Nam Kha tự kiểm tra thân nhiệt và nồng độ oxy hằng ngày
"Vì mẹ làm ngành y nên cả gia đình được hướng dẫn là dù tiêm 2 mũi vắc xin vẫn có thể mắc COVID-19. Và điều đó đã xảy ra với nhà mình.
Nam Kha
Triệu chứng đầu tiên
Mẹ của Kha là điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện, nên ngay từ đầu mùa dịch các thành viên trong gia đình chuẩn bị tinh thần có thể nhiễm COVID-19 bất kỳ lúc nào.
"Lần đầu tiên gia đình mình chia đôi, ba má vào viện cách ly do chỉ số CT dưới 30, còn mình thì tự điều trị ở nhà. May mắn là em trai đang học lớp 8 vẫn có kết quả xét nghiệm âm tính.
Sau gần 10 ngày, gia đình mình đã sắp đoàn tụ vì kết quả điều trị tốt" - Kha nói. Hiện Kha đã vượt qua những ngày nguy hiểm nhất khi mắc COVID-19. Mỗi buổi sáng anh dậy sớm, tập thể dục nhẹ, rồi phơi nắng khoảng 30 phút - 1 giờ.
Trước khi xét nghiệm dương tính với COVID-19, mẹ Kha đã chuẩn bị sẵn các loại thuốc cần thiết theo hướng dẫn của Sở Y tế như đặt mua máy đo nồng độ oxy, nhiệt kế, nước sát khuẩn... Còn em trai Kha tuy mới học lớp 8 cũng có ý thức lưu lại các số điện thoại khẩn cấp để cần là gọi ngay, không phải mất công tìm kiếm.
Kha chia sẻ thêm: "Mình và ba thì tính toán sẵn phương án cách ly tại nhà sẽ phải chia phòng ở thế nào, thay đổi thói quen sinh hoạt sao cho thuận tiện mà vẫn đảm bảo việc tuân thủ quy tắc 5K. Mỗi người cũng tự soạn sẵn một balô để nếu phải đi cách ly gấp ở bệnh viện dã chiến thì cũng có đầy đủ đồ đạc, không phải lo lắng quá nhiều".
Tuy chuẩn bị tinh thần, nhưng khi phát hiện nhiễm COVID-19, Kha cũng không khỏi sốc mất vài giờ.
Lúc đầu, ba của Kha có triệu chứng cảm, sốt, còn Kha thì bị tiêu chảy. Nhưng do đã chích đủ 2 mũi vắc xin được một tháng, tức là có thời gian sinh kháng thể, nên Kha nghĩ là do mình ăn bậy nên cũng không để ý.
Dù vậy, mẹ Kha vẫn khuyên hai cha con đi test COVID-19 cho an tâm. "Đến lúc hai cha con đi test thì đều dương tính, mình đọc lại bài của bác sĩ Trương Hữu Khanh mới biết tiêu chảy cũng là một trong những dấu hiệu của COVID-19" - Kha kể.
Triệu chứng COVID-19 của Kha không bị nặng lắm, chủ yếu bị đau họng. Kha bị tiêu chảy khoảng 3 hôm nhưng sau khi uống thuốc trị tiêu chảy smecta thì khỏi hẳn. Mẹ của Kha cũng dương tính với COVID-19.
Do chỉ số CT thấp nên ba mẹ Kha phải nhập viện điều trị. Kha nhớ lại: "Mình có nghe tình trạng quá tải bệnh viện nên cũng lo. Dù mẹ mình là nhân viên y tế nhưng cũng phải chờ bệnh viện gọi mới đi được.
Vì vậy, cả nhà phải chuẩn bị tinh thần và nghe theo hướng dẫn từ xa của bác sĩ để điều trị. Sau khi ba mẹ nhập viện, mình và em trai ở nhà cách ly tự điều trị theo hướng dẫn của địa phương. May mắn là em mình vẫn có kết quả âm tính sau 2 lần test".
Sáng sớm Kha tranh thủ tập thể dục, phơi nắng
Bình tĩnh, không đổ lỗi
Đã qua ngày thứ 10 nhiễm COVID-19, vào ngày thứ 8 thì Kha bắt đầu mất vị giác, khứu giác. Anh kể: "Mình mở cốp bình xăng hít thử mà không có tí mùi nào luôn. Đồ ăn thì như nhai... rơm vì không có vị gì cả.
Mình thử làm gỏi bắp chuối nêm chua cay nhiều xem sao thì cũng y chang như nhai cơm lạt. Hơi bỡ ngỡ chút nhưng vì đã biết trước đó là triệu chứng sẽ trải qua nên mình bình tĩnh đón nhận. Ráng nuốt để giữ sức khỏe. Khoảng 3 hôm sau thì mùi vị trở lại, cảm giác là Wow! Ăn gì cũng ngon như bị bỏ đói nhiều ngày".
Kinh nghiệm chủ yếu của Kha sau 10 ngày nhiễm COVID-19 là tinh thần phải lạc quan. Kha thường theo dõi clip hoặc đọc bài của bác sĩ Trương Hữu Khanh vì cách hướng dẫn điều trị F0 rất tích cực, bác sĩ có cách nói về bệnh rất hài hước chứ không nghiêm trọng hóa vấn đề khiến người bệnh bớt lo lắng.
