Quảng Nam: Doanh nghiệp du lịch tìm cách giữ nhân sự thời Covid-19
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) - Kinh doanh thời Covid-19 hiện nay, doanh nghiệp nên bảo toàn nhân sự bằng cách áp dụng mức lương tối thiểu vùng cho tất cả nhân viên hay thương lượng để một số nhân sự nghỉ việc, dành tiền để chi lương cho một số lao động khác thiết yếu hơn ?
Ông Võ Thành Trung (đứng), Chủ tịch Square Group, chia sẻ về kinh nghiệm quản trị nhân sự thời Covid-19 tại sự kiện về tìm kiếm giải pháp quản trị nhân sự tại doanh nghiệp du lịch Quảng Nam thời Covid-19 diễn ra chiều ngày 29-9, tại Phynig House Hội An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nhân Tâm |
Đây là câu hỏi được đặt ra tại sự kiện về tìm kiếm giải pháp quản trị nhân sự tại doanh nghiệp du lịch Quảng Nam thời Covid-19 diễn ra chiều ngày 29-9, tại Phynig House Hội An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Trao đổi tại sự kiện, nhiều giám đốc nhân sự và giám đốc doanh nghiệp - đa số là cơ sở lưu trú và nhà hàng tại Quảng Nam, cho hay việc áp dụng phương án nhân sự sẽ tùy theo quy mô và phương thức hoạt động của doanh nghiệp.
Như tại các cơ sở của công ty Emic Hospitality, ông Phan Xuân Thanh, Giám đốc công ty, cố gắng giữ lại toàn bộ nhân viên, trả mức lương tối thiểu và “kiếm việc khác cho họ làm”.
Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Minh, quản lý khách sạn Golden Pearl Hội An, chia sẻ trước dịch, khách sạn có 45 nhân viên cho tất cả các bộ phận. Khi dịch bệnh xảy ra, khách sạn tạm đóng cửa và nhân viên cũng tạm nghỉ việc.
Trong thời gian gần đây, khách sạn bắt đầu mở cửa lại hoạt động. Tuy nhiên, vì hiện nay có rất ít khách, nên khách sạn chỉ duy trì mỗi bộ phận ít nhất một nhân viên như buồng phòng, tiếp tân, bếp ăn… Khi khách quay trở lại nhiều thì sẽ tăng dần số lượng nhân viên.
Một số khách sạn lại chọn phương án kết hợp. Đó là vừa giữ lại một số nhân sự thiết yếu vừa chi một khoản tiền cho các đối tượng lao động dễ bị tổn thương trong thời gian phải nghỉ việc.
Ông Võ Thành Trung, Chủ tịch Square Group – đơn vị đầu tư À Ố Show và Hội An Lune Center, chia sẻ lựa chọn nào cũng có cái lý của nó. Vấn đề nằm ở chỗ doanh nghiệp phải có được bài toán tốt cho vấn đề hiệu quả nhân sự thời Covid. Theo ông Trung, hiệu quả nhân lực sẽ được tính theo công thức: (lợi nhuận trước thuế + chi phí nhân lực)/chi phí nhân lực.
Trong thời Covid-19, khi lợi nhuận trước thuế đạt chỉ số âm, muốn có hiệu quả nhân lực thì phải duy trì chi phí nhân lực. “Nói thì dễ, làm mới khó. Điều này tùy thuộc vào ý muốn của từng doanh nghiệp hiện nay”, ông Trung nói.
Về vấn đề nhân sự du lịch tại Quảng Nam hiện nay, bà Huỳnh Thị Minh, Chủ nhiệm CLB Nhân sự Du lịch Quảng Nam, trích thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Nam cho biết tổng số lao động trong ngành du lịch Quảng Nam là 18.000 người. Bên cạnh đó, trong số16.000 lao động tại Quảng Nam làm đơn nhận bảo hiểm thất nghiệp, chỉ có 5.722 người lao động trong ngành du lịch nhận bảo hiểm thất nghiệp.
Bà chia sẻ thêm sau hai lần dính đòn dịch bệnh, hầu hết khách sạn tại Quảng Nam đóng cửa. Các nhân viên khách sạn hiện nay chuyển đổi nghề nghiệp như bán hàng online, bán hàng ăn uống ngoài đường phố. “Điều này dễ hiểu vì họ cần kiếm sống hàng ngày, chờ đi làm trở lại”, bà Thanh cho biết. “Một số khách sạn hiện nay đã mở cửa lại, nhưng chủ yếu để bảo tồn. Họ chấp nhận lỗ, trong tình cảnh chỉ có một ít khách nội địa”.
Vì vậy, bà Thanh cũng như các doanh nhân du lịch tại sự kiện hy vọng tỉnh Quảng Nam có động thái tích cực hơn để thu hút khách du lịch an toàn và có những chính sách hỗ trợ cho nhân viên du lịch.
Xem thêm: lmth.91-divoc-ioht-us-nahn-uig-hcac-mit-hcil-ud-peihgn-hnaod-man-gnauq/018803/nv.semitnogiaseht.www