiết bị đầu cuối (như giám sát hành trình) cũng đang chịu nhiều bộ quản lý như Bộ GTVT và Bộ TT&TT, gây nhiều phiền hà trong thủ tục hành chính cho DN.
Từ những vấn đề trên, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tiếp tục tổng hợp các ý kiến của các hiệp hội cơ sở cùng các DN vận tải để có kiến nghị đến Bộ GTVT về việc lắp camera này.