Công ty cổ phần VieON xác nhận đã gửi hồ sơ khởi kiện Công ty cổ phần dịch vụ Di động trực tuyến (M_Service), sở hữu ví điện tử MoMo, ra tòa án tại TPHCM.
Đây là trường hợp thứ 3 doanh nghiệp khởi kiện doanh nghiệp được thông tin công khai trong vòng chưa đầy một tháng trở lại đây.
Tuy nhiên, 2 vụ kiện được công khai trước đó, VNG kiện TikTok và First News – Trí Việt kiện Lazada, là từ phía doanh nghiệp trong nước kiện doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam. Còn trường hợp VieON khởi kiện MoMo, đều là 2 doanh nghiệp trong nước.
Lí do khởi kiện theo lãnh đạo VieON – ông Huỳnh Long Thủy, là vì MoMo đơn phương chấm dứt hợp đồng làm trung gian dịch vụ thanh toán cho ứng dụng VieON, gây thiệt hại nặng nề cho dù chưa được bên VieON đồng thuận.
Theo đó, vào ngày 12.12.2019, VieON đã kí hợp đồng với M_Service về việc sử dụng dịch vụ thanh toán qua ví điện tử MoMo. Phía VieON cho biết, giải pháp thanh toán qua MoMo đã góp phần mang lại sự thuận tiện cho phần lớn người dùng của VieON, và VieON cũng đã thực hiện nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá để giới thiệu giải pháp thanh toán này đến với người dùng. Đến giữa tháng 6, VieON đã đạt mức tăng trưởng mạnh, và trước đó đã đứng ở tốp đầu bảng xếp hạng của AppStore và Google Play.
Tuy nhiên, trong thời điểm VieON đang đạt tốc độ tăng trưởng đầy khả quan thì M-Service, vào ngày 15.7.2020, đã gửi công văn đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ kết nối thanh toán cho người dùng của VieON. Lí do được phía M_Service đưa ra là: “Dựa vào định hướng phát triển nội bộ của M_Service trong thời gian sắp tới, công ty chúng tôi tạm thời không còn nhu cầu phát triển kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ đã hợp tác với quí công ty”, mà không phải do một trong hai bên vi phạm hợp đồng.
Đến ngày 3.9.2020, M_Service cắt kết nối cổng thanh toán cho người dùng VieON. Từ thời điểm này, người dùng VieON không thể sử dụng ví MoMo để thanh toán các dịch vụ trên các hệ thống website, ứng dụng của VieON.
Theo phía VieON, việc bị MoMo cắt dịch vụ làm trung gian thanh toán đã khiến bản thân VieON thiệt hại nặng nề. Cụ thể, phần lớn người dùng hiện hữu của VieON lâu nay sử dụng MoMo làm kênh thanh toán phí dịch vụ cho VieON không thể gia hạn các gói dịch vụ, đồng thời VieON cũng bị hạn chế không gia tăng được người dùng mới vì mất kênh thanh toán qua MoMo. Thiệt hại lớn nhất là khoảng 45% người dùng VieON rời bỏ ứng dụng này vì không thể thanh toán bằng kênh tiện dụng qua MoMo.
Phóng viên Báo Lao Động đã liên hệ với phía MoMo để xác nhận thông tin và làm rõ nguyên nhân MoMo ngừng cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán cho VieON. Phụ trách truyền thông của MoMo phản hồi qua email: “Hợp đồng của MoMo với VieON là hợp đồng thương mại bình thường và MoMo ngưng theo đúng các điều khoản của hợp đồng. Việc dừng hợp đồng đã được thông báo trực tiếp và bằng văn bản trước 30 ngày. Hiện nay, MoMo chưa nhận được bất kỳ văn bản nào về việc VieON kiện”.
Trong khi đó, phía VieON cho biết, tòa án sẽ phản hồi sau khi nhận hồ sơ khởi kiện MoMo trong vòng một tuần.
Xem thêm: odl.762738-omom-neik-noeiv-oas-iv-peihgn-hnaod-neik-peihgn-hnaod-uv-meht/et-hnik/nv.gnodoal