vĐồng tin tức tài chính 365

Dòng vốn ngoại vẫn âm thầm chảy vào Việt Nam

2021-09-04 09:24

Nhận thấy thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng nên một số đại gia nước ngoài đang tìm cách đầu tư và khai thác, bất chấp tình hình dịch bệnh căng thẳng. Trong đó, một số ông lớn đã chi ra số vốn không nhỏ để mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn, mở rộng sản xuất… để giành chỗ đứng trên thị trường hàng trăm triệu dân này.

Dòng vốn ngoại vẫn âm thầm chảy vào Việt Nam - ảnh 1
VCM đang có mạng lưới cửa hàng rộng khắp với nền tảng hoạt động đa kênh phục vụ người dùng. Ảnh: PM

Đầu tư mạnh tay để tạo chỗ đứng ở Việt Nam

Bằng một loạt bước đi táo bạo, tập đoàn lớn thứ ba của Hàn Quốc là SK Group đang đặt cược lớn vào thị trường Việt Nam. Tập đoàn này chỉ đứng sau Samsung và Hyundai về doanh thu. Mới đây nhất, SK Group đã quyết định rót thêm 410 triệu USD để mua lại 16,26% cổ phần của VinCommerce (VCM).

Giải thích về khoản đầu tư vào VCM, ông Woncheol Park, Giám đốc SK South East Asia Investment, một công ty thành viên của SK Group, cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng to lớn của ngành bán lẻ tích hợp online - offline tại Việt Nam. Do đó, việc rót vốn vào VCM là một phần trong chiến lược đầu tư vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam”.

Thực tế, SK Group không xa lạ với thị trường nước ta. Nhiều năm trước, tập đoàn Hàn Quốc này đã rót tiền vào hai công ty hàng đầu của Việt Nam là Vingroup và Masan.

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nhận định các ông lớn Hàn Quốc chạy đua vào nước ta vì đây là thị trường tăng trưởng nhanh. Trong khi đó, nền kinh tế Hàn Quốc đang có mức độ tiêu dùng chậm lại do thị trường nội địa đã phát triển hết mức. Như vậy, với khoản đầu tư mới vào nước ta, SK Group kỳ vọng có được nhiều lợi thế để nắm bắt các cơ hội tiềm năng lớn trong tương lai.

“Tiềm năng lớn trong tương lai ở đây chính là xuất hiện tầng lớp dân số giàu có, chi tiêu mạnh tay hơn và một xã hội khá cởi mở về quá trình chuyển đổi số, thương mại điện tử (TMĐT). Ngoài ra, khi đầu tư vào nước ta, SK Group sẽ có lợi thế nhanh nắm bắt thị trường bán lẻ. Ví dụ, VCM đang có mạng lưới cửa hàng rộng khắp là nền tảng hoạt động đa kênh, một sự kết hợp giữa cửa hàng vật lý và trực tuyến” - ông Hải lý giải.

Không chỉ SK Group đầu tư mạnh mẽ để tạo dựng chỗ đứng tại Việt Nam mà nhiều ông lớn khác cũng mở rộng sản xuất. Đơn cử như hãng công nghệ Apple vẫn tiếp tục sản xuất lượng lớn tai nghe AirPods tại nước ta theo như kế hoạch đã đặt ra thay vì chuyển sang Trung Quốc.

Ông Annabelle Hsu, chuyên gia phân tích đến từ Công ty nghiên cứu IDC, cho rằng những trở ngại do dịch bệnh chỉ là tạm thời. Trên thực tế, khi dịch bệnh được kiểm soát thì dòng chảy của các tập đoàn đa quốc gia chuyển sản xuất sang nước ta vẫn tiếp tục.

Thúc đẩy công ty Việt vươn ra toàn cầu

Gần đây, Amazon đẩy nhanh quá trình đầu tư, đào tạo các doanh nghiệp Việt Nam nhằm hỗ trợ các thương nhân đưa hàng lên bán trên trang TMĐT này. Tất nhiên, Amazon có lý do để thực hiện điều này.

