ECDC nhấn mạnh gần 1/3 số người trưởng thành tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) vẫn chưa tiêm đủ hai liều vắc xin COVID-19 - Ảnh: GETTY IMAGES
ECDC: Chỉ cần tiêm bổ sung cho người suy giảm miễn dịch
"Dựa vào bằng chứng hiện có, không cần thiết phải tiêm liều bổ sung cho những người đã tiêm đầy đủ trong dân số nói chung", thông báo của ECDC nêu.
Theo ECDC, bằng chứng về hiệu quả thực tế cho thấy tất cả các vắc xin COVID-19 được phê duyệt trong khu vực hiện có khả năng bảo vệ đầy đủ chống lại các triệu chứng nghiêm trọng, nhập viện và tử vong do COVID-19.
Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, ECDC khuyến nghị nên cân nhắc tiêm liều bổ sung cho những người suy giảm miễn dịch, bao gồm các bệnh nhân ung thư, nhiễm HIV, ghép tạng...
ECDC lưu ý cần phân biệt giữa liều bổ sung cho người suy giảm miễn dịch với liều bổ sung theo nghĩa "tăng cường" hiệu quả bảo vệ cho những người bình thường đã tiêm đủ liều.
Theo Hãng tin AFP, ECDC đưa ra thông báo trên sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ trích các nước giàu chuẩn bị tiêm liều bổ sung cho người dân trong nước, trong khi nhiều nước nghèo đang chật vật tìm nguồn cung để tiêm liều đầu tiên cho người dân.
Ngày 18-8, WHO cho biết tới nay, thông tin khoa học vẫn chưa chứng minh sự cần thiết phải tiêm liều bổ sung.
Giới chuyên gia nói gì?
Cuối tháng 7, Israel đã tiêm liều bổ sung cho người trên 60 tuổi và nhanh chóng mở rộng chương trình này cho tất cả người dân trên 30 tuổi từ tháng 8. Cho tới nay, khoảng 1 triệu người Israel đã được tiêm liều thứ 3.
Giáo sư Eyal Leshem - chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y khoa Sheba, đang chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Israel - nhận định số ca mắc mới tăng cao dù tỉ lệ phủ vắc xin ở Israel cũng cao.
Dù vậy, theo ông Leshem, tỉ lệ nhập viện do mắc COVID-19 nặng ở Israel ở mức thấp. "Tỉ lệ bệnh nặng trong nhóm đã tiêm chủng là 1/10 so với nhóm chưa tiêm, điều này có nghĩa là vắc xin vẫn đang có 90% hiệu quả trong việc chống lại bệnh nặng", ông Leshem cho biết.
"Những người đã tiêm liều bổ sung cũng có nguy cơ nhiễm bệnh thấp hơn rất nhiều, theo dữ liệu trong ngắn hạn của chúng tôi", chuyên gia Leshem thêm.
Cùng quan điểm, theo kênh CNBC, ông Richard Reithinger - chuyên gia bệnh truyền nhiễm và là phó chủ tịch y tế toàn cầu của tổ chức phi lợi nhuận RTI International có trụ sở tại Mỹ - cho biết có những bằng chứng không thể chối cãi cho thấy số ca nhập viện, bệnh nặng và tử vong đã giảm ở những nước phủ vắc xin nhanh chóng.
"Tại những quốc gia có tỉ lệ phủ vắc xin cao, như Iceland với hơn 90%, hiếm khi ghi nhận ca bệnh nặng và tử vong", ông Reithinger thêm.
Tháng 9, Anh, Đức và Pháp sẽ tiêm liều bổ sung cho những người dễ bị tổn thương do COVID-19 cũng như người suy giảm miễn dịch để bảo vệ họ trước biến thể Delta dễ lây lan (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ).
Mỹ đã tiêm liều thứ ba cho những người suy giảm miễn dịch. Washington cũng có kế hoạch tiêm liều bổ sung cho toàn dân từ ngày 20-9 nếu các cơ quan y tế của nước này cho rằng cần phải làm như vậy.
TTO - Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đang làm việc với các hãng vắc xin Pfizer và Moderna để cho phép tiêm liều bổ sung vắc xin ngừa COVID-19 cho những người dễ bị tổn thương do dịch, như các bệnh nhân ung thư, ghép tạng.
Xem thêm: mth.6110219020901202-3-uht-91-divoc-nix-cav-ueil-meit-teiht-nac-gnohk-ua-uahc-cdc/nv.ertiout