Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã có mặt ở nhiều quốc gia và gây ra những thảm kịch nghiêm trọng. Theo trang Medical News Today, dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở các quốc gia Đông Nam Á đã tăng vọt kể từ tháng 7.
Trong bối cảnh lo ngại số ca tử vong tiếp tục tăng cao, các quốc gia trong khu vực đã nỗ lực tăng cường các biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Thái Lan
Dữ liệu từ Trung tâm nghiên cứu COVID-19 của ĐH Y Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Thái Lan tính đến hiện tại là 1% so với số tổng số ca nhiễm. Theo Bộ Y tế Công cộng Thái Lan, quốc gia này có thể giữ cho số ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày không quá 200 bằng việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, tờ The Bangkok Post đưa tin hôm 30-7.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: AP
Theo TS Opas Karnkawinpong - Tổng giám đốc Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan, tính toán mới nhất của Bộ Y tế cho thấy nếu không có các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, số ca mắc mới mỗi ngày sẽ vượt quá 40.000 ca trước ngày 14-9, và số ca tử vong mỗi ngày cũng sẽ vượt quá 500 ca trước ngày 28-9.
Theo trang East Asia Forum, các biện pháp hạn chế mà Thái Lan đã tăng cường thực hiện trong thời gian qua bao gồm áp đặt lệnh giới nghiêm và lệnh phong tỏa, yêu cầu người dân làm việc tại nhà, cấm tụ tập đông người, hạn chế đi lại, và đóng cửa trường học.
Nếu trong hai tháng, các biện pháp hạn chế có thể giúp giảm số ca mắc bệnh xuống khoảng 20-25%, thì vào khoảng tháng 10 và 11, số ca mắc mới mỗi ngày sẽ giảm xuống khoảng hơn 20.000 và số ca tử vong sẽ đạt đỉnh ở mức dưới 400 vào giữa tháng 11.
Các con số này sẽ tiếp tục giảm nếu chính phủ tăng cường tiêm chủng cho người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh mãn tính. Ngày 26-8, Thái Lan công bố kế hoạch tiêm vaccine cho 4 triệu trẻ em trước khi tái mở cửa trường học vào tháng 10.
TS Opas cho biết, trong kịch bản này, số ca tử vong hàng ngày sẽ vẫn trên 100 nhưng giảm dần, đồng thời nhấn mạnh “sự hợp tác của cộng đồng là chìa khóa”, kêu gọi người dân mang khẩu trang và tuân thủ giãn cách xã hội.
Singapore
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết, trong trường hợp mở cửa lại nền kinh tế, người dân Singapore nên chuẩn bị tâm lý cho viễn cảnh số ca tử vong vì COVID-19 có thể gia tăng. Ông Alex Cook - chuyên gia tại ĐH Quốc gia Singapore - cho biết nước này có thể đối mặt với nguy cơ có 1.000 ca tử vong trong một hoặc hai năm tới nếu tỉ lệ tiêm chủng ở nhóm người cao tuổi không được đẩy mạnh, hãng Reuters đưa tin hôm 17-8.
Để hạn chế các ca mắc mới và ca tử vong, chính phủ Singapore đã xúc tiến chiến dịch tiêm chủng của mình. Theo tờ The Straits Times, tính đến ngày 28-8, tình trạng tiêm chủng của đảo quốc Sư tử đã vượt qua cột mốc mới với hơn 80% dân số Singapore được tiêm chủng đầy đủ. Bộ trưởng Ong Ye Kung cho biết nước này đã có bước tiến trong việc khiến cho người dân trở nên “kiên cường hơn đối với COVID-19”.
Trước đó, từ ngày 22-7, do lo ngại số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 có thể tăng cao, chính phủ Singapore đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như cấm các hoạt động ăn uống tại nhà hàng, bắt buộc đeo khẩu trang, và cấm tập trung trên 2 người. Tuy nhiên, sau khi đạt được những thành tựu về tiêm chủng, nước này đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, đồng thời bắt đầu gửi đến từng hộ gia đình bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19 tại nhà.
Lào
Với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho toàn bộ người dân, Lào đã trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong thấp nhất Đông Nam Á khi chỉ có khoảng 0,1% ca tử vong so với tổng số ca mắc bệnh. Theo dữ liệu từ CSIS, tính đến hiện tại, khoảng 22,3% dân số Lào đã được tiêm chủng đầy đủ.
Bên cạnh việc xúc tiến chiến dịch tiêm chủng, Lực lượng đặc nhiệm Quốc gia Lào về Kiểm soát và Phòng ngừa đại dịch COVID-19 cũng kêu gọi người dân nên tuân thủ các biện pháp hạn chế nhằm tránh nguy cơ xảy ra làn sóng dịch thứ ba tại Lào, tờ Laotian Times đưa tin.
Quan chức Bộ Y tế Lào, TS Lattanaxay Phetsouvanh cho biết nhiều người dân hiện vẫn tổ chức các buổi tiệc có nhiều người tham gia khiến quốc gia này đối mặt với nguy cơ lớn xảy ra đợt bùng dịch mới, đồng thời ông khuyến cáo người dân hạn chế tập trung đông người và ở nhà càng nhiều càng tốt.
Ngày 30-8, chính quyền thủ đô Vientiean đã áp lệnh giới nghiêm và ban hành hạn chế bổ sung đối với việc di chuyển. Ngày 31-8, nước này ra lệnh tiếp tục gia hạn các biện pháp hạn chế đến ngày 15-9, nhằm phòng chống và kiểm soát đại dịch.
Malaysia
Để giảm thiểu sự lây lan, và nguy cơ tử vong vì COVID-19, Malaysia đã áp đặt các biện pháp hạn chế vô cùng nghiêm ngặt. Kể từ ngày 27-6, giới chức Malaysia đã quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế cho đến “một ngày không xác định”.
Theo trang Garda World, các hạn chế trên sẽ bao gồm việc hạn chế các hoạt động kinh doanh và đi lại, đóng cửa trung tâm mua sắm (trừ siêu thị, cửa hàng thực phẩm và các cửa hàng chuyên bán các mặt hàng thiết yếu), chỉ một vài ngành được cho phép hoạt động như sản xuất hàng hóa thiết yếu và các hoạt động của chính phủ, các hoạt động nông nghiệp và các hoạt động an ninh.
Bên cạnh các biện pháp hạn chế, Malaysia cũng tăng cường các chiến dịch tiêm chủng. Theo tờ Malaymail, vào ngày 9-2, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết nước này có thể triển khai xét nghiệm toàn quốc. Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu người dân hãy thực hiện xét nghiệm tại nhà. Ngày 3-9, ông cũng đã thảo luận với Bộ trưởng Giáo dục Razdi Jidin về việc triển khai bắt buộc giáo viên tiêm chủng trước thềm tái mở cửa trường học.
Theo trang Our World in Data, tính đến ngày 2-9, có 48,3% dân số Malaysia đã được tiêm chủng đầy đủ. Theo kênh Channel News Asia, ông Khairy cho biết nước này có thể tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số và xem xét khả năng sống chung với đại dịch vào cuối tháng 10.
Tương tự như trên, các quốc gia như Campuchia, Brunei, Philippines cũng đang gấp rút đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng của mình nhằm hạn chế số ca mắc bệnh và nguy cơ tử vong. Tỉ lệ tiêm chủng của các quốc gia này, tính tới ngày 2-9, lần lượt là 52,1% 22,2% và 13,1%, theo Our World in Data.