Trong khoảng vài năm gần đây, phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đã lan vào tận các trường Đại học. Đã có rất nhiều nghi ngại về vấn đề này: liệu cổ vũ các sinh viên vẫn còn non nớt về kinh nghiệm làm việc và kinh nghiệm sống khởi nghiệp, là tốt hay xấu? Có khiến họ ảo tưởng rằng thế giới khởi nghiệp là màu hồng trong khi nó vốn là màu xám?
Cho đến thời điểm hiện tại, sau một vài năm phát động, chúng ta vẫn chưa biết nó đã tạo nên những thành quả/hậu quả gì, song nếu nhìn vào thị trường, chúng ta sẽ thấy thấp thoáng đâu đó vài ‘quả ngọt’. Tiêu biểu như dự án khởi nghiệp FuniMart của founder Nguyễn Minh Đức – đang là sinh viên năm cuối của trường Đại học Công nghệ Thông tin – thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.
Dù còn khá non trẻ, song vì FuniMart đã đạt được vài thành tựu nhất định trong kinh doanh, nên được nhiều tổ chức hỗ khởi nghiệp ghi nhận. Cuối năm 2020, họ nhận được 250 triệu tiền đầu tư khi tham gia chương trình "Ý tưởng khởi nghiệp - CiC 2020" trong Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP HCM (WHISE 2020), cũng như được ZoneStartups lựa chọn làm thành viên vườn ươm của họ. Mới nhất, FuniMart còn lọt vào danh sách 100 startup của Startup Wheel 2021.
Thoạt trông, mô hình của FuniMart khá giống Cuccu – startup đã thành công gọi vốn từ Shark Liên ở chương trình Shark Tank Việt Nam 2021; tuy nhiên, khi đào sâu chúng ta sẽ thấy chúng hoàn toàn khác biệt. FuniMart có 3 mảng kinh doanh không thể tách rời: nền tảng TMĐT phục vụ các cộng tác viên bán hàng, hệ thống Saas quản lý bán hàng cho doanh nghiệp và dịch vụ chuyển đổi số.
SAY MÊ KHỞI NGHIỆP TỪ NĂM ĐẦU ĐẠI HỌC, TRƯỞNG THÀNH QUA NHỮNG DỰ ÁN CỦA BAN THƯ KÝ SINH VIÊN
Theo chia sẻ từ Founder Nguyễn Minh Đức, anh khởi nghiệp từ những năm đầu Đại học, đầu tiên là với Student’s Life Care - mục tiêu giúp đỡ, giải quyết vấn đề của các bạn du học sinh; thứ hai là WedDev Studios – kiểu một câu lạc bộ về lập trình web ở trường đại học. WedDev Studios ngoài là nơi để các sinh viên có chỗ thực hành lý thuyết được trong nhà trường, còn giúp họ kiếm thêm thu nhập.
Tới FuniMart đã là startup thứ ba của Nguyễn Minh Đức và để có mô hình ‘kiềng 3 chân’ như hiện tại, anh và đội ngũ của mình cũng đã phải thay đổi 4 lần trong 6 tháng của năm 2019.
"Có lẽ cơ duyên với mảng startup của tôi bắt đầu từ việc tham gia Ban thư ký Hội sinh viên tại trường Đại học Công nghệ Thông tin. Vì là cán sự ở trường, tôi phải tích cực tham gia các hoạt động tập thể - như việc đứng ra thành lập các startup cộng đồng kiểu phi lợi nhuận như đã kể trên; đồng thời, những ngày hoạt động trong Ban thư ký còn cho tôi những kinh nghiệm quý báu về quản lý dòng tiền.
Ban thư ký Hội sinh viên thường phải đứng ra tổ chức các hoạt động cho trường hoặc cho sinh viên; để rèn luyện chúng tôi, trường đã quyết định khoán kinh phí, tức cho chúng tôi một lượng kinh phí nhất định và chúng tôi phải tự hoạch định sao cho hợp lý, ‘lời ăn, lỗ chịu’. Tất nhiên, với kinh nghiệm non kém, chúng tôi có lời có lỗ, nhưng những kinh nghiệm thu lại là vô giá.
Vậy nên, dù chỉ là sinh viên, song tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm về quản lý dự án, nhân sự và cả dòng tiền", founder GenZ bày tỏ với chúng tôi.
