Đây là tác phẩm đầu tiên trong Dự án Huyền sử Việt sẽ gồm 4 tác phẩm ca ngợi công đức của 4 vị thánh Tứ bất tử trong tín ngưỡng tâm linh nguyên thuỷ của người dân Việt Nam, là Chử Đồng Từ, Mẫu Liễu Hạnh, Tản Viên Sơn Thánh và Thánh Gióng.
Chia sẻ tại về sự kết hợp này, NSND Tống Toàn Thắng cho biết: "Tôi nghĩ, thông qua nội dung và chuyển tải ngôn ngữ cải lương, những nghệ sĩ xiếc chúng tôi sẽ minh họa cho những lời ca, nhân vật bằng những kỹ xảo, kỹ năng, sự liên kết cho khán giả”.
Theo nghệ sĩ, các nhà hát muốn tạo ra một sân chơi mới cho nghệ sĩ của 2 nhà hát, có sự chia sẻ với nhau về kỹ năng, nghệ thuật, trau dồi riêng kỹ năng cho từng loại hình, và đặc biệt là đáp ứng yếu tố giải trí. Đây là cơ hội mang đến cho khán giả một hình thức nghệ thuật mới, một sân khấu mới.
Đại diện các Nhà hát chia sẻ tại buổi công bố. Ảnh V.T
NSND Trung Kiên cũng bày tỏ: Đây không phải là lần đầu tiên cải lương kết hợp với các loại hình nghệ thuật hiện đại khác.
“Trước đó, tôi đã kết hợp giữa cải lương và rối trong vở Ngã quỷ, sau nữa là chèo, xẩm, hát văn Huế trong Ngàn năm mây trắng. Những vở diễn kết hợp này khi ra mắt đều rất thành công và thu hút được khán giả đến thưởng thức. Còn giữa xiếc và cải lương thì tưởng như không liên quan nhưng thực tế lại rất gần gũi với nhau”- anh nói.
NSND Trịnh Thuý Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng cho biết: "Cải lương và xiếc phối kết hợp - đây là sự sáng tạo vô cùng táo bạo của hai đạo diễn - NSND Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng.
“Ban đầu tôi cũng lăn tăn, nhưng khi nhìn vào một êkíp vô cùng hùng hậu tham gia, đặc biệt là NSND Trung Kiên, người luôn đi tiên phong và táo bạo trong thử nghiệm, tôi tin rằng các anh đạo diễn sẽ tạo được sự sáng tạo bất ngờ, thú vị, tạo nên điều mới mẻ cho sân khấu. Tôi tin tác phẩm sẽ thành công, đem đến sức hấp dẫn mới cho khán giả"- chị nói.
Vở diễn Cây gậy thần dự kiến ra mắt khán giả vào tháng 11-2020.