Theo dõi chất lượng nước đầu vào từ sông Sài Gòn tại Nhà máy xử lý nước Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (TP.HCM) để sớm phát hiện các ô nhiễm, độ nhiễm mặn của nước - Ảnh: LÊ PHAN
Với sự phát triển không gian đô thị và hạ tầng kỹ thuật, quỹ đất cho xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi... không theo kịp tốc độ gia tăng dân số khiến vấn đề ô nhiễm môi trường nước mặt của TP luôn được báo động.
Hiện trạng nguồn nước
Nguồn nước mặt sông Sài Gòn (quỹ dự trữ nước mặt chính của TP.HCM) đang chịu tác động từ các nguồn thải khác nhau như nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp. Nước thải đô thị cùng với nước mưa chảy tràn đổ vào sông theo hệ thống cống xả chung rồi đổ ra sông Sài Gòn - Đồng Nai đang khiến dòng sông hứng chịu một nguồn chất hữu cơ khổng lồ. Bên cạnh đó là nguồn phát thải từ các khu vực xung quanh như Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai) theo hệ thống sông, kênh, rạch liên thông.
Ngoài ra, môi trường nước mặt còn bị tác động mạnh bởi việc khai thác sử dụng đất phần phía thượng lưu, phát triển thủy điện thủy lợi với sự hình thành hệ thống các hồ chứa, đập dâng và việc vận hành các hệ thống này.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, phát triển giao thông vận tải vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro và sự cố môi trường... hay nước rò rỉ từ các bãi rác chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải vào nguồn nước cũng góp phần vào việc "giết dần" các nguồn dự trữ nước mặt.
Nhận định về diễn biến nguồn nước sông Sài Gòn, ông Trần Duy Khang - giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp - cho biết nguồn nước tại con sông này không ổn định và chất lượng đang dần xấu đi. Vào mùa khô nước sông Sài Gòn bị nhiễm mặn, còn vào mùa mưa hàm lượng mangan và amonic rất cao. Tình trạng nhiễm mặn tại sông Sài Gòn năm 2020 đến sớm hơn mọi năm.
Nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước
Trước thực trạng trên, TP.HCM đã có nhiều giải pháp để cải tạo nguồn nước đối với các hệ thống kênh rạch chính của TP. Một trong các công trình có thể kể đến là công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hiện chức năng sinh học của hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được khôi phục, nước kênh trong, không còn mùi hôi, khả năng tiêu thoát nước tốt cùng với cảnh quan dọc kênh được cải thiện đã tạo nên một diện mạo mới cho cả khu vực.
Ngoài ra, TP cũng chú ý tới công tác xử lý nước thải và xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Hiện tại, tất cả các khu công nghiệp ở TP.HCM được báo cáo là có các nhà máy xử lý nước thải tập trung có thể xử lý khoảng 240.000m3/ngày. Tổng lượng nước thải sinh hoạt của TP hiện được xử lý chỉ dưới 10% và chính quyền đang tích cực khai thác các cơ hội để mở rộng mạng lưới hiện có, nâng tỉ lệ xử lý nước thải đến 70% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030.
Hiện nay, TP đang triển khai thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM năm 2025 về quy hoạch hệ thống thoát nước thải. TP sẽ sử dụng hệ thống cống chung cho khu vực nội thành hiện hữu (kết hợp sử dụng giếng tách dòng và hệ thống cống bao để tách và thu gom nước thải) và hệ thống thoát nước riêng cho các khu đô thị mới để phát triển hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo từng cụm dân cư nhỏ.
Với việc phân vùng thoát nước thải thành 12 lưu vực thoát nước thải, trong đó khu vực nội thành cũ có 4 lưu vực, khu vực nội thành phát triển và ngoại thành (khu vực phát triển đô thị mới) có 8 lưu vực, TP đặt mục tiêu sẽ xử lý nước thải triệt để qua hệ thống 12 nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đối với nước thải trong khu vực nằm ngoài các lưu vực được nêu trên sẽ được thu gom và xử lý theo từng khu vực có quy mô nhỏ.
Ngoài ra, theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), thời gian gần đây nước từ sông Sài Gòn có mức độ ô nhiễm tăng cao và thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn mặn vào mùa khô. Đặc biệt, hiện TP.HCM sử dụng nguồn nước thô từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai thông qua hai trạm bơm Hòa Phú và Hóa An để xử lý cung cấp lại nước sạch cho người dân TP.
Trước áp lực ô nhiễm gia tăng, đầu năm 2021 UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án cấp nước sạch giai đoạn 2020 - 2050 và chương trình cung cấp nước sạch, giảm khai thác nước ngầm giai đoạn 2020 - 2030, trong đó dự kiến dời điểm lấy nước thô trên sông Sài Gòn về thượng nguồn.
Theo dõi chất lượng nước đầu vào từ sông Sài Gòn tại Nhà máy xử lý nước Tân Hiệp, huyện Hóc Môn.
TTO - Mọi năm, vào mùa hè, hạn mặn xâm nhập, TP Đà Nẵng xảy ra tình trạng nước yếu, nước thiếu. Năm nay nắng nóng kéo dài nhưng nước sinh hoạt, sản xuất được đảm bảo, theo lời ông Hồ Hương, tổng giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco).
Xem thêm: mth.76275938010901202-mchpt-coun-nougn-peih-yu-iaht-ax-nougn-ueihn/nv.ertiout