vĐồng tin tức tài chính 365

'Kẽ hở' khiến khách không vay nhưng vẫn mắc nợ ngân hàng

2020-09-30 21:39

Một số khách hàng gần đây phản ánh tình trạng mắc nợ ngân hàng mà không hề hay biết. Phổ biến nhất là việc có nợ xấu ngân hàng vài chục triệu do "vay thẻ tín dụng chưa trả" hoặc mắc nợ công ty tài chính tiêu dùng.

Cơ quan công an thời gian qua cũng phát hiện nhiều đối tượng lừa đảo đã làm giả giấy tờ, mượn danh tính người khác để vay tiền từ công ty tài chính.

Ông Cao Văn Bình, Phó tổng giám đốc của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) nhận định, sự bùng nổ của các dịch vụ cho vay tiêu dùng với thủ tục nhanh gọn, đơn giản hơn nhiều so với cho vay thông thường khiến một số kẻ lừa đảo có cơ hội để gian lận dễ dàng hơn.

Trong khi một bộ hồ sơ vay vốn thông thường cần nhiều giấy tờ chứng minh nhân thân và chứng minh tài chính, các ứng dụng cho vay tiêu dùng chỉ yêu cầu khách hàng cung cấp chứng minh nhân dân hoặc bằng lái xe kèm theo ảnh chân dung.

Tận dụng thủ tục đơn giản của ứng dụng cho vay online ngày càng phát triển, nhiều đối tượng đã lập hàng trăm hồ sơ vay tiêu dùng giả mạo danh tính người khác. Chứng minh nhân dân giả vẫn lọt qua hàng rào hệ thống ngân hàng và được duyệt khoản vay. Vì thế, một số người không may bị "mạo danh" bỗng dưng trở thành con nợ của công ty tài chính.

Ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc Công ty công nghệ thông tin VNPT ( VNPT-IT) nói, với các đường dây giả mạo hồ sơ tinh vi, kể cả khi giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, nhân viên nhà băng cũng không thể phát hiện ra bằng cách sờ nắn.

KYC (Know Your Customer) - quy trình xác định và xác minh danh tính của khách hàng là yêu cầu bắt buộc với các nhà băng, tổ chức tín dụng khi có đề nghị mở tài khoản hay kể cả cho vay. Nói cách khác, các ngân hàng phải đảm bảo rằng họ biết và gặp trực tiếp khách hàng đăng ký.

Tuy nhiên, định danh điện tử (eKYC), phương thức điện tử không cần gặp mặt trực tiếp, nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến đang ngày càng phổ biến và được các đơn vị chấp nhận. Ưu điểm của phương thức này là tiện lợi và việc lưu lại dữ liệu khuôn mặt sẽ giúp "truy vết" đối tượng lừa đảo dễ dàng hơn... Nhưng với phương thức này, theo ông Hy, đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện cùng lúc nhiều khoản vay khống một cách nhanh gọn hơn so với việc đến trực tiếp tại quầy.

Nói với VnExpress, giám đốc ngân hàng số của một nhà băng đang định danh khách hàng trực tuyến thừa nhận, eKYC vẫn có những rủi ro nhất định nếu việc làm giả giấy tờ tinh vi.

Ông cho biết, ngân hàng hiện nay định danh khách hàng dựa trên chứng minh thư và sử dụng dữ liệu nội bộ và của các đơn vị khác như Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), doanh nghiệp viễn thông, bảo hiểm... để kiểm tra chéo thông tin. Tuy nhiên, những dữ liệu này vẫn chưa đủ để đảm bảo tính chính xác 100% trừ khi có dữ liệu sinh trắc học toàn dân. Vì thế, việc dễ dàng cấp khoản vay trực tuyến mà không cần gặp mặt trực tiếp khách hàng sẽ có rủi ro, như những gì đang xảy ra tại các công ty cho vay tiêu dùng.

