CEO Timo Plus Nguyễn Bảo Hoàng: Đây là ‘thời điểm vàng’ cho Fintech
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) – Sau gần 5 năm hợp tác với VPBank, "ngân hàng số" Timo chính thức thay đổi đối tác chiến lược, chuyển sang bắt tay với Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) và đổi tên thành Timo Plus. Thỏa thuận hợp tác giữa Timo và VPBank chính thức kết thúc vào ngày 8-9 vừa qua, nhưng việc chuyển đổi đã bắt đầu thực hiện từ tháng 7.
Fintech ‘ngóng’ khung pháp lý thử nghiệm
Ông Nguyễn Bảo Hoàng, CEO của Timo Plus. Ảnh: BVB. |
Bắt tay với Bản Việt
Bắt đầu đi vào vận hành từ năm 2016 với đối tác chiến lược khi đó là VPBank, Timo được xem là “ngân hàng số” đầu tiên tại Việt Nam với quan điểm “đóng gói” sản phẩm đơn giản, giao dịch trực tuyến và chi nhánh được thiết kế như một quán cà phê.
Đại diện Timo Plus cho biết sau 5 năm vận hành, ngân hàng số này đã có hơn 350.000 tài khoản đăng ký sử dụng và 4 điểm giao dịch “Hangout” tại 4 tỉnh thành quan trọng trên toàn quốc.
Hôm 8-9 , thỏa thuận hợp tác giữa Timo và VPBank chính thức kết thúc. Tuy nhiên, việc chuyển đổi của Timo sang Ngân hàng Bản Việt đã bắt đầu thực hiện từ tháng 7. Theo đó, các khách hàng cũ của Timo có thể tiếp tục dùng tài khoản của VPBank, hoặc chuyển sang Timo Plus với nền tảng của Ngân hàng Bản Việt.
Sau gần hai tháng triển khai, ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc của Ngân hàng Bản Việt, cho biết Timo Plus có hơn 100.000 lượt giao dịch tài khoản mới (bao gồm khách hàng chuyển đổi từ nền tảng Timo – VPBank cũ và khách hàng mới).
Con số này được lãnh đạo Ngân hàng Bản Việt đánh giá là “gần như đủ chỉ tiêu cho cả năm nay”.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Bản Việt tập trung nhiều vào câu chuyện công nghệ, đầu tư nhiều vào ứng dụng ngân hàng di động (mobile banking) của mình.
“Trong kế hoạch phát triển sắp tới, Ngân hàng định hướng sẽ là đơn vị cung cấp nền tảng và dịch vụ ngân hàng cho các đối tác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính, hay còn gọi là fintech”, ông Trung cho biết.
Theo đó, Ngân hàng Bản Việt sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc mở rộng và hợp tác với các công ty Fintech, với mục tiêu tạo ra trải nghiệm mới dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ số và thực tiễn ngân hàng truyền thống.
Việc mở rộng hợp tác cũng là quan điểm của Timo Plus trong thời gian tới, bên cạnh mối quan hệ với Ngân hàng Bản Việt. “Timo Plus cũng đang mở rộng liên kết với nhiều đối tác tài chính khác để cung cấp thêm các giải pháp tài chính riêng biệt nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa của từng khách hàng”, đại diện Timo Plus chia sẻ.
Timo bước vào giai đoạn phát triển kế tiếp dựa trên nền tảng của Ngân hàng Bản Việt, sau thời gian gần 5 năm "thử nghiệm" với Ngân hàng VPBank. Ảnh: BVB. |
Fintech gắn thẻ ‘tốt nghiệp’ sẽ được hoạt động chính thức
Thế hệ sinh sau năm 1996 đặt niềm tin vào fintech?
“Thời điểm vàng” cho Fintech
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã làm thay đổi xu hướng và thói quen của người tiêu dùng, ngành tài chính cũng không ngoại lệ và từ khóa “fintech” trở nên rất “hot” trong thời gian qua.
