Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, diễn đàn Đầu tư và Kinh doanh ASEAN là diễn đàn quan trọng nằm trong chuỗi các chương trình kết nối cộng đồng kinh doanh trong khu vực ASEAN do ASEAN – BAC chủ trì. Năm nay, diễn đàn sẽ tập trung hỗ trợ thúc đẩy 03 ưu tiên chính của Brunei trong năm Chủ tịch ASEAN 2021, đó là: Phục hồi, Số hóa và Bền vững.
Diễn đàn bao gồm 02 phiên thảo luận về chủ đề (i) Fintech cho một ASEAN toàn diện và bền vững và (ii) Vai trò của giáo dục tài chính trong sự phát triển kinh tế của ASEAN. Ông Dato Dr. Mohd Amin Liew Abdullah, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Kinh tế II của Brunei đã có bài phát biểu khai mạc tại Diễn đàn.
Tại phiên thảo luận thứ nhất, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chia sẻ về vai trò của Fintech đối với phát triển bền vững và toàn diện trong khu vực ASEAN và một số kinh nghiệm của Việt Nam. Đại dịch Covid - 19 đã và đang tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu cũng như khu vực Đông Nam Á trong suốt gần 02 năm qua, gây áp lực cho nền kinh tế toàn cầu, không chỉ là mối đe dọa đối với sức khỏe và phúc lợi của con người mà còn làm gián đoạn hoạt động của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch đã thúc đẩy đổi mới công nghệ, sáng tạo, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ tài chính, kỹ thuật số để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, khả năng chống chịu đối với rủi ro của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ tài chính đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, bởi trong dài hạn, Fintech có thể giúp người dân và doanh nghiệp duy trì và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngay cả khi lệnh phong tỏa được ban hành, hỗ trợ các doanh nghiệp mở cửa trở lại trong “trạng thái bình thường mới” và xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn do thói quen, tâm lý, hành vi người tiêu dùng đã được thay đổi cũng như sự phát triển của các giải pháp Fintech đổi mới sáng tạo giúp thanh toán thuận tiện, thúc đẩy mua bán hàng hóa, dịch vụ; giảm chi phí giao dịch; các giải pháp Fintech về tín dụng góp phần rút ngắn thời gian xét duyệt cấp vốn và bơm vốn vào nền kinh tế… Do vậy, Fintech có tiềm năng lớn trong việc giải quyết các thách thức, trở ngại do đại dịch gây ra, đồng thời cũng là cơ hội cho các tổ chức tài chính truyền thống tại ASEAN tăng tốc chuyển đổi số, rút ngắn đáng kể lộ trình số hóa hoạt động ngân hàng.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Diễn đàn
Không chỉ hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế như nêu trên, Fintech còn đóng vai trò quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế một cách bền vững. Fintech sẽ mở ra những cơ hội mới cho các nền kinh tế trên thế giới nói chung và nền kinh tế ASEAN nói riêng vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường thông qua thúc đẩy tăng trưởng xanh. Fintech có thể hỗ trợ trong việc cung cấp các dữ liệu và công cụ chất lượng để giúp các tổ chức và cá nhân đưa ra các quyết định tối ưu nhất về đầu tư Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Như đã cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2020, Việt Nam đang nỗ lực trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư kinh doanh khu vực và toàn cầu để cùng hợp tác, cùng thành công và sẽ hợp tác cùng các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác của ASEAN để tiếp tục có những chương trình hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt là trong những lĩnh vực chuyển đổi số; môi trường, xã hội và quản trị (ESG); công nghệ và tương lai việc làm trong khu vực; phát triển bền vững và bao trùm.
Nhận thức được tầm quan trọng của Fintech và công nghệ số, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Việt Nam đã xác định một trong những mục tiêu của Chiến lược là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp. Tại Việt Nam, Fintech đã có sự phát triển nhanh chóng trong thời gian qua, đặc biệt từ khi bùng phát dịch Covid-19, qua đó góp phần đáng kể vào việc tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho người dân và giải quyết phần nào những khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19.
Bài phát biểu của Phó Thống đốc là cơ sở cho phần thảo luận tiếp theo được chủ trì bởi ông Jonathan Wong, Giám đốc Công nghệ & Sáng tạo, Ủy hội Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc (UNESCAP). Ngoài ra, tại phiên thảo luận số hai, ông Ahmaddin Abd Rahman, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Brunei có bài phát biểu về vai trò của giáo dục tài chính trong phát triển kinh tế của ASEAN làm tiền đề cho các diễn giả tham gia thảo luận về phương pháp cải thiện giáo dục tài chính (bao gồm tài chính kỹ thuật số) và vai trò của Chính phủ cũng như khu vực tư nhân trong vấn đề này.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng cảm ơn ASEAN – BAC đã gửi lời mời NHNN tham dự và phát biểu tại Diễn đàn và chia sẻ đây là cơ hội quý giá để NHNN tham gia thảo luận và lắng nghe các chia sẻ, khuyến nghị của các chuyên gia, các nhà quản lý và các học giả có uy tín về Fintech và hiểu biết tài chính đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của khu vực.
HTQT
Ảnh MT
Xem thêm: 283564VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www