Theo CNBC, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 510 điểm, tương đương 1,8%, đóng cửa ở 27.148 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,2% và kết phiên ở 3.281 điểm. Ở đáy của phiên, có lúc Dow Jones sụt hơn 900 điểm, S&P 500 mất 2,7%.
Chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa chỉ giảm 0,1% sau khi nhiều cổ phiếu công nghệ hồi phục về cuối phiên.
Phiên sụt giảm 21/9 đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 2/2020, chỉ số S&P 500 có 4 phiên đi xuống liên tiếp. Trong khi đó Dow Jones có phiên giảm sâu nhất kể từ ngày 8/9, khi đó chỉ số này mất 2,3%.
Tính từ đầu tháng đến nay, S&P 500 đã sụt hơn 6%, Dow Jones và Nasdaq cũng mất lần lượt 4,5% và 8,5%.
Diễn biến COVID-19 gần đây tại Anh khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Theo CNBC, chính phủ Anh đang xem xét phong tỏa đất nước thêm một lần nữa để ứng phó với tình trạng số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại. Các nhà khoa học hàng đầu của Anh dự báo rằng nếu chính phủ không đưa ra các biện pháp kiểm soát mới, số ca lây nhiễm có thể tăng lên tới 50.000 ca/ngày.
Chỉ số chứng khoán FTSE 100 của Anh giảm hơn 3% sau thông tin về nguy cơ tái phong tỏa. Tại Mỹ, những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh phong tỏa cũng dẫn đầu đà đi xuống của thị trường. Hãng du thuyền Carnival giảm 6,7%, hãng hàng không Southwest Airlines và Delta Air Lines sụt lần lượt 5,8% và 9,2%.
CNBC dẫn lời ông Brad Kinkelaar – Giám đốc danh mục toàn cầu của công ty quản lí đầu tư Barrow Hanley nhận định: "COVID-19 là một cuộc khủng hoảng về y tế và chúng ta vẫn chưa đạt được tiến triển nào. Rõ ràng là vẫn chưa có vắc xin, cũng chưa có thuốc điều trị và chúng ta vẫn đang tìm cách ứng phó hiệu quả nhất.
"Vậy nên không có gì lạ khi chúng ta chuyển từ một thị trường giả định kinh tế sắp khôi phục hoạt động bình thường sang một thị trường giả định tương lai mịt mờ".
Tại Washington, cuộc đàm phán giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa để đưa ra gói giải cứu kinh tế mới trở nên phức tạp hơn sau khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg qua đời hôm 18/9. Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa đang bất đồng sâu sắc với Đảng Dân chủ liên quan tới việc đề cử người thay thế vị trí của bà Ginsburg.
Ông Chris Krueger – chuyên gia chính trị Mỹ tại ngân hàng đầu tư Cowen nhận định rằng gói giải cứu kinh tế mới "khó có thể được thông qua trước ngày 3/11 do chính trường Washington sẽ bận tranh chấp chuyện thay thế ghế Thẩm phán của bà Ginsburg".
Cổ phiếu ngân hàng lao dốc sau khi tờ BuzzFeed và Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố loạt báo cáo cho thấy nhiều nhà băng lớn có dính líu đến các giao dịch chuyển khoảng 2.000 tỉ USD tiền phạm pháp. Cổ phiếu Deutsche Bank giảm 8,5% còn JPMorgan Chase sụt 3,3%.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Một ngày sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm tải ứng dụng WeChat và TikTok, Trung Quốc cũng công bố các biện pháp trừng phạt cụ thể áp dụng cho những tổ chức hoặc cá nhân bị liệt vào danh sách đen của Bắc Kinh.
Cổ phiếu hãng xe điện Nikola sụt 19,3% sau khi nhà sáng lập Trevor Milton từ chức Chủ tịch ngày 21/9 giữa cáo buộc về gian lận và lừa dối nhà đầu tư.
Đại gia xe hơi lâu đời General Motors ngày 8/9 thông báo đã chi 2 tỉ USD để sở hữu 11% vốn của Nikola. Kết phiên 21/9, cổ phiếu GM cũng sụt 4,8%.
Cổ phiếu công nghệ cũng có lúc giảm sâu nhưng sau đó hồi phục về cuối phiên. Apple đóng cửa tăng 3%, Netflix thêm 3,7%, Microsoft tăng 1,1%, Amazon cũng đóng cửa trong sắc xanh. Tuy nhiên tính từ đầu tháng 9 đến nay, nhóm đại gia công nghệ này vẫn đang giảm sâu.