Vừa qua, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Quỹ đổi mới sáng tạo tập đoàn Vingroup (VINIF) cùng phối hợp tổ chức buổi toạ đàm "Trao đổi về nghiên cứu khoa học" nhân dịp kỷ niệm tròn 10 năm GS. Ngô Bảo Châu (Viện nghiên cứu cao cấp về Toán) nhận giải thưởng Fields danh giá. Đây là cuộc trò chuyện bổ ích dành cho học sinh, sinh viên, các giảng viên trẻ trong và ngoài Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nằm trong chuỗi "Bài giảng đại chúng".
Ngay sau buổi toạ đàm, nhiều người đã thi nhau chia sẻ bức ảnh hội ngộ các nhà Toán học đình đám của Việt Nam. Xuất hiện cùng một khung hình là những nhân vật nức tiếng với hàng loạt giải thưởng danh giá như: GS. Ngô Bảo Châu, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Ngô Quý Đăng - nam sinh vừa giành Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế năm 2020.
Bức ảnh hội tụ nhiều chủ nhân của loạt giải thưởng danh giá về Toán học. (Từ trái qua: Nam sinh Ngô Quý Đăng đạt Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế năm 2020, GS. Ngô Bảo Châu, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, MC chương trình.)
GS. Ngô Bảo Châu
Nhắc đến GS. Ngô Bảo Châu chắc chắn nhiều người rất nể phục và ngưỡng mộ bởi tài năng và trí tuệ siêu phàm của ông. Từ một học sinh chuyên Toán ở Hà Nội, Giáo sư đã trở thành nhà Toán học tầm cỡ trong ngành Toán thế giới. Ông từng học tại trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội trước khi vào khối phổ thông chuyên Toán của Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lớp 11, ông xuất sắc giành huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế IMO năm 1988 với số điểm tuyệt đối (42/42). Năm tiếp theo, ông một lần nữa đạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế tại Đức. Cũng trong năm 1989, Giáo sư sang Pháp để học tại Đại học Paris 6, ông bảo vệ luận án tiến sĩ khi mới 25 tuổi tại Đại học Sư phạm Paris - ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp. Ở tuổi 31, GS. Ngô Bảo Châu hoàn thành luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) tại Đại học Paris 11. Đầu năm sau ông trở thành Giáo sư của đại học này.
Sau đó, GS. Ngô Bảo Châu và giáo sư Gerard Laumon cùng nhận giải thưởng nghiên cứu hàng năm của Viện Toán học Clay (Mỹ) dành cho những người đạt thành tựu xuất sắc nhất trong năm nhờ giải quyết một trường hợp đặc biệt của "chương trình Langlands", đánh dấu cột mốc người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng ấy. Ông được Viện nghiên cứu khoa học cao cấp tại Princeton, Mỹ, mời sang làm giáo sư. Viện này là nơi quy tụ của nhiều nhà Toán học và nhà vật lý hàng đầu thế giới, trong đó nhiều người từng đoạt giải Nobel và giải Fields.
Ở tuổi 33, GS. Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm giáo sư tại Việt Nam, là giáo sư trẻ tuổi nhất trong nước. Sau khi chứng minh được "Bổ đề cơ bản", một giả thuyết then chốt của Chương trình Langlands, ông được trao Giải thưởng Oberwolfach của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007).
Được Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao Huy chương Fields - Giải thưởng Toán học cao quý nhất thế giới, GS. Bảo Châu trở thành nhà Toán học đầu tiên của Việt Nam giành được giải thưởng danh giá này. Thành tựu của ông đã được tạp chí uy tín Time của Mỹ đánh giá là một trong 10 phát kiến khoa học quan trọng nhất của năm 2009.
Huy chương Fields là một giải thưởng được trao cho tối đa bốn nhà Toán học không quá 40 tuổi tại mỗi kỳ Đại hội Toán học Thế giới của Hiệp hội toán học quốc tế (IMU). Đại hội này được tổ chức 4 năm một lần. Nhà toán học Canada John Charles Fields là người sáng lập giải thưởng.
