Trong bài phát biểu qua video gửi tới Hội nghị Thương mại dịch vụ toàn cầu 2021, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển theo định hướng đổi mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách thành lập Sở giao dịch chứng khoán Bắc Kinh, làm địa điểm chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng đổi mới”.
Ông Tập không cho biết cụ thể khi nào sàn giao dịch sẽ được thành lập.
Việc thành lập một sàn giao dịch chứng khoán mới ở Bắc Kinh sẽ mang lại cho trung tâm chính trị của quốc gia này nhiều ảnh hưởng hơn trên thị trường tài chính.
Hiện tại, Trung Quốc đại lục đã có hai sở giao dịch chứng khoán ở Thượng Hải và Thâm Quyến, cách xa Bắc Kinh.
Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, được thành lập vào năm 1990, là nơi tập trung hầu hết các công ty có vốn hóa lớn, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và các công ty năng lượng. Trong khi đó, Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến là nơi tập trung nhiều hơn của các công ty công nghệ, các công ty có quy mô nhỏ và vừa.
Ngoài ra còn có Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông, nhưng cơ chế hoạt động không giống như các Sở giao dịch ở Trung Quốc đại lục. Sàn này tuân theo các hệ thống luật pháp và quy định riêng mà không chịu sự kiểm soát vốn của Bắc Kinh.
Ngoài việc niêm yết trên các sàn chứng khoán trong nước, các công ty Trung Quốc cũng tích cực huy động vốn thông qua các đợt IPO (lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng) ở nước ngoài.
Chính sách kinh tế hướng đến các công ty vừa và nhỏ
Động thái này diễn ra trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc tăng cường áp lực với các công ty tư nhân lớn để kiềm chế quyền lực và ảnh hưởng của họ, dẫn đến xung đột với Mỹ. Cụ thể là khiến các công ty lớn phải đối mặt với nhiều rào cản về quy định khi họ cố gắng huy động vốn từ Hoa Kỳ. Trong khi đó, các cơ quan quản lý của Mỹ đã tăng cường giám sát các đợt IPO của Trung Quốc và yêu cầu phân tích kỹ lưỡng hơn về các rủi ro tiềm ẩn.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Tập đích thân tuyên bố sáng kiến về thị trường chứng khoán. Trước đó, vào năm 2018, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra căng thẳng, ông đã tuyên bố thành lập một ban tập trung vào công nghệ và khoa học cho các công ty khởi nghiệp trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Việc thành lập Thị trường STAR của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, chính thức được gọi là Ban Đổi mới Khoa học và Công nghệ của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, vào ngày 22/9/2019 nhằm mục đích thu hút đầu tư vào các công ty công nghệ cao và giúp nước này có được lợi thế trong cuộc cạnh tranh với phương Tây về công nghệ. Kể từ đó, hơn 300 công ty công nghệ đã niêm yết trên sàn, với tổng vốn hóa thị trường hơn 4,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (728 tỷ USD).
Chính phủ cũng từng thiết lập một hệ thống Thị trường giao dịch qua quầy Bắc Kinh vào năm 2013 để giao dịch cổ phiếu của các công ty không được niêm yết ở Thượng Hải hoặc Thâm Quyến. Đó là Sàn giao dịch và định giá cổ phần quốc gia (NEEQ), và được biết đến rộng rãi với cái tên "Sàn thứ ba mới" ở Trung Quốc. Tuy nhiên trong những năm gần đây, NEEQ phát triển tụt hậu so với thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến, quy mô đối diện với nguy cơ bị thu hẹp lại và tính thanh khoản thấp.
Nền tảng xây dựng Sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh
Vào hôm thứ Năm 2/9, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ cải tổ hệ thống Sàn giao dịch và định giá cổ phần quốc gia (NEEQ) ở Bắc Kinh. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), cơ quan quản lý chứng khoán quốc gia hàng đầu, sau đó đã giải thích rằng sàn giao dịch chứng khoán mới sẽ được xây dựng trên nền tảng của NEEQ. Các công ty được chọn từ NEEQ nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch Bắc Kinh.
CSRC cũng cho biết sàn giao dịch Bắc Kinh sẽ bổ sung cho các sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, tập trung vào việc phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hệ thống IPO dựa trên đăng ký mà Trung Quốc đã thí điểm ở Thượng Hải hai năm trước sẽ được áp dụng cho các công ty muốn niêm yết trên sàn giao dịch mới. Hệ thống này đòi hỏi các công ty phải công bố nhiều hơn nữa về hoạt động tài chính và đảm bảo an toàn cá nhân. Nó nhằm mục đích cải thiện tính minh bạch của thị trường và giảm bớt sự kéo tài trong quá trình xem xét quy định đối với các đợt IPO.
Phạm Thu Thanh (theo CNN)