Người dân thu hoạch lúa hè thu tại huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu). Hiện tỉnh này đang gặp khó khăn trong thu hoạch lúa vì thiếu nhân lực và máy gặt đập liên hợp - Ảnh: NGỌC HÂN
Ngày 31-8, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển vật tư, giống nông nghiệp phục vụ sản xuất và hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ nông - thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, trong những ngày qua UBND tỉnh nhận được phản ảnh của nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và hộ dân chăn nuôi thủy sản và trồng trọt về việc không duy trì được sản xuất, ứ đọng sản phẩm do gặp khó khăn trong lưu thông, vận chuyển vật tư, giống và sản phẩm nông nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo tinh thần chung là song song với việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 phải tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện vận chuyển các loại vật tư, giống nông nghiệp phục vụ sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông, thủy sản được lưu thông thuận lợi trên địa bàn tỉnh khi đã tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.
Các địa phương không được phép đặt ra các yêu cầu, quy định riêng gây cản trở, ách tắc trong việc lưu thông hàng hóa.
Đặc biệt, các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thành lập tổ điều phối, kết nối, cung ứng, tiêu thụ nông sản (cử cán bộ đầu mối tổng hợp, thu thập, cung cấp thông tin, số điện thoại đường dây nóng cấp huyện, xã) để kịp thời cung cấp và tiếp nhận thông tin từ người sản xuất để chỉ đạo, xử lý kịp thời; chủ động huy động lực lượng tại chỗ (quân sự, dân quân tự vệ địa phương) để hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông - thủy sản, nhất là lúa và tôm.
Trước đó, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng đề nghị có chỉ đạo hỗ trợ cho người và phương tiện thu hoạch vào địa bàn tỉnh Bạc Liêu để phục vụ việc thu hoạch lúa của tỉnh này. Lý do, ngoài thiếu hụt nhân công, số lượng máy gặt đập liên hợp của Bạc Liêu cũng chỉ đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu của người dân trong tỉnh.
Cà Mau tranh thủ cả ngày lẫn đêm thu hoạch lúa
Người dân trong vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau thu hoạch lúa vào ban đêm - Ảnh: ANH QUỐC
Ông Phạm Văn Vững (chủ máy gặt đập liên hợp ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết, hiện địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch, kiểm soát chặt người đi lại, thời tiết không thuận lợi... nên dẫn đến tiến độ thu hoạch lúa hè thu trong dân chậm. Chưa kể, những cánh đồng lúa vào mùa thu hoạch rộ nên bà con kêu công cắt lúa rất nhiều.
"Tranh thủ lúc thời tiết thuận lợi nên mấy ngày nay, tôi cho anh em thu hoạch cả ngày lẫn đêm. Còn trước đó khoảng 5 ngày, do có mưa nhiều, ruộng ngập nước máy cắt không được nên phải nằm đồng một thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch", ông Vững nói.
Theo các chủ máy gặt đập liên hợp, tùy lúa đứng hay ngã mà giá công cắt lúa khác nhau. Tuy nhiên, hiện tại giá dao động khoảng 320.000 đồng/ha, cao hơn vụ trước khoảng 30.000 đồng/ha. Theo lý giải của các chủ máy, giá công cắt tăng là do thiếu nhân công, đi lại khó khăn, tốn chi phí xét nghiệm COVID-19…
Chiều 31-8, ông Duy Quốc Tuấn - trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời - cho biết đến thời điểm này nông dân đã thu hoạch được gần 50% diện tích lúa hè thu (diện tích xuống giống gần 29.000ha).
Nếu thời tiết thuận lợi thì thu hoạch đến giữa tháng 9 là dứt điểm, vì vậy, theo ông Tuấn, hơn 200 máy gặt đập liên hợp trên địa bàn hoạt động liên tục, có máy cắt lúa cả đêm ngày.
Ông Tuấn cũng cho biết, huyện đã xây dựng tình huống nếu thời tiết xấu, mưa nhiều gây ngập úng máy cắt không hoạt động được thì huy động lực lượng giúp dân thu hoạch lúa.
Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, tiến độ thu hoạch lúa hè thu còn chậm so với kế hoạch, nên ông Lê Thanh Triều - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau - chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thu hoạch khi thời tiết đã giảm mưa, có nắng nhiều.
TTO - Thiếu nhân lực và phương tiện thu hoạch lúa do ảnh hưởng giãn cách xã hội, Bạc Liêu phải nhờ tới sự hỗ trợ của 2 tỉnh lân cận là Hậu Giang và Sóc Trăng.