Cần phổ biến “đi chợ hộ” qua ứng dụng trực tuyến đến
Theo Sở Công thương TP.HCM, thời gian qua, TP thực hiện chương trình đi chợ hộ cho người dân để hạn chế tối đa việc người dân ra đường mua sắm lương thực thực phẩm (LTTP), hàng hóa thiết yếu.
Tuy nhiên, những ngày qua lực lượng đi chợ hộ tại một số địa phương bị quá tải, gây ra ùn ứ đơn hàng và khó khăn trong khâu vận chuyển, cung ứng cho người dân.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM ban hành văn bản 2925 về việc lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trong đó, thống nhất cho phép lực lượng giao hàng công nghệ theo danh sách của Sở Công Thương được hoạt động theo phạm vi một quận huyện, thành phố Thủ Đức.
Sở Công Thương nhận được đề xuất hỗ trợ miễn phí sử dụng nền tảng công nghệ sẵn có và bổ sung lực lượng giao hàng từ các doanh nghiệp giao hàng công nghệ, sàn thương mại điện tử nhằm kịp thời bổ sung nguồn hàng hóa LTTP thiết yếu kịp đến tay người dân, giảm tải cho lực lượng đi chợ hộ.
Do đó, sở đề nghị UBND TP Thủ Đức, các quận huyện nghiên cứu xem xét mô hình phù hợp để lựa chọn kênh bổ trợ bán hàng, mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử lớn. Mục tiêu là gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa cho người dân.
Sở Công Thương cung cấp thông tin các giải pháp ứng dụng đi chợ hộ của các doanh nghiệp giao hàng công nghệ, sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Bee group, Sen Đỏ, Grab.
Đồng thời đề nghị các địa phương phổ biến mô hình “đi chợ hộ” thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến đến các phường xã, thị trấn, hệ thống phân phối trên địa bàn, triển khai thực hiện.
Nhân viên Grab đợi nhận hàng ở một siêu thị
Siêu thị có hàng mà không đi giao được
Trước đó, một số siêu thị cho biết rất khó khăn cung cấp hàng hóa cho người dân vì không được giao hàng.
Theo đại diện MM Mega Market Việt Nam, hiện nay siêu thị gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, thực hiện quy định hạn chế số lượng nhân viên được cấp giấy phép đi đường đã ảnh hưởng khá nhiều đến nhân lực vận hành các công việc cần thiết tại siêu thị.
Bên cạnh đó, nhiều nhà cung cấp gặp khó khăn tương tự, dẫn đến việc không đảm bảo số lượng và thời gian giao hàng. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cung ứng thực phẩm.
Tương tự, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết với hệ thống hơn 560 cửa hàng tại TP.HCM, bình thường mỗi cửa hàng phục vụ trung bình 300.000 đơn hàng/ngày. Tuy nhiên, khi thực hiện siết chặt giãn cách thì chỉ thực hiện được trung bình hơn 50.000 đơn hàng/ngày.
Nguyên nhân do những ngày đầu tiên ai cũng ở nhà, việc đi chộ chưa được triển khai đồng loạt ở các quận huyện, Bách Hóa Xanh không thể đáp ứng được việc vừa nhận đơn, soạn đơn vừa đi giao. Nhiều người dân chưa biết tiếp cận, chỉ vào các group zalo.
Theo đại diện Bách Hóa Xanh, trước ngày 23-8, đội ngũ IT của công ty đã mở các kênh mua sắm mới, thuận lợi cho người dân như qua zalo nhưng họ cũng không tưởng tượng bị quá tải quá nhanh.
Trong tuần qua, mỗi ngày hệ thống Bách Hóa Xanh đã xử lý được được 50 ngàn đơn, trong đó đơn hàng từ chính quyền chiếm 7.000-8.000 đơn.
Công ty đang thử nghiệm cho bảy cửa hàng là những group zalo có lượng khách từ 1.000-2.000 người chuyển hướng phục vụ bằng combo soạn sẵn như combo về đạm, combo rau củ quả trái cây, combo gia vị… Giá bán 200.000-300.000 đồng.
“Chúng tôi thử nghiệm hình thức bán combo để tăng năng suất giao hàng và xem có đáp ứng được nhiều khách hàng hơn không. Song song đó, công ty đang xin Sở Công Thương cấp thêm giấy đi đường cho nhân viên tăng năng lực giao hàng” - đại diện Bách Hóa Xanh nói.
Theo bà Đoàn Kim Hương, Trưởng phòng Vận hành Aeon Việt Nam, do nhu cầu của người dân ngày càng tăng, siêu thị cũng như địa phương cần huy động nguồn lực lớn về nhân sự để chuẩn bị hàng và giao hàng cho từng hộ dân.
Aeon Việt Nam mong muốn cơ quan ban ngành hỗ trợ, tạo điều kiện để tăng thêm nhân sự, đặc biệt là sự phối hợp, giúp đỡ trực tiếp từ địa phương.
“Một số đơn vị công nghệ đề xuất ứng dụng hạ tầng công nghệ để hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Hoạt động này sẽ góp phần gỡ khó cho cả địa phương và người dân” - bà Hương nói.