- Đề xuất Bộ Công an là lực lượng chủ trì nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới
- Đảm bảo an ninh, trật tự, giữ vững an ninh biên giới
Chiều 21/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận trực tuyến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, có ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh lý để thể hiện khái quát, đầy đủ chính sách của Nhà nước về biên phòng, trong đó có chính sách đặc thù ở khu vực biên giới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chính sách của Nhà nước về biên phòng cần thể chế hóa đầy đủ đường lối đối nội, đối ngoại, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời ghi nhận những chính sách lớn nhằm xây dựng, huy động tiềm lực mọi mặt của quốc gia, tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm cơ sở để xây dựng những chính sách cụ thể. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý lại các quy định về chính sách của Nhà nước về biên phòng, có bổ sung chính sách đặc thù như thể hiện trong dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ |
Trước ý kiến đề nghị giao Bộ đội Biên phòng thẩm quyền "chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới", đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho đây là vấn đề mới, đề nghị Quốc hội phải có đánh giá tác động.
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đồng tình với việc quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ đội biên phòng như dự thảo luật là phù hợp, cần thiết. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, “đây không phải chồng chéo mà là sự đồng hành trong xử lý”. Tranh luận với ý kiến của đại biểu Hoa, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đề nghị Quốc hội cần có đánh giá tác động trước khi giao vai trò chủ trì cho lực lượng Bộ đội biên phòng. Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, nếu nói quy định này là đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành là chưa chính xác.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng |
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Luật Quốc phòng không quy định giao cho Quân đội chủ trì an ninh trật tự khu vực biên giới. Mặt khác, Điều 35 Luật Quản lý biên giới, trong 7 quy định không có quy định nào nêu vai trò chủ trì. Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam tại kỳ họp trước cũng không có từ “chủ trì” mà tới kỳ này, sau khi chỉnh lý mới thêm vào.
“Tôi không có ý đi ngược lại với ý kiến các đại biểu, nhưng đề nghị khi chúng ta đưa vào một chính sách, quy định rất mới là “vai trò chủ trì” thì Quốc hội cần có đánh giá tác động” – đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nói.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã tập trung phát biểu làm rõ thêm nhiều quy định như về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, vai trò của nhân dân và các lực lượng trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; về phối hợp trong triển khai nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng. Làm rõ các quy định về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, chế độ, chính sách; trang bị của lực lượng Bộ đội biên phòng để thể hiện đúng với tính chất, vai trò của lực lượng này là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Ngoài ra, các ý kiến còn tham gia góp ý cụ thể về kỹ thuật văn bản, từ ngữ, bố cục các chương, điều của dự thảo luật.