Cuối tuần qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và một số đơn vị liên quan; đồng thời chuyển hồ sơ vụ án tới Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố bị can Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc trung tâm này cùng các đồng phạm trong vụ án.
Như vậy, sau gần 5 tháng xảy ra sự việc này, dư luận đã biết được thêm những chiêu trò, những thỏa thuận ngầm nhằm nâng giá máy xét nghiệm COVID-19 ở CDC Hà Nội, gây thất thoát tài sản nhà nước - những hành vi có thể nói là thất đức và vô cảm khi cả nước đang căng mình chống dịch bệnh.
Vụ "thổi giá" thiết bị y tế tại CDC Hà Nội
Ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C03) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội.
Từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội mua theo phương thức chỉ định thầu.
Hệ thống xét nghiệm PCR tự động khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
Ngày 26.5, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất đưa vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Ngày 12/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra vụ án hình sự và chuyển hồ sơ tới Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 10 bị can về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Kết luận điều tra xác định ông Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc CDC Hà Nội có nhiều sai phạm trong chỉ định thầu và mua máy xét nghiệm PCR.
Các bị can đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm tự động PCR gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.
Hiện cơ quan điều tra đã thu hồi được toàn bộ số tiền do các bị can và gia đình tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả.
Nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai
Liên quan đến giá thiết bị y tế, cách đây ít ngày Cơ quan điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và một số đơn vị liên quan. Sự việc xảy ra khi vụ nâng khống máy xét nghiệm COVID-19 ở CDC Hà Nội chưa kịp lắng xuống.
Bước đầu cơ quan chức năng xác định 2 lãnh đạo Công ty cổ phần Công nghệ Y tế BMS có hành vi nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai. Hàng loạt câu hỏi được dư luận đặt ra và cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Vụ việc "thổi giá" thiết bị y tế ở BV Bạch Mai khiến dư luận bức xúc.
Hai thiết bị phẫu thuật robot Roxa và Mako có tổng giá trị đầu tư là 39 tỷ đồng. Thiết bị đã được niêm phong từ tháng 4 phục vụ điều tra. Khi liên doanh với Bệnh viện Bạch Mai để triển khai kỹ thuật này, Công ty cổ phần Công nghệ Y tế BMS đã nâng giá thiết bị lên gần 4 lần so với giá trị thực.
Qua điều tra cho thấy, từ năm 2017 - 2019, Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca mổ thần kinh và cơ xương khớp bằng thiết bị này, với số tiền chênh lệch mà các đối tượng chiếm đoạt của người bệnh khoảng 10 tỷ đồng. Đây là kỹ thuật mới nên chưa được đưa vào thanh toán bảo hiểm y tế.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đã rà soát lại toàn bộ các trang thiết bị y tế xã hội hóa để tiến hành thanh lý với những thiết bị hết hợp đồng, đàm phán với nhà đầu tư với những thiết bị còn lại để đưa chi phí về sát với giá bảo hiểm y tế.
VTV.vn - Vụ việc thổi giá thiết bị phẫu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy có nhiều kẽ hở trong quản lý thiết bị y tế tại bệnh viện để trục lợi người bệnh.
Làm thế nào để bịt lỗ hổng cho những màn phù phép tiền tỷ?
Bệnh viện cho doanh nghiệp vào đặt máy, sau đó ăn chia theo tỷ lệ khác nhau, tuy nhiên khi thực hiện không có sự giám sát, đối chiếu giữa bảng giá được công khai, niêm yết, vô hình chung đã cho những đối tượng cơ hội trục lợi, thổi phồng, nâng giá. Vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai là một ví dụ.
Tuần trước, Bộ Y tế đã tổ chức khai trương Cổng điện tử, công khai giá niêm yết trang thiết bị y tế. Đây được coi là một công cụ giúp công khai, minh bạch thông tin giá trang thiết bị y tế trong mua sắm, đấu thầu, không để tình trạng "thổi giá", "đội giá" như thời gian qua.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết việc công khai trên cổng thông tin giá các thiết bị y tế đi kèm cấu hình, tính năng, kỹ thuật... cùng với giá trúng thầu của các gói thiết bị y tế sẽ là cơ sở để các đơn vị y tế tham khảo, lập dự toán.
Việc nâng khống giá trị máy móc, trang thiết bị y tế chỉ là một trong các chiêu trò nhân danh xã hội hóa y tế để trục lợi.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thành lập Hội đồng thẩm định, cấp phép trang thiết bị và chấn chỉnh việc đấu thầu, liên kết liên doanh trong việc đầu tư trang thiết máy móc tại các cơ sở y tế, đồng thời sẽ phối hợp với cơ quan hải quan để làm lành mạnh lại thị trường. Mục đích cuối cùng là đảm bảo người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng với giá trị thực.
Tất cả các hãng, công ty sẽ công bố giá của từng loại thiết bị y tế trên cổng thông tin và chịu trách nhiệm hoàn toàn về giá, cấu hình sản phẩm. Giá này cũng phải so sánh với thị trường các nước, các khu vực trên thế giới để đảm bảo không có sự chênh lệch giữa Việt Nam với các nước khác.
Tự chủ bệnh viện công, xã hội hóa việc mua sắm trang thiết bị y tế là cần thiết để các bệnh viện tự nâng cao năng lực khám chữa bệnh. Tuy nhiên yêu cầu này không thể tách rời trách nhiệm xã hội, tính nhân văn của ngành y tế.
Nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra và bàn luận trong chương trình Sự kiện và Bình luận tuần này về những màn phù phép để nâng khống giá thiết bị y tế, với sự tham gia của 2 vị khách mời: ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội và TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế.
Sự kiện và bình luận - 19/9/2020
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!