Nửa đầu năm 2021, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả kinh tế tích cực. Cụ thể, nền kinh tế ghi nhận tốc độ tăng trưởng 4,65% quý I và 6,61% quý II/2021 so với cùng kỳ năm trước, cho dù hai đợt dịch Covid-19 bùng phát buộc phải áp dụng những biện pháp hạn chế nhằm kiềm soát đại dịch.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam, 2017–2021. Dữ liệu: TCTK
Đợt bùng phát đầu tiên rơi vào khoảng tháng 1-2, nhưng được kiểm soát tương đối nhanh chóng. Làn sóng dịch thứ hai bắt đầu từ cuối tháng 4, và là đợt lây lan dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.
Việc phải áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại mạnh tay hơn khiến cho chỉ số đi lại giảm mạnh và chỉ số về mức độ nghiêm ngặt của Chính phủ tăng cao, đến cuối tháng 7 đã quay lại gần sát mức được ghi nhận trong đợt cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc vào tháng 4/2020.
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây nhận xét rằng, con số tăng trưởng tổng gộp vững chắc của cả nền kinh tế trong nửa đầu năm 2021 che đi kết quả chưa đồng đều giữa các ngành. Hiện tại, động lực tăng trưởng chính là khu công nghiệp và xây dựng (đóng góp khoảng 53,2% cho tăng trưởng GDP), tiếp theo là khu dịch vụ (30,7%), và nông nghiệp (7,6%).
Xu hướng đi lại và chỉ số mức độ chặt chẽ. Nguồn: Thế giới của chúng ta bằng dữ liệu và dữ liệu đi lại của cộng đồng trên Google
Đầu tiên là công nghiệp và xây dựng, tăng trưởng khu vực này đã quay lại tốc độ trước đại dịch, bằng khoảng 8%, nhờ các hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo mở rộng.
Tiếp theo là nông nghiệp. Đây là khu vực bị ảnh hưởng tương đối ít bởi đại dịch, cũng ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 3,85%, nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi và dịch tả lợn châu Phi đã chấm dứt.
Dịch vụ vẫn là khu vực phục hồi chậm hơn, một phần do nhạy cảm với các biện pháp đóng cửa trường học và hạn chế đi lại trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 1-2 và tháng 4. Tốc độ tăng trưởng khu vực này chỉ đạt 4,0%, bằng khoảng 60% tốc độ tăng trưởng ghi nhận nửa đầu năm 2019.
Cuối cùng là hoạt động trong các ngành bán lẻ, giải trí và vận tải. Đây là khu vực bị suy giảm nhiều nhất. Đóng cửa biên giới với hầu hết khách quốc tế (giảm 97,6%) cũng góp phần dẫn đến suy thoái sâu trong ngành du lịch và vận tải.
Đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo ngành. Nguồn: TCTK và tính toán của WB.
Đóng góp cho tăng trưởng GDP theo chi tiêu. Nguồn: TCTK và tính toán của WB.
Tác động của việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội có thể nhìn thấy rõ qua những con số. Kể từ cuối tháng 4/2021, các hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ đều giảm mạnh. Trong tháng 7/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 19,8% (so cùng kỳ năm trước), là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020.
Theo đó, nhiều tổ chức vừa qua cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay. Cụ thể, WB đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 giảm còn 4,8%. Dự báo này thấp hơn 2 điểm phần trăm so với dự báo WB đưa ra vào tháng 12/2020.
Hay như Standard Chartered cũng hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống 4,7% năm 2021. Dragon Capital hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống mức 3,7%. Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo GDP Việt Nam hạ xuống còn 4%.
Như vậy, nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không, theo ông Rahul Kitchlu, quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, điều này vẫn còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay. Về lâu dài, giới chuyên gia cho rằng chiến lược phòng chống dịch Covid-19 phải đi kèm chiến lược hậu cần - logistics một cách thống nhất, bởi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ ngày càng nặng nề hơn.
Anh Vũ
Doanh nghiệp & Tiếp thị