Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất với đề xuất của Ban cán sự đảng UBND Thành phố, trong đó, thiết lập 3 vùng theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất, theo hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), vùng phía Bắc Sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam Thành phố (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).
Trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao "vùng đỏ" để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc "ai ở đâu ở đó" để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.
Tính đến tối 2/9, các quận huyện có số ca mắc nhiều nhất hiện nay gồm: Thanh Xuân (496), Đông Anh (369), Đống Đa (366), Thanh Trì (326), Hoàng Mai (323), Hai Bà Trưng (256).
Trong khi đó, các quận huyện có số ca mắc thấp nhất gồm: Ba Vì (8), Sơn Tây (9), Chương Mỹ (9), Phúc Thọ (13), Thanh Oai (15), Ứng Hòa (16) và Phú Xuyên (16).
Tại các khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn "vùng xanh" điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg (15+) của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực "vùng đỏ" bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn được phép quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trước Thành phố.
Đồng thời, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân; giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu các gia đình ký cam kết không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, "ai ở đâu thì ở đó".
Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội "vùng đỏ", nới lỏng "vùng cam" và "vùng xanh" (Ảnh: Quý Nguyễn)
Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo kiểm soát chặt hơn, cần thiết áp dụng cao hơn một mức việc thực hiện giãn cách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, tăng cường kiểm soát các chốt ra vào TP, kể cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường mòn, lối mở, kiểm tra kỹ tất cả các loại phương tiện, không có ngoại lệ.
Tăng cường kiểm soát các chốt nội bộ trong TP tại các quận, huyện, thị xã; kiểm soát việc đi lại của người dân trong các khu vực, nhất là khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung, nơi có nguy cơ cao, không để tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong";
Về xét nghiệm, cách ly, điều trị, tiêm chủng, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tiếp tục xét nghiệm diện rộng theo kế hoạch trên toàn TP, nâng cao năng lực xét nghiệm, ưu tiên xét nghiệm cho các khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly "nhóm đỏ" (tần suất 2-3 ngày/lần); tại các khu vực có nguy cơ cao "nhóm da cam" (tần suất 5-7 ngày/lần); song song với việc ưu tiên xét nghiệm theo hộ gia đình tại các "nhóm xanh" cũng cần thực hiện nhanh chóng, kịp thời để bảo vệ và dần mở rộng "nhóm xanh".
Giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo bổ sung, xây dựng kế hoạch xét nghiệm, huy động mọi nguồn lực triển khai, đảm bảo chỉ định xét nghiệm đúng, trúng khu vực nguy cơ và nhóm đối tượng nguy cơ, đảm bảo công tác lấy mẫu, xét nghiệm thống nhất, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị, tránh để mẫu tồn quá 24 giờ.
Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ trì và đôn đốc các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các khu cách ly tập trung; triển khai ngay phần mềm quản lý F1. UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý các khu cách ly tập trung trên địa bàn. Chủ động kích hoạt các khu cách ly tập trung bảo đảm khả năng cách ly trên 100.000 chỗ cho các F1 và kiểm tra, rà soát sẵn sàng tăng công suất cách ly để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Đối với các khu vực phong tỏa chật hẹp, đông dân cư, căn cứ tình hình thực tiễn, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng phương án, kịch bản đảm bảo an toàn, lắp camera, siết chặt kiểm soát, tăng cường xét nghiệm; trường hợp cần thiết có thể tổ chức đưa các đối tượng có nguy cơ cao đi cách ly tập trung để giãn mật độ dân cư trong khu vực phong tỏa, tránh lây nhiễm trong khu phong tỏa.
Khẩn trương chuẩn bị đầy đủ 20.000 giường và sẵn sàng lên 30.000 giường cho các cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, bảo đảm đủ oxy, trang thiết bị, vật tư, thuốc điều trị và nhân lực y tế cho các cơ sở y tế tại tất cả các tầng; nâng cao năng lực điều trị người nhiễm Covid-19 ngay từ tầng 1 để giảm tải cho tầng 2, tầng 3. Đồng thời, tiếp tục đảm bảo việc tiếp nhận, điều trị các bệnh khác kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục đầu tư, củng cố nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở, trọng tâm là các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Về cung ứng, lưu thông hàng hóa, lương thực, thực phẩm và an sinh xã hội, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu phải rà soát, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu; đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho mọi người dân, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa, phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Tiếp tục quan tâm chăm lo làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, huy động các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể, cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân tích cực tham gia hỗ trợ các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách của Trung ương, TP về an sinh xã hội, không để chậm trễ, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô phải chuẩn bị phương án bảo đảm an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống theo các phương án phòng, chống dịch của Thành phố ở mức cao; tổ chức diễn tập các phương án và tuyên truyền để người dân yên tâm, chấp hành và ủng hộ.
Đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 27/4 đến tối 2/9, Hà Nội ghi nhận tổng 3.366 ca Covid-19, trong đó 1.553 ca ngoài cộng đồng và 1.813 ca đã được cách ly.
Theo Minh Nhân
Doanh nghiệp & Tiếp thị