TS.BS Phan Văn Báu - giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 và bác sĩ Trần Văn Sóng - phó giám đốc bệnh viện chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về việc trả robot - Video: HOÀNG LỘC
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS.BS Phan Văn Báu -giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - nói: "Đây là loại robot tốt nhất hiện nay, được triển khai đầu tiên tại Mỹ, Canada và Thụy Sĩ. Việt Nam là nước thứ 4 sử dụng. Robot này được ứng dụng giúp chúng tôi lần đầu tiên đạt kỷ lục châu Á trong phẫu thuật thần kinh và đặc biệt góp sức giúp nhiều bệnh nhân bảo toàn sự sống, giảm tối đa tỉ lệ tàn phế".
Rút máy vì không đạt hiệu quả
* Nhưng tại sao sau một thời gian "trình làng" sử dụng, đặc biệt có nhiều ca thành công thì robot này lại phải trả?
- Đúng là robot này có các ưu điểm vượt trội giúp thấy được cấu trúc sợi của thần kinh, dẫn đường giúp bác sĩ lấy được khối u có máu tụ. Đặc biệt trong quá trình phẫu thuật có thể người bệnh không phải gây mê (mổ tỉnh), và được xuất viện trong vòng vài ngày sau mổ.
Thế nhưng không phải bệnh nhân nào cũng được chỉ định phẫu thuật bằng robot. Chính từ việc "sợ tốn kém cho người bệnh" nên chúng tôi không thực hiện được số lượng ca bệnh phẫu thuật như trong phương án đấu thầu.
Từ ngày ra mắt ca phẫu thuật thành công đầu tiên (2-2019), đến nay chúng tôi thực hiện được trên 30 ca, trong đó có 10 ca miễn phí.
Điều này đồng nghĩa việc bệnh viện không hiện thực được mong muốn sở hữu robot này (phải đáp ứng số bệnh nhân phẫu thuật/năm).
Ngay từ đầu năm 2020, phía công ty nhiều lần nhắc có tăng được số ca phẫu thuật không, còn không họ sẽ rút máy về. Và sự thật là vào đầu tháng 8-2020 họ quyết định rút máy về.
TS.BS Phan Văn Báu-giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 lý giải lý do trả máy robot - Ảnh: HOÀNG LỘC
* Như vậy là khi quyết định thuê robot này, bệnh viện không lường hết được sự "ế ẩm"?
- Không phải thế. Chúng tôi phải cân nhắc kinh tế của người bệnh, bởi không phải ai cũng có khả năng tài chính để phẫu thuật. Đúng ra nếu bệnh nhân có kinh tế thì việc phẫu thuật robot này là số 1.
Chúng tôi có con người làm chủ được công nghệ và nhiều lúc tôi chỉ mong có một đơn vị, cá nhân nào đó tâm huyết hỗ trợ bệnh viện có được robot này (thay vì trả lại) thì quá tuyệt vời. Được như vậy, chúng tôi sẽ dốc sức cứu sống nhiều người bệnh, thậm chí phẫu thuật miễn phí cho người bệnh nghèo.
* Một thực tế là hiện có rất nhiều người bệnh có nhu cầu được phẫu thuật. Tuy nhiên, theo như ông nói thì người bệnh sẽ gặp khó nếu không có robot?
- Thực sự đây là điều quá đáng tiếc. Bởi nghiên cứu cho thấy xuất huyết não trên 60ml tỉ lệ tử vong trên 90%, nhưng khi có robot phẫu thuật tỉ lệ tử vong giảm hẳn. Do đó, việc không có robot chắc chắn ảnh hưởng đến kết quả điều trị rất nhiều, và người bệnh phải chịu thiệt thòi. Để "chữa cháy" tạm thời, chúng tôi có một thiết bị định vị khối u nhưng không thể phát hiện được các bó sợi thần kinh chạy.
Không làm thiệt hại tài sản nhà nước
Một ca phẫu thuật u não của các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: BV Nhân dân 115 cung cấp
* Robot Modus V Synaptive này được thuê theo phương án như thế nào, thưa ông?
- Đây là thiết bị đầu tiên, giá thành cao bởi vậy trước khi quyết định mang về chúng tôi nhìn thấy các rủi ro có thể xảy ra về kinh tế, vấn đề bảo hành bảo trì, con người sử dụng… Do đó chúng tôi quyết định phương án xin thuê máy, và được cấp trên phê duyệt. Tất cả mọi quy trình đều thông qua phương thức đấu thầu rộng rãi, công khai.
Khi thuê, bệnh viện đưa ra giá trần và các công ty đấu thầu, tất cả hư hao phía công ty đều phải chịu. Trong vòng thời gian 4-5 năm, nếu đảm bảo đủ số lượng bệnh thì thiết bị này thuộc về bệnh viện.
Cho đến lúc này tôi nhận thấy ứng dụng robot chỉ lợi chứ không mất (bác sĩ được học một công nghệ mới, đạt kỷ lục châu Á và cứu sống nhiều bệnh nhân).
* Sau vụ việc tiêu cực ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và không loại trừ còn xảy ra ở một số bệnh viện khác. Với câu chuyện thuê rồi trả robot của bệnh viện, liệu có gì tiêu cực không?
- Ứng dụng robot, trí tuệ nhân tạo là xu hướng tất yếu trong điều trị bệnh. Tuy nhiên với điều kiện hiện nay, với một bệnh viện công như chúng tôi nếu bỏ ra mấy chục tỉ mua sẽ bị sức ép kinh tế, rồi phải làm đủ cách để bù lại. Vì thế chúng tôi rất thận trọng.
Tôi khẳng định khi sử dụng phương án thuê mọi quy trình thủ tục đều đúng quy định, và đó là cách an toàn nhất về kinh tế mà không làm thiệt hại tài sản cho nhà nước. Cho đến nay nhà nước không tốn một đồng nào cả.
Chủ yếu phục vụ người bệnh, không có lời
Tại TP.HCM còn có Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bình Dân đầu tư robot Da Vinci với giá khoảng 71 tỉ đồng, theo hình thức vay vốn kích cầu.
Với loại robot này, Bệnh viện Bình Dân được áp dụng phẫu thuật cho 14 mặt bệnh, giá dao động trên dưới 100 triệu đồng (tùy vào bệnh lý).
TS.BS Trần Vĩnh Hưng - giám đốc Bệnh viện Bình Dân - cho biết robot này tương đối phổ thông trên toàn thế giới (6.000 máy, có 65% ở Mỹ). Đến nay, sau gần 4 năm đơn vị phẫu thuật được khoảng 1.200 ca.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - khẳng định với ứng dụng đa dạng mặt bệnh, robot Da Vinci mà bệnh viện đang sử dụng đang phát huy hiệu quả tốt. Tuy nhiên, chi phí thu được từ phẫu thuật chỉ ở mức huề vốn chứ không có lời.
"Chủ yếu đủ chi phí để bảo trì, duy tu thiết bị để phục vụ người bệnh. Bệnh viện hoàn toàn không có hợp tác công-tư về robot. Tôi khẳng định không có bất cứ cơ quan nào làm việc với bệnh viện về robot cả và trước đó kết luận thanh tra không có sai phạm gì cả", ông Thức nói.
TTO - Các đối tượng đã cấu kết nâng khống giá hệ thống robot đưa vào liên doanh liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai để trong ba năm chiếm đoạt 10 tỉ đồng của người bệnh.