“Cô gái quận 4” liên tục được nhắc đến trong những ngày gần đây. Người phụ nữ này tên là N.T.N. (33 tuổi, ngụ quận 4) khiến mọi người ngao ngán vì loạt hành động không đeo khẩu trang và cự cãi với lực lượng phòng chống dịch Covid-19. Được biết, trong vòng 3 tháng chị N. bị phạt hơn 16 triệu đồng đều cùng hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Có một số người chọn cách nổi tiếng bằng những việc làm tai tiếng; liên tục lặp đi lặp lại cùng một hành vi vi phạm như thể thách thức pháp luật; đi ngược với chuẩn mực đạo đức; thậm chí còn là tác nhân, mầm mống lây lan dịch bệnh. Không thể để một người lộng hành, coi thường pháp luật ảnh hưởng tới cồng đồng, cần thiết có chế tài mạnh tay hơn, cứng rắn hơn để xử lý những cá thể như vậy….và còn nhiều bình luận khác nữa xung quanh vụ “cô gái quận 4”.
Để có góc nhìn đa chiều, Người Đưa Tin đã trao đổi với Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (bộ Công an) về vấn đề này.
PV: Không chấp hành quy định giãn cách theo Chỉ thị 16, “cô gái quận 4” trong vòng 3 tháng bị phạt hơn 16 triệu đồng vì không đeo khẩu trang, cự cãi với lực lượng chức năng, ông đánh giá sao về sự việc này?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Hành vi của người này vi phạm nghiêm trọng các quy định về phòng chống dịch bệnh. Thể hiện nhân cách rất sa sút, có nhiều đặc điểm tiêu cực trong tâm lý; bất chấp sự an nguy của cộng đồng, bất chấp việc bản thân mình có thể là một tác nhân làm lây lan dịch bệnh từ địa bàn này sang địa bàn khác.
Ở đây không thể nói do trình độ nhận thức pháp luật hạn chế nữa vì thông qua các lần xử phạt, các chế tài được áp dụng thì đương nhiên chị ta phải nhận thức được hành vi của mình đang đi ngược lại với những nỗ lực của cộng đồng và vi phạm các quy định pháp luật về phòng chống dịch bệnh. Vấn đề ở đây chính là ý thức.
PV: Hành vi của người phụ nữ trên phải chăng đang thách thức pháp luật không, thưa ông?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Có thể đánh giá, hành vi liên tục phớt lờ các quy định của pháp luật về phòng chống dịch, ngang nhiên di chuyển không đeo khẩu trang, không đội mũ bảo hiểm, chống đối lực lượng chức năng của người phụ nữ này xuất phát từ một thái độ thách thức, coi thường pháp luật, một thái độ khinh nhờn kỷ cương phép nước, thể hiện thái độ rất ích kỷ, vô cảm, vô văn hóa.
Văn hóa được thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực đạo đức và pháp luật của một cộng đồng, một xã hội nào đó. Việc không tuân thủ, lặp đi lặp lại nhiều lần cùng một hành vi mà hành vi này có thể chứa đựng nguy cơ đe dọa, gât ra hậu quả rất lớn đối với cộng đồng là làm lây truyền dịch bệnh.
PV: Không làm gương cho con cái trong việc tuân thủ pháp luật, hầu hết các lần vi phạm, người phụ nữ này đều dẫn theo con gái nhỏ; theo ông ngoài vấn đề ý thức thì còn có nguyên nhân nào khác?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Về mặt cảm quan, tôi đánh giá người này không bình thường. Do vậy, cần kiểm tra xem người này có vấn đề về tâm lý hay không?
Chưa kể, ở một góc độ đánh giá khác, tôi thấy một số người có nhu cầu muốn được người khác biết đến. Khi một người không có gì nổi bật thì người ta sẽ gây ra một cái gì đó để thu hút sự chú ý của mọi người. Cũng có thể người phụ nữ này có động cơ muốn thể hiện mình thông qua việc liên tục vi phạm, coi thường việc kiểm soát của cán bộ, lực lượng phòng chống dịch. Trên mạng cũng có nhiều trường hợp làm những việc quái gở để được nổi tiếng. Vụ việc này cũng có thể coi đây là một việc làm quái gở, bất chấp việc có thể gây ra những nguy hại cho cộng đồng.
PV: Đối với trường hợp cá biệt này, theo ông cần phải có chế tài gì để xử lý dứt điểm vi phạm?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Theo quan điểm của tôi, trường hợp này cần áp dụng chế tài mạnh hơn. Việc xử lý hành chính gần như không hiệu quả, chị ta vẫn phớt lờ, bỏ ngoài tai mọi khuyến cáo, mọi nhắc nhở của lực lượng chức năng. Câu chuyện ở đây là vấn đề ý thức chứ không còn là nhận thức nữa, do đó cần xử lý hình sự nếu xét thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Nếu có hành vi làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị xử lý trách nhiệm về hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người vi phạm có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 12 năm tù.
Nếu người này có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành Tội chống người thi hành công vụ, thì người vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người vi phạm có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 07 năm tù.
PV: Nếu tiếp tục gặp phải những trường hợp cố tình vi phạm như “cô gái quận 4”, ông có thể “mách nước” cho lực lượng kiểm soát dịch nên xử lý ra sao?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Đối với những trường hợp tỏ thái độ thách thức, cố tình vi phạm các quy định phòng chống dịch, chống đối, cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ thì cần mời về trụ sở làm việc. Nếu hành vi chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể tạm giữ phương tiện vi phạm, xử phạt hành chính theo quy định pháp luật. Đối với hành vi ngang tàng, chống đối, cố tình vi phạm, nếu đủ căn cứ xử lý hình sự thì cần thiết phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can…
Chúng ta không thiếu gì chế tài để ngăn chặn, răn đe, giáo dục, xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật. Không thể để cho một con người có quyền đứng trên luật pháp như thế!
Luật gia Nguyễn Thanh Tú (Hòa Bình): Ngoài việc áp dụng chế tài mạnh tay hơn để xử lý người phụ nữ cố tình chống đối, vi phạm pháp luật thì người nhà của cô này cũng cần phải có sự quan tâm, giám sát hơn nữa. Nếu trong trường hợp cô N.T.N thực sự có vấn đề về tâm lý (có dấu hiệu trầm cảm do chuyện tình cảm như thông tin người nhà cô N. cung cấp) thì cần phải đưa đi chữa trị, có sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt, không nên để người này tùy tiện ra ngoài trong thời điểm “nóng” như hiện nay, nhằm tránh lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, người nhà cô N. cần phân tích, phổ biến, thường xuyên nhắc nhở các quy định về phòng chống dịch; đặc biệt, không để cô N. dẫn theo con nhỏ ra ngoài; tránh để lại những ấn tượng xấu trong tâm trí trẻ nhỏ và cũng nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch.