Tiền mặt là vua
Trong giới kinh doanh, một triết lý kinh điển mà bất kỳ chủ doanh nghiệp hay lãnh đạo nào cũng đều thuộc nằm lòng: Cash is King (tạm dịch: Tiền mặt là vua). Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp càng áp dụng triết lý này trong thay đổi chiến lược kinh doanh.
Theo phân tích dữ liệu tài chính của hãng S&P Global Market Intelligence, khi đại dịch Covid-19 càn quét, các doanh nghiệp Mỹ ráo riết dự trữ tiền mặt, tăng đầu tư ngắn hạn cũng như tăng vay nợ nhanh hơn nhiều so với các quý trước đây. Các công ty khổng lồ trong chỉ số S&P 500 như McDonald’s, Intel đang bảo toàn lượng tiền mặt lớn mà họ tích lũy được trong suốt một thập kỷ tăng trưởng.
Tại Việt Nam, chiến lược này cũng không phải ngoại lệ. Thực tế là đa số các doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán đã gia tăng đáng kể lượng tiền mặt của mình. Dữ liệu của trang Nhịp sống kinh tế cho thấy, tính đến 30/6/2021, có trên 30 doanh nghiệp trên sàn nắm giữ lượng tiền mặt trị giá trên 2.000 tỷ đồng. Số liệu tiền mặt ở đây bao gồm cả tiền mặt tại quỹ, tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm (được phân loại là đầu tư tài chính ngắn hạn). Thống kê này không tính đến các định chế tài chính như ngân hàng, bảo hiểm và công ty chứng khoán.
Có 16 doanh nghiệp trong số này nắm giữ lượng tiền lên đến hơn 10.000 tỷ đồng là những doanh nghiệp đầu ngành hàng không, năng lượng, hàng tiêu dùng, bất động sản đến sắt thép hay ô tô. Bốn cái tên dẫn đầu gồm ACV, Vingroup, Hòa Phát và PV GAS đều đang có trong tay hơn 30.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi. Ngoài ra còn có các tên tuổi khác như FPT, Vinamilk, Sabeco, Petrolimex, Thế giới di động, BSR, VEAM.
Phía sau xu hướng nắm giữ lượng tiền khổng lồ của các doanh nghiệp lớn này là chiến lược kinh doanh gì?
Tay trái đỡ tay phải
Chúng ta hãy thử xem xét một tình huống cụ thể của Thế giới di động. Báo cáo tài chính quý 2 năm 2021 cho thấy Tập đoàn này đã gia tăng lượng tiền nắm giữ (gồm tiền mặt và các khoản tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn) tại thời điểm 30/6/2021 so với 31/12/2020 khoảng 2.737 tỷ đồng. Đặc biệt Thế giới di động đẩy mạnh đầu tư tài chính ngắn hạn khi khoản mục này tăng 5.467 tỷ đồng.
Theo giải thích của Thế giới di động, các khoản đầu tư ngắn hạn này gồm tiền gửi và trái phiếu ngắn hạn có kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm và hưởng tiền lãi theo lãi suất giao động từ 6%/năm đến 8,65%/năm.
Đồng thời với việc tăng đầu tư tài chính ngắn hạn, Thế giới di động cũng tích cực tăng nợ ngắn hạn khi tăng 5.125 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021. Đặc biệt vay ngắn hạn tăng mạnh lên 4.341 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của Thế giới di động cho biết trong 6 tháng đầu năm, nhóm các công ty của tập đoàn này thực hiện các khoản vay tín chấp với lãi suất thả nổi nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động. Phần lớn các khoản vay này đều được cấp tín dụng từ các ngân hàng nước ngoài như: HSBC Singapore (4.601 tỷ đồng), BNP Paribas chi nhánh Singapore (2.556 tỷ đồng), HSBC Việt Nam (1.217 tỷ đồng), Sumitomo Mitsui chi nhánh Hà Nội (1.130 tỷ đồng),...
Thế giới di động cũng vay tín chấp một số ngân hàng lớn trong nước như Vietcombank (1.439 tỷ đồng), Vietinbank (1.283 tỷ đồng), BIDV chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh (995 tỷ đồng).
Theo nguồn tin chúng tôi tham khảo được từ một ngân hàng lớn, với những doanh nghiệp có vị thế lớn như Thế giới di động có thể thương lượng được lãi suất khá thấp dưới 5%/năm.
Ngoài các khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng, Thế giới di động còn phát hành khoảng 1.129 tỷ đồng trái phiếu tín chấp cho các công ty bảo hiểm như AIA, Manulife, Prudential, Chubb, Sun Life với lãi suất 6,55%.