Nhưng có lẽ may mắn nhất là Kha đã tiêm 2 mũi vắc xin và đủ thời gian sinh kháng thể, thêm nữa là còn trẻ nên khả năng chống chọi tốt. Anh chia sẻ thêm: "Khi nghe tin dương tính mình thấy nằm trong dự đoán nên không hoảng loạn, cứ bình tĩnh tìm phương án giải quyết chứ không truy nguồn gốc nhiễm.
Vì khi đó mọi người trong nhà rất dễ đổ lỗi cho nhau, chia rẽ càng khiến tinh thần suy sụp nhanh hơn. Đằng nào cũng đã bị rồi nên càng truy nguồn lây thì mọi chuyện càng rối, mình phải suy nghĩ nhiều dễ mất ngủ, sức khỏe bị ảnh hưởng".
Thêm nữa là dù tiêm đủ vắc xin nhưng gia đình Kha cũng không dám chủ quan với COVID-19. Các thành viên thường nhắc nhở nhau tập thể dục, đo nồng độ oxy và nhiệt độ 2 lần trong ngày. Và nếu ai có biểu hiện gì khác thường thì sẽ thông báo ngay cho nhau để nắm tình hình và liên hệ nhờ bác sĩ tư vấn.
"Biết rằng bệnh COVID-19 rất nguy hiểm và khó lường nên để không ai phải lo lắng đến mất ngủ, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, hằng ngày cả nhà thường xuyên liên lạc để hỏi thăm sức khỏe, động viên tinh thần để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Ba mẹ thì kể chuyện ở trong khu cách ly, còn mình với em trai thì kể chuyện làm bếp, trồng cây... ở nhà cho ba mẹ yên tâm cách ly điều trị. Cả nhà giờ sắp được đoàn tụ vì ba mẹ đã có chỉ số CT tốt để được xuất viện. Còn mình thì đã tạm ổn và đang đợi test lại chỉ số virus" - Kha vui mừng nói.
Hãy chuẩn bị mình là F0
L.M.H., 30 tuổi, ở quận 4, TP.HCM, ngay ngày chuẩn bị chích mũi 1 vắc xin thì phát hiện dương tính COVID-19.
Trải qua 5 ngày đầu bị COVID-19 với các biểu hiện hắt xì, sổ mũi, đau họng, sốt nhẹ, tê cứng tay chân, H. nhập viện vì sợ lây cho các người khác trong nhà. May mắn là sau 11 ngày nhiễm bệnh, hiện tại H. đã tạm ổn, có lại vị giác sau 3 ngày "không mùi, không vị". Nhưng tin không vui là cả nhà H. cũng vừa nhận kết quả dương tính.
H. chia sẻ: "Ở viện mình đang điều trị có rất nhiều người kỹ lưỡng nhưng không hiểu sao họ vẫn mắc COVID-19. Như nhà mình, sau 7 ngày mình đi bệnh viện dã chiến, thì cũng đã dính hết cả nhà.
Mình đã bối rối, hoang mang, vì chưa hề chuẩn bị cho tình huống này, nên mong mọi người đừng lơ là. Hãy nghĩ đến tình huống xấu nhất là virus có thể nhảy bổ vào gia đình mình bất cứ lúc nào, để có thể chuẩn bị mọi thứ tốt và chủ động nhất ngay từ bây giờ.
Nên có sẵn thuốc, bộ test nhanh, máy SpO2 và các thứ thiết yếu trong nhà, nên theo dõi các trang thông tin để nắm rõ về con virus này... Để có gì xảy ra mình giữ được bình tĩnh và xử lý. Nếu hoang mang sẽ ảnh hưởng tâm lý, khiến cơ thể suy nhược, diễn biến tệ hơn. Mỗi gia đình hãy lo cho chính mình trước khi y tế hỗ trợ.
Ngoài 5K + vắc xin như đang tuyên truyền thì việc chuẩn bị trước cả tinh thần và đồ dùng y tế, thuốc men rất quan trọng. Giờ cứ coi như mình là F0 thì mình sẽ làm gì? Điều này sẽ giúp mọi người rất nhiều nếu bệnh tật ập đến".
**********
"Mẹ ngồi tựa vào đây, uống chầm chậm không thôi sặc đó!" - người con trai cũng là F0 đỡ mẹ ngồi dậy, ghim ống hút vào lon nước yến nhỏ, nhẹ nhàng đút cho mẹ mình uống.
>> Kỳ tới: Nén nỗi đau, chăm sóc mẹ và các F0 khác
TTO - Ngoài những người được chữa trị ở bệnh viện, nhiều người đã tự chữa mạnh khỏe ở nhà. Trải nghiệm của chính các F0 đã mất mát người thân và vượt qua dịch bệnh COVID-19 thế nào?
Xem thêm: mth.8612901210901202-auq-touv-hnit-hnib-av-ahn-ac-0f-obmoc-2-yk-0f-cac-auc-neihc-couc/nv.ertiout