Ứng dụng cho vay tiêu dùng trực tuyến. Ảnh: Quỳnh Trang.

Ứng dụng cho vay tiêu dùng trực tuyến. Ảnh: Quỳnh Trang.

Bên cạnh kẽ hở trong việc định danh khách hàng chưa chuẩn xác, một trong những nguyên nhân dẫn đến "người mở tài khoản một đằng, chủ tài khoản một nẻo" là do nhân viên nhà băng làm sai quy trình. Đối với giao dịch gặp mặt trực tiếp, việc mở tài khoản hay thẻ tín dụng bắt buộc cần tới giấy tờ tuỳ thân và chữ ký chính chủ của khách hàng, nhưng một số nhân viên lại bỏ qua quy trình trước áp lực doanh số.

Việc nhân viên ngân hàng mượn chứng minh thư của bạn bè, người quen để phát hành thẻ diễn ra phổ biến hiện nay. Nguy hiểm hơn, một số nhân viên phát hành thẻ tín dụng mà không được sự đồng ý của chính chủ thẻ, dẫn đến nhiều trường hợp phát sinh nợ xấu mà khách hàng không hề hay biết.

Ngoài ra, nhiều trường hợp phát sinh nợ xấu hoặc tăng dư nợ khoản vay do lỗi chủ quan của chính khách hàng.

Dù không chủ đích thực hiện giao dịch nhưng khách hàng có thể đã để người khác ký hộ hồ sơ, cung cấp thông tin bảo mật quan trọng như mã OTP cho người khác hay đưa thẻ tín dụng cho người quen sử dụng...

Công ty cho vay tiêu dùng thị phần lớn nhất hiện nay cho hay, nhiều khách hàng khó chịu và thắc mắc không vay hoặc không giao dịch nhưng vẫn bị nhắc nợ. Đây là tình trạng diễn ra rất phổ biến. Tuy nhiên, những trường hợp khách hàng vô tình hoặc cố ý để lộ thông tin dẫn đến việc làm tăng dư nợ vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm.

Hoặc một khả năng khác là không ít khách hàng sau khi tất toán khoản vay lại chủ quan chưa làm thủ tục giải chấp để lấy lại các giấy tờ liên quan tài sản đảm bảo đã thế chấp. Một số trường hợp được nhân viên tư vấn "cứ để sổ đỏ ở đó, khi nào có việc cần lại vay tiếp, đỡ lằng nhằng thủ tục". Tuy nhiên, cách này theo nhiều chuyên gia là dễ tiềm ẩn rủi ro, tạo cơ hội cho nhân viên ngân hàng lợi dụng.

Vì thế, để chủ động bảo vệ bản thân trước những tình huống gian lận, các ngân hàng khuyến cáo người dân không chia sẻ OTP cho bất kỳ ai; không đưa thẻ tín dụng cho người khác sử dụng; tuyệt đối không đồng ý để bất cứ ai ký thay hồ sơ, giấy tờ dù trong bất kỳ trường hợp nào; chủ động thanh lý các thủ tục liên quan hợp đồng sau khi kết thúc khoản vay.

Bên cạnh đó, người dân có thể chủ động kiểm tra thông tin tín dụng của bản thân trực tuyến. Cá nhân hoặc doanh nghiệp dù đã từng vay ngân hàng hay chưa, đều có thể đăng ký tài khoản miễn phí và truy cập vào website hoặc ứng dụng của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Sau khi cung cấp thông tin cá nhân và được xác thực, người dân có thể dễ dàng kiểm tra nhóm nợ cũng như thông tin tín dụng miễn phí vào bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể nhờ nhân viên ngân hàng kiểm tra thông tin tín dụng.

Quỳnh Trang

Xem thêm: lmth.7758614-gnah-nagn-on-cam-nav-gnuhn-yav-gnohk-hcahk-neihk-oh-ek/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags: vay

“'Kẽ hở' khiến khách không vay nhưng vẫn mắc nợ ngân hàng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools