Có một TPHCM linh hoạt đến gây xúc động. Trong bối cảnh giãn cách “ai ở đâu ở yên đó”, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ không chịu “ngồi chơi xơi nước”, mà ngược lại tìm đủ cách cung ứng hàng hóa thiết yếu, rau củ cho người dân.
Shop điện thoại bán rau củ, bưu điện bán thực phẩm
Chưa bao giờ, doanh nghiệp ở TPHCM có một sự thay đổi “lạ” đến vậy, từ mức độ nhỏ cho tới lớn.
Những ngày đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 có tăng cường trên địa bàn TPHCM vào trung tuần tháng 7, đi qua một cửa hàng tạp hóa nhỏ thuộc Phường 6, Quận 4 không khó để nhận ra trên mặt quầy kính của cửa hàng bày những mớ rau củ quả.
Khách đến đứng bên ngoài cách quầy khoảng 2m được ngăn cách bởi một đường dây, mua gì cứ cho biết, ông chủ quầy trạc tuổi trung niên sẽ lần lượt mang ra và thu tiền.
Cũng trong khoảng thời gian trên, ông chủ Nguyễn Ngọc Đạt phải ngừng hoạt động kinh doanh chuỗi siêu thị Di Động Việt theo quyết định giãn cách xã hội của thành phố. Nhưng thay vì ngồi nhà nghỉ ngơi ông lại “sinh chuyện” cùng với đối tác mở cửa hàng Foodshare bán thực phẩm đồng giá bình ổn.
Đường đường là giám đốc chuỗi bán điện thoại với vài chục siêu thị, những ngày bán hàng cho Foodshare ông Đạt thậm chí còn trực tiếp lặt rau, đi giao hàng…
Không chỉ các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân mà cả doanh nghiệp nhà nước đầu ngành cũng tham gia giải cơn khát rau xanh, củ, quả cho người dân.
Trong đợt cao điểm khan hiếm những mặt hàng này trên thị trường TPHCM, 2 doanh nghiệp đầu ngành bưu điện là VNPost và Viettel Post đã triển khai hàng chục điểm bán thực phẩm, rau củ tại các bưu cục quận, huyện.
Cùng hưởng ứng, một số doanh nghiệp vận tải hành khách, vận chuyển hàng hóa cũng đưa phương tiện vào tham gia bán rau xanh, thực phẩm lưu động đến từng khu vực dân cư.
Người dân gặp khó, doanh nghiệp “ló cái khôn”
Một thành phố hơn 10 triệu dân, đùng một cái hàng loạt chợ đóng cửa vì dịch bệnh, các chuỗi siêu thị thì người đông chật vừa phải chờ lâu vừa có nguy cơ cao lây lan dịch, cần đến rất nhiều sự chung tay của các chuỗi nhỏ, và cả những hệ thống không thuộc ngành bán lẻ thực phẩm.
Nhà sáng lập kiêm CEO Vua Cua Food Đoàn Thị Anh Thư cho biết, Vua Cua ngay từ tháng 6.2021 đã mở bán online thêm một số mặt hàng rau xanh, củ, quả để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh giãn cách.
“Tuy nhiên, chúng tôi chỉ xem đây là một dịch vụ gia tăng, tiện ích phục vụ thêm hỗ trợ khách hàng trong những ngày này chứ đó không phải là ngành hàng cốt lõi của Vua Cua”, Anh Thư cho biết.
Chị Hằng ở một chung cư trên đường Bến Vân Đồn (Quận 4) trong những ngày qua đã chia sẻ link mua hàng online cho những cư dân trong group có nhu cầu mua rau xanh, củ, quả từ chuỗi DaLat Hasfarm Flowers.
DaLat Hasfarm Flowers là một thương hiệu cung cấp hoa tươi uy tín hàng đầu ở phía nam. Nhưng trong giãn cách, nhu cầu hương hoa tạm gác lại, cho nên chuỗi này chuyển sang bán rau xanh, củ, quả được chị Hằng đánh giá là “tươi ngon giao tới tận nơi”.
“Buôn có bạn, bán có phường”, một thương hiệu khác trong thị trường cung cấp hoa tươi là Hoa Yêu Thương cũng chuyển sang cung ứng rau xanh, củ, quả trong bối cảnh thị trường giãn cách. Chị Huỳnh ở chung cứ Millennium (Quận 4) từng mua hàng từ hệ thống này cho biết, phí ship cũng tùy thời điểm, dạo chị mua chỉ phải tốn 20.000 đồng phí vận chuyển.
Khoan hãy bàn chuyện doanh nghiệp “xoay chuyển” sang bán rau xanh, củ, quả thì lời lỗ ra sao. Bởi trong bối cảnh giãn cách người người phải ở yên trong nhà, việc tìm ra được điểm mua hàng hóa thiết yếu và thực phẩm, rau xanh, củ, quả tươi ngon giao đến tận nơi kịp thời đã là một thành công.
Về phía doanh nghiệp, sự linh hoạt đó đã giúp giải phần nào cơn khát nhu cầu thực phẩm, rau xanh, củ, quả của người dân.