Tại Việt Nam, khái niệm ngân hàng số vẫn còn tương đối mới mẻ và chưa được sử dụng phổ biến, đôi khi còn nhầm lẫn giữa khái niệm giữa số hóa quy trình, sản phẩm ngân hàng và một ngân hàng số đúng nghĩa.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng (Henry Nguyễn), Tổng Giám đốc của Timo Plus cho rằng nếu so với thị trường trên thế giới, thị trường ngân hàng số tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hình thành nhưng có nhiều tiềm năng phát triển.
Theo đó, điểm thuận lợi của Việt Nam là dân số đông, lực lượng lao động trẻ năng động, thế hệ trẻ Millennials và Gen Z “phóng khoáng” sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm mới mẻ và yêu thích sự thay đổi công nghệ.
“Đây chính là bệ phóng thích hợp và thời điểm vàng để ngành công nghệ tài chính nói chung và ngân hàng số Timo Plus nói riêng, tiếp tục phát triển, thu hút và mở rộng tập khách hàng”, ông Henry Nguyễn nhìn nhận.
Tại thị trường Việt Nam, một trong những sự thay đổi tích cực ở thị trường số hóa các dịch vụ ngân hàng chính là việc hoàn thiện những cơ sở pháp lý cần thiết để giao dịch tài chính trở nên đơn giản, thuận tiện và giảm chi phí cho tất cả các bên tham gia nhưng vẫn phải đảm bảo mức độ an toàn, bảo mật trong mọi giao dịch.
Một ví dụ điển hình là việc thử nghiệm áp dụng eKYC (định danh khách hàng điện tử) ở nhiều ngân hàng hiện nay, trong đó có Ngân hàng Bản Việt từ đầu tháng 7.
Nhờ có eKYC, khách hàng có thể đăng ký trực tiếp để mở tài khoản trên ứng dụng điện thoại mà không cần phải ra chi nhánh ngân hàng để làm thủ tục như quy định trước đây.
“Nếu không có xác thực điện tử thì Bản Việt khó có thể chuyển đổi 100.000 khách hàng chỉ trong gần hai tháng qua”, ông Trung bình luận về tầm quan trọng của một thay đổi cụ thể trong quy định quản lý hoạt động các tổ chức tín dụng.
Quy định về eKYC sẽ được luật hóa trong một Thông tư mà đại diện Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định, sẽ gấp rút hoàn thiện sớm nhất có thể trong thời gian tới.
Báo cáo "Nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ” của Khối Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng HSBC công bố mới đây nhận định rằng, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, kỹ thuật số đã tạo điều kiện cho mọi người có thể làm việc từ xa, mua sắm hàng hóa và nhu yếu phẩm trực tuyến, cũng như giữ liên lạc với các thành viên trong gia đình theo những hình thức mà trước đây không ai nghĩ tới.
"Có thể thấy cuộc khủng hoảng đang đẩy nhanh những gì đang xảy ra. Nền kinh tế kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục gia tăng và được thúc đẩy bởi sự thay đổi dần dần về thị hiếu của người tiêu dùng, sự thay đổi nhân khẩu học và sự phát triển của công nghệ mới”, báo cáo nhận định.
Do đó, hành vi tiêu dùng đang dịch chuyển sang kênh kỹ thuật số. HSBC cũng đưa ra dự đoán có khoảng 50% lượng tiêu thụ hàng hóa sẽ dễ dàng thực hiện qua kênh trực tuyến ở nhiều thị trường phát triển. Mức độ này sẽ khác nhau ở mỗi quốc gia tùy thuộc vào sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng.
“Cần nhớ rằng cách đây một thập kỷ, chúng ta đã từng mua vé máy bay ở tại các phòng vé. Sẽ có rất nhiều điều có thể thay đổi trong giai đoạn mười năm”, báo cáo này nhận định. Điều này liệu có tương đồng với các ngân hàng?
Xem thêm: lmth.hcetnif-ohc-gnav-meid-ioht-al-yad-gnaoh-oab-neyugn-sulp-omit-oec/967803/nv.semitnogiaseht.www