Thiên thần lớn, thiên thần nhỏ ở quanh ta đó thôi
Họa sĩ Trần Trung Lĩnh
Với “vũ khí” là chiếc iPad, Lĩnh vẽ hiện thực về Sài Gòn “những điều dễ cưng”, vẽ những thiên thần bác sĩ, vẽ “bánh mì Sài Gòn đặc biệt yêu thương”, vẽ những chuyến hành hương có một không hai của những em thơ theo cha mẹ tìm đường thoát dịch, vẽ những người hùng giữa đời thường, vẽ những điều ngọt ngào của tình thân trong nghèo khó như một liều thuốc bổ dưỡng cho tâm hồn con người trong những ngày ai nấy đều cảm một nỗi bơ vơ bởi hiện tại khắc nghiệt và tương lai khó đoán định...
Những gì anh vẽ đều là những câu chuyện, hình ảnh xúc động có thật, được lan truyền rộng rãi.
Lĩnh hăm hở vẽ “những điều dễ cưng” của Sài Gòn đã trở thành “phẩm cách” đặc trưng của thành phố được tiếng bao dung, nghĩa tình này như chợ 0 đồng, bình trà đá miễn phí đặt ngoài đường, những bàn cơm hộp mời người đi đường “ai cần cứ lấy”, những “trạm cứu hộ” giúp sửa chữa xe máy bị ngập nước cho bà con miễn phí...
Những tháng ngày đầu Sài Gòn “nằm bệnh”, những bức tranh vẽ rổ “bánh mì Sài Gòn đặc biệt yêu thương, bánh mì Sài Gòn 0 đồng một ổ” của Lĩnh được người người truyền tới nhau trên mạng xã hội để trợ lực cho nhau bằng bao nỗi cảm động.
“Sài Gòn mà, hễ khó thì có người chìa tay” - Lĩnh không giấu niềm tự hào khi nói về thành phố anh đã sống 26 năm và coi như quê hương mình.
Lĩnh cũng không quên “cúi đầu cảm tạ” những người anh hùng như các bác sĩ đang căng mình trong từng phút giây để giành lại sự sống cho các bệnh nhân.
Hay đó là những “người hùng” giản dị, đời thường như chị Trần Huệ - người phụ nữ lao động ở Bình Thuận mang dép lê đi phát tiền giúp những người từ Sài Gòn về quê lánh dịch.
Với Quyền Linh, Trần Trung Lĩnh cũng dành rất nhiều vị nể. Bức họa người nghệ sĩ với dáng đứng, nét mặt hơi chân quê, “rất miền Nam, cứ lặng thinh làm đúng việc cần làm” cùng với lời dẫn “Lúc nào khó cũng thấy anh” khiến ai trông vào cũng khởi lên niềm cảm động và yêu thương.
Lĩnh vẽ những thân phận mong manh giữa tâm dịch phải hứng chịu những thử thách rất lớn. Đó là những ngoại ta nghèo khó lăn lóc sống qua dịch bệnh, những người cha vừa ôm con trên dặm đường thiên lý về quê vừa thầm muốn xin lỗi con thơ vì những đọa đày trên đường con phải chịu cùng cha mẹ.
Một tập hợp những bức tranh với chủ đề “Trong gian khó có điều ngọt ngào” có thể khiến “tan chảy” mọi trái tim bởi những hình ảnh yêu thương gia đình rất cảm động như ông bố đạp xe thồ trên dặm đường mưu sinh, lưng địu theo đứa con nhỏ đang say ngủ, hay cảnh ông bố nghèo loay hoay buộc tóc cho con gái nhỏ bên chiếc xe xích lô, khoảnh khắc vui đùa yêu thương của hai bà cháu lang thang ở Vàm Cống...
Những câu chuyện cảm động này từng khiến Trần Trung Lĩnh thổn thức rất lâu khi bắt gặp, nay giữa lúc khốn khó khi dịch bệnh không buông tha một ai, anh muốn vẽ lại những ngọt ngào ấy như một “liều thuốc cho trái tim” cho tất cả mọi người.
Trong khốn khó có điều ngọt ngào
Trong khốn khó có điều ngọt ngào
Trong khốn khó có điều ngọt ngào
Xin cúi đầu cảm tạ những người hùng - Trần Huệ
Sài Gòn những điều dễ cưng - Chợ 0 đồng
Sài Gòn mà, hễ khó thì có người chìa tay
Lúc nào khó cũng thấy có anh
Trong khốn khó có điều ngọt ngào
Cơm hộp ai cần cứ lấy - Sài Gòn dìu nhau qua hoạn nạn
Cho bố ngàn lần xin lỗi nhé con ơi
Bao nhiêu là đủ
Họa sĩ Thăng Fly
Thăng Fly bắt đầu vẽ tranh, truyện tranh cổ vũ công tác phòng chống dịch COVID-19 từ năm 2020. Trong đợt dịch bùng phát lần 4, Thăng có nhiều thời gian hơn và hầu như ngày nào anh cũng vẽ.
“Thăng trân trọng ý tưởng, sự gửi gắm của người hâm mộ, các bác sĩ, công an, tình nguyện viên ở tuyến đầu gửi hình, câu chuyện về Fanpage Thăng Fly Comics.
Mình nhận hơn 10 tin nhắn yêu cầu vẽ mỗi ngày, có hôm lên đến 30 tin nhắn. Lời cảm ơn bằng tranh mình vẽ cũng chỉ góp một phần nhỏ, công sức các y bác sĩ, lực lượng tình nguyện viên bảo vệ sức khỏe cộng đồng cảm ơn không biết bao nhiêu là đủ” - Thăng Fly cho biết.
HOÀI PHƯƠNG ghi
Họa sĩ Anbecks
Cảm phục vô cùng
Tháng 2-2020, khi Việt Nam lần đầu tiên chữa trị thành công cho các bệnh nhân COVID-19 là thời điểm Anbecks vẽ bức tranh đầu tiên cổ vũ các bác sĩ chống dịch.
Anbecks chia sẻ với Tuổi Trẻ: “Khi nghe thông tin các bác sĩ chữa trị thành công, mình cảm thấy vui mừng và tự hào, xen lẫn xúc động, đó chính là những cảm xúc để mình sáng tác.
Mình cảm thấy thương và cảm phục họ vô cùng, những người anh hùng đã không quản gian khổ, nguy hiểm tính mạng để giữ cho đất nước được bình an”.
HOÀI PHƯƠNG ghi
Thông điệp ý nghĩa
Họa sĩ Minh Hải
Minh Hải được nhiều người biết đến là họa sĩ vẽ tranh bìa cho sách nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Mạc Can, Dương Thụy hay Sơn Nam... “Trong thời điểm này mỗi người đều làm hết sức, hết khả năng của mình.
Bác sĩ dùng trình độ, chuyên môn lao vào chống dịch. Còn họa sĩ dùng nét cọ của mình vẽ tranh ủng hộ, khích lệ tinh thần mọi người, góp công sức nhỏ bé” - Minh Hải chia sẻ.
HOÀI PHƯƠNG ghi
TTO - Bộ tranh phong cảnh và ký họa sinh hoạt, tình cảm của người dân Sài Gòn trong những ngày giãn cách vì đại dịch đang được họa sĩ Lê Sa Long thực hiện như một cách tri ân thành phố của bao dung, của tình người hào hiệp.