Đầu tiên là sức hấp dẫn của sản phẩm Việt Nam ngày càng tăng trên Amazon. Theo công ty này, số lượng các công ty Việt Nam bán trên trang thương mại Amazon có doanh số 1 triệu USD đã tăng gấp ba lần trong thời gian gần đây. Điều này nhờ vào các khách hàng phải ở nhà trong đại dịch đã tăng mua sắm trực tuyến. Những sản phẩm luôn có nhiều nhu cầu là đồ dùng nhà bếp, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng…

Amazon cũng cho biết người tiêu dùng Mỹ là một trong những khách hàng lớn của Việt Nam khi đặt rất nhiều hàng hóa “made in Vietnam”. Ông Gijae Seong, Giám đốc quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam, nói: “Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế mới nổi năng động. Chúng tôi mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy nhiều hơn nữa các công ty vươn ra toàn cầu”.

Bên cạnh Amazon, Alibaba của Trung Quốc và Shopee của Singapore cũng đang tìm cách đầu tư, o bế các công ty Việt bán trên sàn TMĐT của mình. Điển hình là họ thưởng tiền và các cam kết đem lại lợi nhuận ngay cho đối tác. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam trở nên tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với trước đây và yếu tố này khiến các ông lớn khó bỏ qua dù trong bối cảnh dịch bệnh.

Đầu tư, sáp nhập… sẽ sôi động trở lại

Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập (CMAC Institute) mới đây đã công bố báo cáo về triển vọng đầu tư trong năm nay. Theo đó, tình hình kinh tế toàn cầu thay đổi, cộng thêm những tác động của dịch COVID-19 làm cho các doanh nghiệp cũng như quỹ đầu tư phải điều chỉnh chiến lược. Họ xem xét thận trọng hơn các kế hoạch đầu tư, mua bán, sáp nhập... của mình.

Tuy nhiên, thị trường sẽ sôi động vì dịch bệnh sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư và công ty có tiềm lực tài chính tốt. Bởi lẽ khủng hoảng khiến nhiều đơn vị kinh doanh phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư, bán bớt một phần hoặc toàn bộ công ty con. Do vậy, dự báo giá trị riêng thị trường mua bán và sáp nhập năm nay sẽ ở mức 4,5-5 tỉ USD.

“Trong trường hợp các điều kiện thuận lợi về môi trường chính trị, môi trường kinh tế, cùng với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, sự dồn nén các cơ hội đầu tư giai đoạn 2019-2021 sẽ có thể được giải phóng vào thời điểm năm 2022. Thị trường có thể sẽ được chứng kiến sự hồi phục theo mô hình chữ V hoặc mô hình chim tung cánh. Dự báo giá trị mua bán và sáp nhập năm 2022 tại Việt Nam có thể đạt được mốc 7 tỉ USD” - cơ quan nghiên cứu trên nhận định.•

 

Giữ chân người mua

TS Đoàn Bảo Huy, ĐH RMIT Việt Nam, đánh giá đại dịch COVID-19 đem đến nhiều cơ hội để doanh nghiệp TMĐT bứt phá trong ngắn hạn. Một số đã khai thác triệt để ảnh hưởng của đại dịch để gia tăng nhận diện cho đơn vị mình.

Về lâu dài, để thành công trong kinh doanh TMĐT khi người tiêu dùng có nhiều lựa chọn như hiện nay, doanh nghiệp không thể chỉ tập trung vào tăng trưởng mà cần phải chú trọng vào cơ sở hạ tầng. Tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy trung bình phải mất 5-6 ngày sản phẩm mới được chuyển phát đến tay người mua, tốc độ giao dịch chậm thứ hai trong khu vực.

“Nhận thấy nhu cầu về tốc độ giao hàng nhanh chóng và kịp thời, các sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam đang chạy đua nước rút để cải thiện tốc độ giao hàng bằng nhiều chiến lược khác nhau về cơ sở hạ tầng giao hàng” - ông Huy nhìn nhận.

 

Xem thêm: lmth.1203101-man-teiv-oav-yahc-maht-ma-nav-iaogn-nov-gnod/et-hnik/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Dòng vốn ngoại vẫn âm thầm chảy vào Việt Nam”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools