Tranh luận về thiệt hại tại khu 'đất vàng' số 8-12 Lê Duẩn
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Phần tranh luận trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ gây thất thoát, lãng phí khu “đất vàng” số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1, TPHCM đã được tiếp tục trong ngày 18-9, trong đó vấn đề gây tranh cãi khá gay gắt là liệu có việc gây thiệt hại, thất thoát vốn Nhà nước hay không.
Vụ án 'đất vàng' 8-12 Lê Duẩn, bà chủ Hoa Tháng Năm khóc: tôi làm gì sai?
Khu "đất vàng" tại vị trí trung tâm thành phố, số 8-12 Lê Duẩn. Ảnh: Lê Quân. |
Luật sư lập luận Nhà nước không bị thiệt hại
Theo cáo trạng, vụ án xác định thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra là 1.927 tỉ đồng. Và ở phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cũng nhận định chỉ riêng thiệt hại do làm mất tài sản trên khu đất số 12 Lê Duẩn, quận 1 đã là 4,7 tỉ đồng. Do đó, đại diện VKS đề nghị tòa buộc bị cáo Nguyễn Thành Tài và Lê Thị Thanh Thúy liên đới bồi thường 4,7 tỉ đồng thiệt hại.
Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tịch thu hơn 230 tỉ đồng của Công ty Hoa Tháng Năm; thu hồi 157 tỉ của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM để chuyển trả vào ngân sách nhà nước.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoài Nam (cựu bí thư Quận ủy quận 2), luật sư Vũ Phi Long đặt vấn đề cần đánh giá lại con số thiệt hại của vụ án.
Theo vị luật sư này, kết luận giám định sẽ là chứng cứ kết tội các bị cáo trong vụ án, đối với tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Tuy nhiên, kết luận giám định trong vụ án đang có vấn đề, khi cơ quan giám định đã gộp giá trị cả khu đất 8-12 Lê Duẩn để tính tổng thiệt hại trong vụ án. Trong khi bản chất của vụ án là giao Công ty Lavenue lô đất số 8 Lê Duẩn; còn khu đất 12 Lê Duẩn là cho thuê có thời hạn, có thu tiền và Nhà nước không mất đi giá trị quyền sử dụng khu đất này.
Hơn nữa, luật sư Vũ Phi Long cho rằng khi giao khu đất số 8 Lê Duẩn có thu tiền giá trị quyền sử dụng đất theo kết quả giám định tại thời điểm giao đất, tiền đã nộp vào Ngân sách nhà nước, vậy thiệt hại ở đâu? Từ đó, luật sư Long đề nghị hội đồng xét xử đánh giá con số thiệt hại mà Viện Kiểm sát buộc tội các bị cáo gây thất thoát, lãng phí là con số "ảo".
Luật sư cho rằng việc xác định thiệt hại trong vụ án là chưa hợp lý. Ảnh: báo Tuổi Trẻ Online |
Việc đầu tư của Lavenue là hợp pháp?
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Bằng, người đại diện theo ủy quyền của Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue, cho rằng công ty không sai về thủ tục đầu tư và đề nghị được tiếp tục triển khai dự án tại số 8-12 Lê Duẩn.
"Trong những ngày xét xử vừa qua và những lần tranh luận, bào chữa của các luật sư với các bị cáo, các luật sư cũng đưa ra được những cơ sở pháp lý chứng minh rằng vấn đề thiệt hại trong vụ án này là không có", ông Bằng nói trước tòa, và cho rằng việc giao, cho thuê đất tại địa chỉ 8-12 Lê Duẩn được thực hiện đúng theo chủ trương của UBND Thành phố có từ trước đó. Và Công ty Lavenue được thành lập trên cơ sở hợp pháp.
"Trong cáo trạng và kết luận điều tra, chưa có một văn bản nào và cũng chưa có một ai khẳng định rằng công ty vi phạm pháp luật", ông Bằng nêu.
Tuy nhiên, trong cáo trạng của Viện Kiểm sát lại đề nghị tịch thu số tiền hơn 355 tỉ đồng của Công ty Hoa Tháng Năm (cổ đông chiếm tỷ lệ 30% của Công ty Lavenue). Ông bằng cho rằng số tiền này đã chuyển thành vốn của Công ty Lavenue từ lúc được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp, không còn là vốn của Công ty Hoa Tháng Năm nữa.
Đại diện Công ty Lavenue cho rằng, vụ án này không chứng minh được yếu tố vụ lợi, doanh nghiệp không thực hiện hành vi nào liên quan đến việc vụ lợi đối với những bị cáo trong vụ án này, như vậy không thể khẳng định doanh nghiệp làm sai được.
Trong bản cáo trạng, Viện Kiểm sát cũng cho rằng Công ty Lavenue không sai. Khi công ty không sai như vậy thì phải xử lý trách nhiệm và các khoản tiền cho công ty để công ty tiếp tục thực hiện dự án này, ông Bằng kiến nghị.
Về việc Viện Kiểm sát cho rằng Công ty Hoa Tháng Năm hay Công ty Lavenue không có đủ năng lực để thực hiện dự án theo ông Bằng là sự đánh giá phiến diện, bởi năng lực tài chính và năng lực quản lý của công ty đều có thể chứng minh được.
Công tố viên khẳng định có thất thoát
Công tố viên tại phiên tòa ngày 18-9. Ảnh: Lê Hoàng |
Tranh luận lại với những quan điểm của các luật sư nêu ra, đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định nội dung luận tội. Công tố viên cho rằng việc truy tố các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là có căn cứ, đúng pháp luật. Công tố viên đối đáp lại một số vấn đề luật sư và các bị cáo nêu ra.
