Nhiều doanh nghiệp, trong đó, có các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thẳng thắn nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và đề xuất cần được gia hạn khoản vay, ưu đãi thuế, phí và đặc biệt cần được tiêm vaccine để ổn định sản xuất.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị hỗ trợ, ưu đãi về thuế, phí
Theo các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt phía Nam đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do đại dịch diễn biến phức tạp và kéo dài. Do đó, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ dành thời gian hoạch định cơ chế hỗ trợ khẩn cấp để giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97,8% các doanh nghiệp cả nước) vượt qua giai đoạn khó khăn này, ổn định để tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì ổn định đời sống cho người lao động.
Về chính sách thuế và chi phí, các doanh nghiệp xin miễn thuế giá trị gia tăng trong năm 2021; giảm 50% thuế giá trị gia tăng trong 2 năm kế tiếp 2022 - 2023; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch; được chấp nhận tất cả các loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra như xét nghiệm, chi phí chống dịch và 3 tại chỗ.
Đối với chính sách tài chính, ngân hàng, các doanh nghiệp kiến nghị hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp tối thiểu 4%, tương đương gói hỗ trợ năm 2008 - 2009 từ ngày 1.8.2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch; cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài; khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2 - 3% kể từ 1.8.2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các doanh nghiệp còn lại.
Tiêm vaccine là giải pháp lâu dài, bền vững để ổn định sản xuất
Theo Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) - ông Phạm Văn Công: Thời gian qua, đại dịch COVID-19 có nguy cơ gián đoạn nguồn cung cấp nhân điều của Việt Nam đang là nỗi lo lắng của nhiều nhà nhập khẩu trên thế giới.
Chính vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Hoa Kỳ (AFI), một tổ chức có nhiều thành viên đang nhập khẩu sản phẩm Hạt điều nhân từ Việt Nam đã thông qua VINACAS gửi đến Thủ tướng một bức thư với lời đề xuất: “Ưu tiên phân phối vaccine tới lực lượng lao động, công nhân sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm ở Việt Nam, đặc biệt là ngành Điều”. Để đảm bảo “mục tiêu kép”, VINACAS đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các ngành liên quan xem xét, cho phép người lao động trong các doanh nghiệp ngành Điều được ưu tiên tiêm vaccine phòng chống COVID-19.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam - ông Lê Duy Hiệp cho rằng: Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% - 6% (Quyết định 200 là 8% - 10%), tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% - 20%, tỉ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo Chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Để đạt được các mục tiêu này, Quyết định cũng đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và những giải pháp tổng thể trong đó có nhóm nhiệm vụ “Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực” với 7 giải pháp cụ thể. Nguồn nhân lực sẽ là một trong những yếu tố quyết định để giúp DN logistics Việt Nam phát triển, mở rộng thị trường ở cả trong nước và quốc tế.
Xem thêm: odl.054849-5202-man-oav-pdg-6-5-pog-gnod-ueit-cum-tad-scitsigol/et-hnik/nv.gnodoal