Như vậy có thể hiểu đơn giản Thế giới di động với vị thế của mình có thể vay ngắn hạn lãi suất rẻ (dưới 5%/năm), sau đó đầu tư ngắn hạn với lãi suất cao hơn (6%/năm đến 8,65%/năm) để hưởng lãi chênh lệch.
Kết quả phân tích báo cáo tài chính cho thấy tỷ trọng của hoạt động tài chính chiếm 44,99% trong việc tăng lợi nhuận sau thuế của Thế giới di động trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó tỷ lệ đóng góp của hoạt động kinh doanh là 53,43%. Số liệu đã trừ đi thuế này tham khảo từ kênh Tài chính & Kinh doanh.
“Trong doanh nghiệp, nếu tay phải của anh hơi yếu một chút thì anh có thể dùng tay trái đó là sử dụng thị trường tài chính để có lợi nhuận trong ngắn hạn để bù đắp cho các hoạt động kinh doanh sản xuất dài hạn”, chuyên gia tài chính Nguyễn Minh Tuấn- CEO AFA Capital bình luận trong một video của trên kênh Tài chính & Kinh doanh.
Kiếm tiền từ thị trường tài chính
Theo các chuyên gia, trong vòng 2 năm trở lại đây, những doanh nghiệp lớn như Thế giới di động, Hòa Phát,... bắt đầu sử dụng các công cụ tài chính để kiếm lợi nhuận từ các hoạt động tài chính. Đây chính là các nghiệp vụ Corporate Treasury (tạm dịch: Nghiệp vụ ngân quỹ doanh nghiệp).
Đây là nghiệp vụ rất quan trọng đối với sức khỏe tài chính và sự thành công của mọi doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ. Nghiệp vụ ngân quỹ doanh nghiệp liên quan đến việc quản lý tiền và rủi ro tài chính trong một doanh nghiệp. Ưu tiên nghiệp vụ này là đảm bảo doanh nghiệp có đủ tiền để quản lý các nghĩa vụ kinh doanh hàng ngày của mình, đồng thời giúp phát triển các chính sách và chiến lược tài chính dài hạn. Hoạt động này sẽ thay đổi tùy theo quy mô và tính chất của từng doanh nghiệp.
Một số hoạt động phổ biến của ngân quỹ doanh nghiệp có thể kể đến như:
Quản lý tiền mặt
Vai trò của ngân quỹ doanh nghiệp là quản lý tiền mặt, tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn linh hoạt, hiệu quả, không bị lãng phí nguồn lực. Điều này tưởng có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi rất nhiều trí tuệ về tài chính.
Ví dụ nếu doanh nghiệp để quá nhiều tiền mặt, tài sản ngắn hạn thì có thể sẽ bỏ lỡ mất các khoản đầu tư sinh lời - từ trái phiếu hoặc tiền gửi hoặc các khoản đầu tư kinh doanh trực tiếp. Ngược lại, nếu công ty không có đủ tiền mặt cũng có thể phải đối mặt với việc bị phạt do không thể đáp ứng các khoản nợ ngắn hạn.
Ngoại hối
Đối với các công ty đa quốc gia, vai trò của hệ thống quản lý ngân quỹ có lẽ là điều hiển nhiên. Nhưng hoạt động này cũng rất quan trọng đối với các doanh nghiệp khác như việc quản lý dòng tiền xuyên biên giới đến xuất khẩu, biến động của tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ở các khu vực pháp lý khác nhau.
Đầu tư và huy động vốn
Một trong những thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ phận ngân quỹ doanh nghiệp là khả năng đầu tư thành công các nguồn vốn sẵn có trong khi đảm bảo các khoản nợ ngắn hạn được hạch toán.
Tại bất kỳ tổ chức nào, bộ phận tài chính và các bộ phận khác sẽ hợp tác để đánh giá các chiến lược ngân quỹ mang lại giá trị tốt nhất cho doanh nghiệp. Từ đó, bộ phận ngân quỹ sẽ sử dụng kiến thức về các kỹ thuật tài chính khác nhau và trí tuệ thị trường để tính toán và quyết định hành động tốt nhất.
Chuỗi cung ứng tài chính
Nhiều lý thuyết gần đây bàn về vai trò của quản lý chuỗi cung ứng tài chính trong doanh nghiệp. Theo đó tính lỏng của tài sản ngắn hạn như tiền mặt, đầu tư ngắn hạn được trong bối cảnh môi trường kinh tế thay đổi liên tục được ví như mạch máu của công ty.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị