Tượng chó được dựng trên tuyến đường qua trung tâm Tây Giang - Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Hình tượng con chó không xấu, nhưng truyền thuyết người Cơ Tu cũng còn có nhiều câu chuyện hay, đẹp, nhân văn. Lẽ ra khi quyết định làm một việc gì đó có liên quan đến gốc gác, tổ tiên, quan niệm của người dân thì huyện phải tham khảo kỹ và hết sức cẩn trọng. Lấy hình ảnh con chó ra để nói người Zơrâm sinh ra từ đó là việc rất khó để chấp nhận và hoang đường!
Nhà báo A Lăng Ngước - người Cơ Tu, công tác tại báo Quảng Nam
Thông tin này được lãnh đạo huyện Tây Giang xác nhận với Tuổi Trẻ Online sáng nay 1-9.
"Qua kiểm tra nghị quyết 33 về lĩnh vực văn hóa, đoàn công tác của Tỉnh ủy Quảng Nam đã phát hiện một số vi phạm, trong đó có việc địa phương dựng một số tượng linh vật không đảm bảo các quy định.
Đoàn công tác đã yêu cầu huyện tháo dỡ, hoàn trả nguyên trạng cảnh quan của dải phân cách cứng tuyến đường qua trung tâm huyện" - lãnh đạo huyện Tây Giang nói.
Các tượng chó được đập bỏ đêm 31-8, tới sáng nay khi qua trung tâm huyện thì toàn bộ tượng đá không còn - Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Trước đó, từ Tết Nguyên đán năm 2018, huyện Tây Giang đã cho dựng một số bức tượng đục bằng đá hình chó. Các tượng này được bố trí trên các trục đường chính qua huyện và tại các điểm du lịch sinh thái của huyện.
Dưới chân các tượng chó này là một bài thơ nói về nguồn gốc dòng họ Zơrâm của người Cơ Tu: Xưa câu chuyện kể rằng/ Tổ tiên người Cơ Tu/ Sinh ra từ cha chó/ Nay có họ Zơrâm...
Giải thích về việc cho dựng các bức tượng chó này, lãnh đạo huyện Tây Giang lúc đó nói rằng do các già làng người Cơ Tu đề nghị, huyện đưa ra các biểu trưng và các già làng đã thống nhất chọn hình con chó.
Truyền thuyết của người Cơ Tu có nhiều cách giải thích về nguồn gốc sinh ra các nhóm người, trong đó có truyền thuyết về "cha chó".
Bài thơ viết dưới chân tượng chó cũng có nội dung diễn giải về nguồn gốc của dòng họ Zơrâm người Cơ Tu. Truyền thuyết này kể rằng từ thời xa xưa có một trận đại hồng thủy làm ngập tất cả làng mạc và chỉ còn sót lại một đỉnh núi.
Trên đó còn một con chó và một cô gái sống sót nhờ trốn vào một chiếc trống. Cô gái sống cùng với con chó như vợ chồng, sinh ra hai người con, một trai, một gái. Lớn lên, người con trai xuống đồng bằng, người con gái ở lại miền núi. Sau này, hai người gặp và lấy nhau, sinh ra con cháu dòng họ Zơrâm.
Các bức tượng chó từ nhiều năm nay gây tò mò cho người nơi khác đến. Việc chọn chó làm linh vật đại diện cho một tộc người của huyện Tây Giang cũng nhận được các ý kiến rất khác nhau, trong đó nhiều người không đồng tình.
Một cán bộ người Cơ Tu ở Quảng Nam cho rằng, việc dựng tượng chó chỉ là ý kiến của một vài lãnh đạo địa phương, không phải ý nguyện của tập thể và cũng không thể là cách giải thích được đa số chấp nhận về nguồn gốc của một dòng họ người Cơ Tu.
"Việc tháo tượng tới bây giờ mới làm tôi cho rằng là hơi trễ, đáng lẽ phải làm từ rất lâu rồi" - cán bộ này nói.
TTO - Với bà con, đặc biệt là các bạn trẻ thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, Trần Thị Một là thủ lĩnh Đoàn nhiệt huyết - người truyền lửa cho họ giữ hồn văn hóa Cơ Tu đi cùng sự phát triển của xã hội.