Chiều tối 18-9, TAND TP.HCM tiếp tục cho đối đáp giữa VKS với luật sư, bị cáo, các bên liên quan trong vụ ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) và đồng phạm vụ giao đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1.
Đại diện VKS cáo buộc hành vi phạm tội của bị cáo Tài và đồng phạm gây thất thoát, lãng phí 1.927 tỉ đồng. Từ hồ sơ và quá trình xét xử, VKS khẳng định đủ cơ sở cáo buộc các sai phạm của các bị cáo.
Tại tòa, luật sư bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (cựu chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Lavenue) cho rằng cáo trạng không đủ căn cứ buộc tội. Tuy nhiên, luật sư cũng như bị cáo không hề khẳng định bị cáo bị oan hay đề nghị HĐXX tuyên vô tội.
Đại diện VKS tại toà. Ảnh: H.Y
VKS nhấn mạnh nhấn mạnh cáo trạng kết luận hai bị cáo có mối quan hệ tình cảm cá nhân. “Chúng tôi không hề nói rằng hai bị cáo có mối quan hệ bất chính. Quá trình điều tra, bị cáo Tài có thừa nhận mối quan hệ cá nhân này. Cơ quan điều tra tìm ra giao dịch chuyển tiền giữa hai bị cáo” – đại diện VKS giải thích.
Bào chữa tại tòa, bị cáo Tài nhắc lại nhiều lần việc thiệt hại vụ án trên thực tế chưa xảy ra. Bị cáo nói ký mọi quyết định liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn từ tham mưu, đề xuất cấp dưới trình lên.
Bào chữa cho bị cáo Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, luật sư cho rằng việc buộc tội của VKS có nhiều vấn đề chưa được chứng minh, làm rõ. Bị cáo Kiệt không biết việc UBND TP.phê duyệt chủ đầu tư công ty Lavenue thực hiện dự án trái với phương án xử lý nhà, đất. Vì vậy, bị cáo Kiệt không phải chịu trách nhiệm đối với hành vi phê duyệt chủ đầu tư là công Lavenue.
Cạnh đó, luật sư nêu hệ thống pháp luật có sự mâu thuẫn, xung đột, không thống nhất dẫn đến rủi ro trong quá trình áp dụng vào thực tiễn. Kết luận điều tra bỏ qua một số nội dung quan trọng làm thay đổi bản chất vụ án.
Ông Nguyễn Thành Tài. Ảnh: H.Y
Về kê biên tài sản, luật sư cho rằng ông Kiệt không tham gia vào quá trình xử lý nhà số 12 Lê Duẩn nên việc kê biên tài sản là không đúng quy định của pháp luât. Mặt khác, tài sản đang bị kê biên là tài sản chung của vợ chồng bị cáo Kiệt.
Bên cạnh đó, luật sư cho rằng cơ quan tố tụng xác định thiệt hại trong vụ án là 1.927 tỉ đồng là không đúng.
Từ những phân tích trên, luật sư đề nghị HĐXX tuyên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với thân chủ vì hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội, đồng thời, do sự chuyển biến tình hình và sự thay đổi chính sách pháp luật…
Đáng chú ý, luật sư bào chữa cho bà Thuý Hoa Tháng Năm cho rằng vụ án còn nhiều khúc mắc liên quan đến Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM và 4 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công thương (Công ty CP Vận tải xăng dầu VITACO, Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty CP Hóa chất vật liệu, Công ty CP Kim khí TP).
Bà Thuý yêu cầu HĐXX xác định mối quan hệ với ông Tài. Ảnh: H.Y
Theo luật sư, hồ sơ thể hiện UBND TP. cho 4 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công thương thuê khu nhà, đất 8-12 Lê Duẩn. Sau đó UBND TP thống nhất chủ trương xây khách sạn 5 sao và một phần trung tâm thương mại tại khu đất trên và giao Công ty QLKDN triển khai dự án, tìm kiếm nhà đầu tư.
Năm 2008, UBND TP. chấp thuận Công ty CP Hòn Ngọc Viễn Đông làm chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, kế hoạch không thành do vướng mắc thu hồi mặt bằng. Bốn công ty trực thuộc Bộ Công thương đang thuê đất khi đó chây ì, không trả mặt bằng, tiền thuê đất (theo lời khai của bị cáo Tài). Những doanh nghiệp này đề đạt mong muốn mua chỉ định hoặc tham gia đầu tư dự án. Bộ Công thương cũng đề nghị UBND TP tạo điều kiện hỗ trợ 4 doanh nghiệp được mua chỉ định hoặc tham gia đầu tư dự án.
Năm 2009, UBND TP ra thông báo có nội dung: Công ty QLKDN có quyền liên doanh, liên kết để hợp vốn thực hiện dự án nhưng cần ưu tiên các đơn vị đang thuê sử dụng tại khu vực nhà, đất số 8-12 Lê Duẩn tham gia góp vốn.
Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ ghi nhận: tuy nhiên, theo đề nghị của Bộ Công thương và sau nhiều lần thay đổi chủ trương cùng phương thức đầu tư, tháng 10-2010, UBND TP HCM đồng ý phương án thành lập công ty CP thực hiện dự án.
Từ đó, luật sư lập luận việc thay đổi chủ trương, phương thức đầu tư dự án xuất phát từ đề nghị Bộ Công thương gửi UBND TP.
Cụ thể, ngày 17-8-2010, UBND TP chấp thuận Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án. Chỉ ba ngày sau, 4 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty TNHH Đầu tư Kim Đô. Theo đó, 4 công ty này nhận chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất thông qua hợp đồng chuyển nhượng. Hợp đồng sẽ ký ngay sau khi 4 công ty trở thành cổ đông sáng lập pháp nhân mới (doanh nghiệp thành lập trên cơ sở liên doanh giữa Công ty QLKDN, Công ty Hoa Tháng Năm và 4 công ty trên - Công ty CP Đầu tư Lavenue).
Đến tháng 1-2011, Công ty CP Đầu tư Lavenue báo cáo UBND TP HCM việc 4 cổ đông sáng lập chuyển nhượng toàn bộ phần vốn điều lệ 50% sang Công ty TNHH Đầu tư Kim Đô (100% vốn tư nhân) với tổng giá trị 250 tỉ đồng. Việc chuyển nhượng này mang đến lợi nhuận 50 tỉ đồng cho mỗi doanh nghiệp trên.
Tại tòa, đại diện những doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương cho biết họ đã chi tiêu hết số lợi nhuận 50 tỉ đồng vào việc xây dựng văn phòng, nộp thuế và chia lợi tức...