Học sinh ở TP.HCM tựu trường online vào sáng 1-9 - Ảnh: TỰ TRUNG
Chiều 2-9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc làm việc giữa Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM.
Cuộc họp bàn nhiều nội dung về công tác phòng chống dịch, trong đó có nội dung quan trọng là chuẩn bị kế hoạch dạy và học cho năm học mới sắp tới.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù phải tập trung chống dịch thì TP.HCM vẫn phải đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học cho học sinh.
Theo ông Đam, trong bối cảnh bình thường, để chuẩn bị năm học mới, ngành giáo dục TP phải chuẩn bị kế hoạch cụ thể, chi tiết. Nhưng trong thời điểm toàn TP.HCM đang tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, TP càng phải tính toán kỹ lưỡng, có kế hoạch thực chất cho việc dạy học trực tuyến cho học sinh sắp tới.
Phó thủ tướng đặt nhiều câu hỏi và yêu cầu ngành giáo dục TP.HCM phải làm rõ. Trong đó, ông Đam quan tâm nhất là khả năng cung cấp sách, vở, trang thiết bị phục vụ việc học cho học sinh, nhất là học sinh thuộc gia đình khó khăn đã đầy đủ hay chưa?
TP cũng phải giải được bài toán dạy và học như thế nào để toàn bộ học sinh đều có thể tiếp thu được bài giảng hiệu quả?
Một bộ phận học sinh mới vào năm học đầu của tiểu học chưa thể tiếp cận, học trực tuyến ngay hoặc những học sinh gia đình khó khăn không thể đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc học trực tuyến thì sẽ học ra sao?...
Trước mắt, Phó thủ tướng yêu cầu TP.HCM tính toán đảm bảo cung cấp sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho toàn bộ học sinh trước ngày bước vào năm học mới. TP phải đặc biệt quan tâm đến con em gia đình người lao động nghèo.
Mặt khác, TP phải có kế hoạch chi tiết, thực chất tổ chức các phương án dạy và học theo hướng kết hợp hài hòa giữa các phương tiện Internet, truyền hình, phiếu học tập.
Đồng thời, có kế hoạch tổ chức vệ sinh, sửa sang lại trường học sau khi hết dịch để đưa học sinh trở lại trường sớm nhất.
"Đây là một năm học đặc biệt đáng nhớ và rất khó khăn, nhưng cũng không vì khó mà chúng ta làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Đặc biệt đối với những học sinh mới bước vào năm đầu tiểu học, nếu không được dạy tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập lâu dài của các cháu", ông Đam nhấn mạnh.
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - thừa nhận việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh sắp tới rất phức tạp, bởi hệ thống dạy học trực tuyến hiện nay không đồng bộ và hạn chế về phần mềm dạy học.
Nhiều phụ huynh phản ánh họ muốn mua thiết bị điện tử cho con nhưng không có nơi bán, hoặc muốn sửa nhưng không có nơi sửa.
Theo ông Hiếu, hiện nay hầu hết sách giáo khoa cho học sinh đã được các nhà xuất bản chuyển xuống cho các trường. Đối với các trường đang được tận dụng làm cơ sở chống dịch, sách vở đang được gửi ở phòng giáo dục hoặc ở trường bên cạnh. Hiện ngành giáo dục TP đang tính toán để chuyển sách đến cho học sinh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tiếp thu ý kiến của Phó thủ tướng và cho biết sẽ cùng lãnh đạo TP, các sở ngành liên quan tính toán việc cung cấp sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời, TP cũng tính toán cụ thể để xây dựng các chương trình dạy học trực tuyến đảm bảo việc dạy và học hiệu quả nhất.
TTO - Ngày 1-9, gần 700.000 học sinh cấp THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM sẽ bước vào năm học mới trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt khi không có lễ tựu trường, khai giảng và tất cả học sinh sẽ học qua mạng.