Về nội dung vụ án, đại diện VKS cho rằng việc giao dự án 8-12 Lê Duẩn cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà Thành phố và 4 công ty thuộc Bộ Công thương nhằm mục đích bảo toàn vốn nhà nước, và chỉ sai khi công ty này không đủ vốn và phải huy động vốn. Hơn nữa đây chính là 2 lô đất liền nhau chứ không phải bị ngắt quãng như luật dự biện hộ.
Cái sai đến từ khi Công ty quản lý kinh doanh nhà có công văn đề nghị huy động thêm vốn. Việc huy động thêm vốn là không sai, nhưng theo vị VKS phải theo đúng quy định của pháp luật. UBND TPHCM phải có trách nhiệm thực hiện bảo toàn tài sản nhà nước.
Cụ thể, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM đang có 50% vốn ở liên doanh nhưng lại cho công ty tư nhân tham gia góp 30%. Từ đó dẫn đến không bảo đảm nguyên tắc bảo đảm vốn Nhà nước.
"Sau đó, 4 công ty thuộc Bộ Công Thương đã bán 50% cổ phần của mình cho Công ty Kinh Đô, lời 200 tỉ đồng", vị đại diện VKS nói, và đặt câu hỏi: "Vậy 30% cổ phần mà Công ty Hoa Tháng Năm nắm giữ thì sẽ lời bao nhiêu? Nhà nước đã mất tiền ngay lúc này?". Viện Kiểm sát cho rằng thất thoát đã xảy ra ngay lúc công ty tư nhân tham gia góp vốn.
Theo VKS, từ tháng 10-2010, Công Lavenue đã là công ty tư nhân với 80% vốn tư nhân. Công ty Quản lý kinh doanh nhà Thành phố đã báo cáo Thường trực UBND Thành phố. Do Công ty Lavenue là công ty tư nhân nên không thuộc đối tượng được giao đất. Bị cáo Nguyễn Thành Tài biết rõ nhưng vẫn chỉ đạo sở ban ngành giải quyết cho Công ty Lavenue thuê đất.
Hơn nữa, hồ sơ của Công ty Lavenue chưa đủ nhưng các bị cáo vẫn cố ý đẩy nhanh tiến độ, giúp sức cho bị cáo Nguyễn Thành Tài, bỏ qua đề xuất của Văn phòng UBND Thành phố.
Về ý kiến xác định thiệt hại chưa hợp lý, VKS cho rằng cơ quan tố tụng không trưng cầu giám định thiệt hại mà chỉ giám định về quy trình, ví dụ pháp luật quy định như vậy anh làm đúng hay chưa.
Trả lời câu hỏi "tại sao lại trưng cầu định giá ở cả hai lô đất?", VKS cho rằng theo nghị định 121, khi kinh doanh bất động sản chỉ áp dụng một hình thức cho cả dự án. Từ đó, đại diện VKS khẳng định nội dung mà kết luận điều tra và cáo trạng nêu ra hoàn toàn có cơ sở.
Đại diện VKS còn cho rằng, trong phần bào chữa, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy và luật sư cho rằng bị cáo không có hành vi xúi giục, tác động đến bị cáo Nguyễn Thành Tài, nhưng trong kết quả điều tra và trong phiên tòa cũng đã thể hiện rõ hành vi gian dối ngay từ đầu.
"Từ khi có văn bản xin tham gia dự án, dù công ty mới thành lập nhưng đã tự nhận là công ty có kinh nghiệm, năng lực tài chính để tham gia dự án", đại diện VKS nói, và cho biết thêm: năng lực tài chính bị cáo Lê Thị Thanh Thúy cũng khai rằng đi vay của người nhà. "Đây chính là hành vi gian dối đầu tiên", ông nói.
Theo vị đại diện VKS, đây chỉ là thủ đoạn đầu tiên để bước vào một dự án mà không phải thông qua đấu giá. Mục đích của bị cáo Lê Thị Thanh Thúy tham gia vào dự án là để trục lợi.
Xét về vai trò, VKS cho rằng mức độ vi phạm của bị cáo Lê Thị Thanh Thúy ngang bằng hoặc tương đương với bị cáo Nguyễn Thành Tài.
Theo VKS, hành vi sai phạm của các bị cáo rõ ràng đã gây ra thiệt hại. Đơn cử Công ty Lavenue chỉ thực hiện nghĩa vụ tài chính (nộp tiền giá trị quyền sử dụng đất, giá trị công trình xây dựng trên đất tại mặt bằng số 8 đường Lê Duẩn và giá thuê đất tại mặt bằng số 12 đường Lê Duẩn) hơn 647 tỉ đồng thay vì 849 tỉ đồng.
Do thiệt hại kéo dài (từ thời điểm giao đất, cho thuê đất khu đất số 8-12 Lê Duẩn trái pháp luật) nên kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự ở Trung ương là hoàn toàn khách quan, đúng pháp luật.
“Thiệt hại vụ án được ngăn chặn kịp thời chứ không phải là chưa xảy ra, chúng tôi đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất số 8-12 Lê Duẩn cấp cho Công ty Lavenue. Con số thiệt hại hơn 1.927 tỉ đồng là nhằm để xác định tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo chứ chúng tôi không đề nghị các bị cáo bồi thường”, công tố viên lưu ý.
Xem thêm: lmth.naud-el-21-8-os-gnav-tad-uhk-iat-iah-teiht-ev-naul-hnart/624803/nv.semitnogiaseht.www