"Đây không phải là một cách có thể thực hiện được để sống ở đất nước này", Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố ngày 23/8. Đây là một tuyên bố cho sự thay đổi trong chiến lược đối phó với đại dịch Covid-19 của Australia.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Australia đã áp dụng chiến lược gọi là "zero Covid" (không Covid), dù thế nào chăng nữa cũng phải dập tắt các đợt bùng phát cho đến trường hợp cuối cùng. Ban đầu "zero Covid" được áp dụng như một biện pháp "câu giờ" nhằm ngăn chặn Covid-19 để hệ thống y tế và truy vết thông tin có thời gian chuẩn bị. Hiệu quả từ việc áp dụng chiến lược này đã khiến Australia dần đi đến một quan điểm là họ thực sự có thể loại bỏ được sự lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), "zero Covid" là chiến lược tốt cho mục tiêu ngắn hạn, tránh được những thảm kịch như ở Ấn Độ, tuy nhiên nó sẽ khiến Australia khó có thể thoát khỏi đại dịch hơn so với các quốc gia khác.
Nhưng kể từ giờ, Australia đang dần hướng đến việc chấp nhận số ca bệnh có thể tăng lên miễn là các bệnh viện có thể đối phó được, thay vì duy trì con số 0. Kế hoạch của Australia là sẽ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế sau khi 80% người trưởng thành được tiêm chủng cho đến cuối năm nay.
Giai đoạn đầu đại dịch, Australia, New Zealand và các nước khác ở Thái Bình Dương đã đóng cửa biên giới và thiết lập các khách sạn làm khu cách ly nhằm ngăn chặn virus đến khi có vắc xin. Australia duy trì lệnh cấm đi lại hầu hết đối với người không phải nước này.
Công dân Australia cũng phải tranh giành vé máy bay để nhập cảnh vì số lượng hạn chế. Hơn 30.000 người Australia ở nước ngoài đang chờ đợi để trở về quê hương vì giới hạn lượng người mỗi tháng. Một số người mắc kẹt ở Ấn Độ đã mắc Covid-19 và thiệt mạng.
Trong phần lớn thời gian đầu, cuộc sống ở Australia vẫn diễn ra bình thường. Các trường học, nhà hàng, rạp hát vẫn mở cửa và không có quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Người dân vẫn có thể thoải mái đến các quan bar, nhà hàng, bãi biển. Khi một ca mắc Covid-19 vượt qua được "bức tường" cách ly, hệ thống theo dõi tiếp xúc tỉ mỉ đã ngăn chặn những đợt bùng phát lớn. Theo Economist, đến ngày 25/8, Australia ghi nhận tỷ lệ 39 trường hợp tử vong trên 1 triệu người, ít hơn nhiều so với 1.700 trường hợp tử vong trên 1 triệu người ở Châu Âu.
Thế nhưng biến thể Delta không dễ đối phó. Nó lây lan nhanh, rộng ra toàn cầu trong đầu năm 2021 và xuất hiện ở Austrlia, đẩy chiến lược "zero Covid" của nước này đến giới hạn. Tiến sĩ Catherine Bennett thuộc Đại học Deakin ở Melbourne cho biết biến thể Delta không chỉ buộc Australia phải làm tốt hơn nữa mà nó thực sự đã phá vỡ hệ thống. Biến thể Delta lây lan nhanh đến nỗi hệ thống truy vết phát hiện một người dương tính trong vòng 30 giờ đồng hồ, thì những người tiếp xúc với họ đã có thể bị nhiễm và lây truyền thành một chuỗi.
Vì ngày càng nhiều ca bệnh lọt qua bức tường cách ly, việc từ bỏ "zero Covid" và chấp nhận những ca bệnh là điều Australia đang hướng tới. Theo phân tích của tờ Economist, ca bệnh tăng cao bao nhiêu phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng của Austrlia. Khoảng ¼ dân số của Australia được tiêm chủng đầy đủ, ít hơn so với con số 50-60% của Châu Âu và Mỹ. Ngoài ra, hầu như không có người Austrlia nào có được khả năng miễn dịch tự nhiên.
Chiến dịch tiêm chủng của Australia bắt đầu muộn vì nguồn cung bị chậm trễ. Một lượng lớn vắc xin mà họ đặt trước đã thất bại trong các thử nghiệm lâm sàng, cũng như vắc xin của AstraZeneca. Việc phân phối liều cho 40.000 bác sĩ tư, trải dài trên một đất nước rộng lớn, đã gặp một số khó khăn. Nhưng tốc độ tiêm chủng của Australia đã tăng trong tuần qua.
Các quốc gia khác sử dụng chiến lược "zero Covid" cũng rơi vào tình trạng khó khăn tương tự. Toàn bộ New Zealand hiện đang trong tình trạng phong tỏa vì các ca mắc Covid-19 đạt mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020. Trong suốt thời gian đầu đại dịch, các quốc gia "zero Covid" là niềm ghen tị của thế giới. Tuy nhiên, khi đối đầu với những biến thể nguy hiểm của Covid-19, đây sẽ là chặng đường khó khăn nhất của họ.
Tổng hợp