Tồn tại ở một nơi xa xôi và chẳng có ai sinh sống, những thành phố ma của Trung Quốc từng là chủ đề của truyền thông phương Tây cách đây 1 thập kỷ. Những bức ảnh về các đại dự án đô thị này đã được lan truyền nhiều trên mạng, người ta nhìn thấy hàng nghìn căn hộ trống ngập trong khu vực đầy bùn đất, các đại lộ đẹp đẽ nhưng hoàn toàn trống vắng sự xuất hiện của con người, nhiều công trình kiến thúc hoành tráng nhưng không hề hoạt động.
Giáo sư ngành địa lý tại trường Ohio State University, ông Max Woodworth, nhận xét: “Tại những nơi gọi là thành phố ma, bạn nhìn thấy hàng loạt các dự án đô thị từng thu hút nhiều vốn đầu tư nhưng lại chẳng thể kéo được người dân đến ở. Kết quả, trông nó giống như những thành phố hiện đại nhưng chẳng có gì bên trong nó cả”.
Quá trình đô thị hóa tại Trung Quốc đã diễn ra trì trệ trong suốt nhiều năm. Thế nhưng cùng lúc đó, tốc độ xây mới các tòa nhà mới thường cao hơn tốc độ người mới chuyển vào dù rằng cũng có những nhà đầu tư mua một số căn nhà này khi mà giá nhà tại Trung Quốc tăng.
Khi mà kinh tế Trung Quốc tiếp tục quá trình dịch chuyển dần ra khỏi trọng tâm nông nghiệp, hoạt động đô thị hóa và xây dựng là hai trụ cột quan trọng giúp đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng.
Năm 1978, chỉ 18% dân số Trung Quốc sống ở các thành phố lớn, nhưng đến năm 2020, tỷ lệ này đã lên đến 64%. Trung Quốc hiện đang có ước tính khoảng 10 đại đô thị với hơn 10 triệu dân mỗi thành phố, ước tính có đến hơn 1/10 tổng dân số thế giới hiện đang sống ở các thành phố của Trung Quốc.
Để có thể đón được lượng dân số lớn dịch chuyển ra thành phố, chính phủ Trung Quốc đã khởi động nhiều chương trình xây dựng quy mô lớn, thế nhưng cũng đã có lúc hoạt động xây dựng này trở nên quá mức. Khi mà xây dựng giúp kinh tế tăng trưởng nhanh, chính quyền địa phương cũng có thêm nguồn thu thông qua bán đất và thuế từ các doanh nghiệp đến địa phương hoạt động
Sức mạnh của nhà nước Trung Quốc đã giúp các thành phố ma này có “cú huých” ban đầu, thông thường, văn phòng của chính phủ và doanh nghiệp nhà nước là những đối tượng đầu tiên chuyển vào các thành phố.
Tại các thành phố có nhiều công trình công cộng ví như trung tâm hội nghị, sân vận động thể thao và bảo tàng, ngoài ra là nhiều dự án bất động sản nhà ở khác cũng như trường học và cả tàu điện cao tốc. Sau đó, các khu vực này cũng được tính toán để thu hút vốn đầu tư tư nhân.
Từng có những thành phố ma tại Trung Quốc chuyển mình cực kỳ thành công, ví như khu phố Đông tại thành phố Thượng Hải. Tuy nhiên việc khởi động những dự án này đồng nghĩa với việc phải chấp nhận nợ. Sự bùng nổ của ngành xây dựng giúp mang đến động lực tăng trưởng quan trọng cho kinh tế Trung Quốc trong năm ngoái đã đi cùng với khoản nợ của các chính quyền địa phương lên đến 3,75 nghìn tỷ nhân dân tệ tức khoảng 580 tỷ USD.
Chính phủ Trung Quốc muốn xu thế di cư ra thành phố tiếp tục và bởi một lý do rất rõ ràng: thu nhập bình quân đầu người tại các thành phố cao hơn giúp tăng tiêu dùng nội địa, giảm sự phụ thuộc của kinh tế Trung Quốc vào xuất khẩu. Và khi mà chính quyền thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải mạnh tay hạn chế số người cư trú tại thành phố, việc phát triển những trung tâm dân số mới vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, hiện vẫn có rủi ro rằng các thành phố mới này cuối cùng sẽ vẫn không có đủ người và doanh nghiệp để có thể sản sinh ra đủ doanh thu nhằm bù đắp lại số tiền bỏ ra để xây dựng. Kết quả, nợ nần là một trong những thách thức lớn nhất trong việc xây dựng một thành phố từ con số không. Một cộng đồng dân cư để có thể tồn tại được cần đến con người, việc làm, trường học và bệnh viện ở mức tối thiểu để tồn tại và phát triển.
Thế nhưng sẽ là không đúng khi nói rằng các thành phố ma của Trung Quốc đều giống nhau, giờ đây cũng đã có những thành phố đang có cuộc sống trở lại.
Xem thêm: nhc.41245109020901202-em-hnam-hnis-ioh-gnad-couq-gnurt-iat-am-ohp-hnaht-ueihn/nv.fefac