Dù nghiên cứu và giảng dạy toán ở các trung tâm hàng đầu thế giới, GS. Ngô Bảo Châu vẫn dành thời gian đáng kể để tham gia giảng dạy và đào tạo Toán học tại Việt Nam, tham gia công tác hướng dẫn nghiên cứu và giảng dạy chuyên đề cho sinh viên ở Đại học khoa học tự nhiên và Đại học Sư phạm (Đại học Quốc gia Hà Nội).
PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh
Theo thông tin từ phía nhà trường, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là cựu học sinh khối chuyên Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội, học Đại học và làm nghiên cứu sinh tại Hungary. Ông bảo vệ tiến sĩ chuyên ngành Toán ứng dụng (Toán học Tính toán) năm 1998 tại Đại học Tổng hợp Budapest dưới sự hướng dẫn của GS. Katalin Balla, được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công nhận Phó giáo sư năm 2007.
PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh làm nghiên cứu theo chương trình của Quỹ Alexander von Humboldt dành cho các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm tại Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Berlin (CHLB Đức), hợp tác với GS. Volker Mehrmann, hiện nay đang là Chủ tịch Hội Toán học Châu Âu. Ông bảo vệ tiến sĩ khoa học (habilitation) cũng tại Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Berlin năm 2014.
Ảnh: Sưu tầm
Trao đổi tại buổi nói chuyện, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam cho biết: "Năm 2010, GS. Ngô Bảo Châu - vốn là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - giành giải thưởng Fields danh giá. Năm 2020, em Ngô Quý Đăng, Trương Tuấn Nghĩa - học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên đã giành Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế; em Đinh Vũ Tùng Lâm cũng đạt giải Khuyến khích trong kỳ thi này.
Buổi tọa đàm ngày hôm nay mang ý nghĩa hướng về tương lai. Biết đâu 10 năm nữa Việt Nam có thêm giải thưởng khoa học mang tầm quốc tế như giải Fields. Và biết đâu 20 năm nữa, các em Đăng, Nghĩa, Lâm sẽ đạt được thành tích mà GS. Ngô Bảo Châu đã đạt được".
Nam sinh Ngô Quý Đăng
Nhân vật cuối cùng góp mặt trong bức ảnh dày đặc thành tích này là Ngô Quý Đăng - nam sinh vừa xuất sắc giành Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế năm 2020.
Học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam giành Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế 2020 là Ngô Quý Đăng (thứ hai từ phải sang) - Ảnh: HUS.
Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết đã nhận được thông tin chính thức từ Liên bang Nga về kết quả dự thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) lần thứ 61 năm 2020 của đội tuyển quốc gia Việt Nam. Cậu bạn Quý Đăng - học sinh lớp 10 đầu tiên vượt qua hai vòng tuyển chọn quốc gia để cùng đoàn thí sinh thi quốc tế. Đăng được đặt biệt danh "vua giải thưởng" vì đạt rất nhiều huy chương Toán quốc tế trong 4 năm học THCS tại trường Archimedes Academy. Ở lần đầu dự một kỳ thi quốc tế là Toán học trẻ quốc tế (IMC) năm 2015, Đăng đã giành Huy chương Bạc.
Nam sinh lớp 10 này cũng giành nhiều giải thưởng khác như: Giải vô địch kỳ thi Olympic châu Á Thái Bình Dương 2016 (APMOPS), giải Vàng cuộc thi Toán và Khoa học quốc tế 2016, giải Vàng kỳ thi Toán SASMO 2017, vô địch cuộc thi Toán quốc tế Kangaroo IKMC năm 2017 và 2018, vô địch bảng quốc tế cuộc thi Toán Hà Nội mở rộng HOMC năm 2018.
Ảnh: Fanpage Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Diệu Thu
Trí thức trẻ