Trung Quốc chuẩn bị điều tra chống độc quyền nhằm vào Google?
Khánh Lan
(TBKTSG Online) – Trung Quốc đang chuẩn bị mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào hãng tìm kiếm Google của Tập đoàn công nghệ Alphabet (Mỹ) với cáo buộc hãng này lợi dụng sự thống trị của hệ điều hành di động Android để bóp nghẹt sự cạnh tranh.
Google bị đặt vào tầm ngắm điều tra chống độc quyền của các cơ quan quản lý ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Huawei đề xuất mở cuộc điều tra
Hãng tin Reuters hôm 30-9 dẫn hai nguồn tin nắm rõ vụ việc cho biết như trên. Họ nói rằng vụ điều tra được Tập đoàn thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh (smartphone) Huawei của Trung Quốc đề xuất vào năm ngoái và đã được Tổng cục Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc (SAMR) chuyển lên cho Ủy ban Chống độc quyền của Quốc Vụ viện Trung Quốc xem xét.
Nguồn tin thứ nhất cho hay quyết định về việc liệu có mở cuộc điều tra chính thức hay hay không sẽ được công bố sớm nhất là vào tháng 10 và có thể chịu sự tác động bởi tình hình của mối quan hệ Mỹ-Trung.
Động thái xem xét điều tra chống độc quyền nhằm vào Google của Trung Quốc diễn ra sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ, Donald Trump tung ra một loạt biện pháp trừng phạt để làm suy yếu các công ty công nghệ Trung Quốc với lý do bảo vệ an ninh quốc gia trong hơn một năm qua.
Các hành động này bao gồm đưa Huawei vào danh sách đen để cấm vận công nghệ, đe dọa áp dụng biện trừng phạt tương tự đối với hãng chip lớn nhất Trung Quốc, SMIC, và ra lệnh ByteDance, công ty mẹ của TikTok phải bán tài sản ở Mỹ.
Trung Quốc đang bắt tay cải tổ các luật chống độc quyền với các nội dung sửa đổi đang được đề xuất, bao gồm nâng mức phạt tiền tối đa và mở rộng tiêu chí đánh giá về mức kiểm soát thị trường của một công ty.
Nguồn tin thứ hai cho biết một cuộc điều tra nhằm vào Google cũng sẽ xem xét các bản cáo buộc cho rằng sự thống lĩnh của nền tảng Android thuộc sở hữu của Google trên thị trường hệ điều hành di động có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các công ty Trung Quốc như Huawei. Chẳng hạn, khi Huawei không còn nhận được sự hỗ trợ từ các phiên bản hệ điều hành Android chính thức, điều này có thể khiến doanh thu của Huawei và niềm tin đối với tập đoàn này bị mất mát.
Cả Google lẫn Huawei cũng như SAMR và Quốc Vụ viện Trung Quốc đều không đưa ra lời bình luận nào về thông tin nói trên.
Sẽ tham khảo các vụ điều tra ở nước ngoài
Việc Huawei bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5 năm ngoái 2019 khiến Google bị cấm cung cấp cho các dòng điện thoại thông minh (smartphone) mới của Huawei sự hỗ trợ kỹ thuật sự tiếp cận với bộ ứng dụng Google Mobile Services bao gồm Google Search, Google Chrome, Gmail, Google Play Store, YouTube, Google Drive... Google có giấy phép tạm thời để miễn trừ khỏi lệnh cấm này đối với Huawei nhưng nó đã hết hạn hồi tháng 8.
Vẫn chưa rõ cuộc điều tra chống độc quyền của Trung Quốc sẽ tập trung vào các ứng dụng nào của Google. Hầu hết các nhà sản xuất smartphone của Trung Quốc đều sử dụng phiên bản mã nguồn mở của Android và cung cấp các sự lựa chọn khác thay thế cho bộ ứng dụng Google Mobile Services đối với các smartphone tiêu thụ ở thị trường trong nước. Các ứng dụng như Google Search, Gmail và các dịch vụ khác của Google đều bị chặn ở Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Huawei cho biết doanh thu của tập đoàn này trong năm 2019 bị hụt 12 tỉ đô la Mỹ so với mục tiêu đặt ra do các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Để vượt qua sự phụ thuộc vào Google, trong tháng này, Huawei thông báo kế hoạch trang bị hệ điều hành tự phát triển có tên gọi Harmony cho các dòng smartphone mới của tập đoàn này trong năm tới.
Nguồn tin thứ nhất cho biết nếu quyết định mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Google, các cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ tham khảo các vụ điều tra chống độc quyền tương tự ở châu Âu và Ấn Độ. Nguồn tin này nói: “Trung Quốc cũng sẽ xem các nước khác đã điều tra như thế nào, bao gồm các cuộc thẩm vấn đối với lãnh đạo của Google”.
Nguồn tin thứ hai cho biết một điểm mà Trung Quốc có thể học hỏi sẽ là mức phạt tiền phạt đối với hành vi độc quyền sẽ dựa vào doanh thu trên toàn cầu của một công ty thay vì doanh thu tại địa phương.
Liên minh châu Âu (EU) đã phạt Google 4,34 tỉ euro vào năm 2018 vì các hành vi chống cạnh tranh, bao gồm buộc các nhà sản xuất thiết bị cầm tay phải cài đặt sẵn các ứng dụng của Google trên các thiết bị Android của họ và cấm họ sử dụng các ứng dụng tương tự từ các đối thủ. Chẳng hạn, Google buộc các nhà sản xuất phải cài đặt sẵn ứng dụng Google Chrome và Google Search trên thiết bị của họ như là điều kiện để cấp phép sử dụng ứng dụng Google Play Store.
Quyết định xử phạt của EU khiến Google phải cho phép người dùng ở châu Âu tùy chọn các công cụ tìm kiếm mặc định khi cài đặt thiết bị Android của họ cũng như cho phép các nhà sản xuất thiết bị Android thoải mái hơn trong việc sử dụng các ứng dụng thay thế.
Tại Ấn Độ, giới chức trách cũng đang xem xét các cáo buộc độc quyền cho rằng Google lạm dụng sự thống lĩnh của nền tảng Android trên thị trường hệ điều hành di động để quảng bá thiên vị cho ứng dụng di động thanh toán di động Google Pay của Google tại Ấn Độ.
Xem thêm: lmth.elgoog-oav-mahn-neyuq-cod-gnohc-art-ueid-ib-nauhc-couq-gnurt/388803/nv.semitnogiaseht.www