Hệ thống trữ nước và xử lý nước sạch tại Nhà máy nước Tân Hiệp, huyện Hóc Môn được kiểm tra nghiêm ngặt từng giờ - Ảnh: L.PHAN
Trước diễn biến tình trạng biến đổi khí hậu, nhiều chuyên gia cấp nước từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Bangladesh, Israel… bày tỏ sự lo lắng về sự suy giảm nguồn nước sạch thời gian tới trong Hội thảo trực tuyến đối tác ngành nước châu Á tháng 8-2021.
Với kinh nghiệm của mình, ngành cấp nước TP.HCM đã đề xuất một số giải pháp ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch, đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân.
Suy thoái nguồn nước sạch
Cùng với cuộc khủng hoảng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 hơn một năm qua, nhiều nước trên thế giới cũng đang đối mặt với không ít khó khăn khi thiếu hụt nguồn nước sạch. Điển hình có thể kể đến Mỹ, quốc gia đang lâm vào hạn hán trầm trọng trong mùa hè 2021.
Trước diễn biến khó lường của thiên tai, đại diện các quốc gia, vùng lãnh thổ bày tỏ quan ngại về vấn đề suy giảm nguồn nước sạch.
Trong tình hình hạn hán kéo dài từ năm 2020 tại Đài Loan (Trung Quốc), công ty cấp nước tại đây cho biết tình trạng mưa ít với lượng mưa cực thấp khiến lãnh thổ này gặp khó khăn rất lớn trong việc trữ nước, dự phòng nước sạch để cấp cho người dân.
Ngành cấp nước Đài Loan (Trung Quốc) phải đưa ra những giải pháp tích trữ nước, tìm nguồn nước và cấp nước cấp bách để đảm bảo người dân có nước sạch sử dụng hằng ngày.
Còn tại Singapore, đất nước này phải chuẩn bị cho nhiều phương án duy trì nước sạch sinh hoạt và hoạt động công nghiệp trong hoàn cảnh dân số tăng nhanh và nguồn lực chỉ có giới hạn. Quốc gia này cũng tính tới chuyện biến nước biển thành nước ngọt khi giới thiệu nhà máy nước sử dụng nước biển, làm sạch để tạo ra nước ngọt cho người dân sử dụng.
Riêng tại TP.HCM, nhiều chuyên gia nhận định nguồn nước sạch đứng trước ba nguy cơ đe dọa lớn là xâm nhập mặn, ngập lụt và ô nhiễm xả thải. Cộng thêm nỗi lo xa hơn với ngành cấp nước thành phố là biến đổi khí hậu gây lượng mưa không đều dẫn tới thiếu hụt nguồn nước. Đây cũng là vấn đề mà thành phố Bangkok (Thái Lan) đang gặp phải.
Ngoài ra tại khu vực trung tâm TP.HCM, nguồn dự trữ nước ngầm cũng đang bị sụt giảm do quá trình khai thác quá mức kéo dài trong thời gian dài trước đây.
Xây hồ trữ nước
Đánh giá về tình hình cung cấp nước sạch tại TP.HCM thời gian tới, ông Trần Kim Thạch - trưởng phòng quản lý chất lượng nước Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) - đánh giá chất lượng nước có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu xảy ra tình trạng bão lụt, hạn hán bất thường hay những yếu tố ô nhiễm từ môi trường.
Ông Thạch cũng đưa ra các giải pháp ngắn hạn như điều phối nguồn cấp nước, điều chỉnh nhịp nhàng với nước từ hồ chứa để đảm bảo quá trình cấp nước không bị gián đoạn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về các phương án cụ thể, ông Thạch cho biết ngành cấp nước TP.HCM luôn có liên hệ chặt chẽ với hai hồ chứa đầu nguồn sông Sài Gòn (hồ Dầu Tiếng) và sông Đồng Nai (hồ Trị An).
Hằng ngày các bên đều thông báo cho nhau số liệu về chất lượng nước hiện hữu của dòng sông. Khi có sự cố hoặc phát sinh nguồn ô nhiễm trên dòng sông phía đầu nguồn sẽ mở tăng lưu lượng xả, giúp làm loãng và rửa trôi được ô nhiễm trên dòng sông.
Ngoài ra, trong quy hoạch cấp nước, ngành cấp nước TP đã trình phương án xây dựng hồ chứa với dung tích 5 triệu m3, có thể cung cấp nước sạch cho người dân TP.HCM trong vòng 7 ngày. Trong thời gian này sẽ phối hợp xử lý các sự cố ô nhiễm phát sinh (nếu có) trên dòng sông.
Dự kiến hồ chứa nước này được xây dựng cách ngã ba sông Sài Gòn và sông Thị Tính 1km về phía thượng nguồn để tránh ô nhiễm, xâm nhập mặn.
Tham khảo thêm giải pháp từ các nước
Các giải pháp về hạn chế khai thác nước ngầm cũng được TP.HCM chú trọng, bởi đây là nguồn dự trữ nước chiến lược cần được bảo vệ.
Ông Nguyễn Văn Đắng, phó tổng giám đốc Sawaco, cho biết thêm: "Chúng tôi biết biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và khối lượng nước sạch trong tương lai. TP.HCM cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ những biến đổi này.
Chính vì vậy, chúng tôi luôn quan tâm tham gia và tìm kiếm các giải pháp từ nhiều nước bạn, trong các tình huống cụ thể tương tự TP.HCM. Họ có thể giới thiệu, gợi ý và tư vấn các giải pháp tốt để chúng ta ứng phó với từng hoàn cảnh và ngược lại".
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tất cả hoạt động của ngành nước thành phố tập trung cho mục tiêu đảm bảo nguồn nước sạch cấp an toàn, liên tục ổn định cho người dân, đặc biệt là các địa điểm được sử dụng làm nơi phòng chống COVID-19.
Xem thêm: mth.72294712220901202-3m-ueirt-5-oh-yax-mchpt-hcas-coun-ueiht-gnohp-ed/nv.ertiout