Với bệ phóng từ trường Đại học, cộng với việc sinh trưởng trong một gia đình kinh doanh gốc Hoa, đã cộng hưởng để Nguyễn Minh Đức thành lập FuniMart.
"Ở khía cạnh khác, tôi gốc Hoa và gia đình của tôi có một xưởng may khá lớn tại quận 12. Vậy nên, có lẽ máu kinh doanh đã ngấm vào người tôi lúc nào không biết, nên dù chỉ mới 18 – 20 tuổi, khi được trường Đại học giao nhiệm vụ, tôi không ngừng ngại nhận lấy và sẵn sàng dấn thân làm, kể cả khi chưa có bất cứ kinh nghiệm gì và không sợ hãi thất bại.
Sau đó, vì phần mình học trường công nghệ và phần là quản lý CLB lập trình của trường, nên tôi đã tự đứng ra viết một phần mềm quản lý bán hàng cho xưởng sản xuất của gia đình. Tiếp đó, gia đình lại giao cho tôi công việc quản lý kho và vì lười biếng, tôi lại tiếp tục viết một phần mềm quản lý kho để mình đỡ đụng tay chân.
Sau khi những phần mềm nói trên đã giúp ích cho công việc quản lý của gia đình tôi rất nhiều, thì những người quen trong cộng đồng kinh doanh gốc Hoa tới hỏi ba tôi ‘làm sao có’ và ‘đã mua ở đâu’ để họ cũng mua sử dụng. Trước cơ hội đó, tôi nảy ra việc thành lập một công ty phần mềm để phục vụ nhu cầu có thật này", Nguyễn Minh Đức hồi tưởng.
Team FuniMart lúc mới thành lập.
FuniMart đã nhận được 250 triệu tiền đầu tư khi tham gia chương trình "Ý tưởng khởi nghiệp - CiC 2020".
Tuy nhiên, đời không như là mơ! Rõ ràng anh khởi nghiệp từ nhu cầu thực tế của thị trường, song càng làm anh càng cảm thấy mình đã quá ngây thơ với câu chuyện khởi nghiệp. Để có thể phát triển sản phẩm và thị trường, anh đã thuê nhân viên dev và IT về làm việc cho mình và với những dự án lớn, anh còn thuê ngoài.
Sau thời gian hoạt động, anh phải thường xuyên bù lỗ cho công ty phần mềm FuniPOS, bởi cạnh tranh thị trường quá khốc liệt, tiền để trả lương nhân viên + thuê ngoài nhiều hơn lợi nhuận. Hơn nữa, các khách hàng kinh doanh hộ gia đình và siêu nhỏ, mỗi người có một yêu cầu riêng – buộc đội ngũ của anh phải rất tùy biến; hơn nữa vì các SMEs không có nhiều tiền, nên chỉ dùng 1 lần rồi thôi.
Thua keo này ta bày keo khác, cảm thấy làm chuyển đổi số không ăn thua, Nguyễn Minh Đức chuyển qua bán buôn – vì trong quá trình tiếp xúc với các xưởng may, anh cảm thấy bán buôn rất ổn. Hơn nữa, gia đình anh cũng đã tương đối thành công với ngành này. Ở năm 2 Đại học, anh đã hai lần nhập hàng về bán – với giá trị khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, anh đã không bán được hàng như kỳ vọng, lỗ ‘sặc gạch’.
"Kinh nghiệm mà tôi rút ra được từ ‘bài học 100 triệu’ này là: không nên nhập hàng với số lượng lớn về bán nếu không am hiểu thị trường và chưa có nguồn khách hàng ổn định, ‘đừng thấy người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào’.
Chắc ngoài kia, cũng có những người thất bại như mình và mình phải làm gì đó, để giúp những người muốn kiếm tiền bằng bán hàng online, không đi vào ‘vết xe đổ’ của bản thân. Vậy nên, tôi đã thành lập nên FuniMart, kết nối trực tiếp từ xưởng đến người bán hàng đầu cuối, bỏ qua khâu trung gian là nhà phân phối như bình thường", Nguyễn Minh Đức kể.
Vậy nên, sau nhiều lần bị thực tế ‘vả mặt', startup này phải liên tục điều chỉnh và tích hợp. Hiện FuniMart có 3 mảng kinh doanh chính: nền tảng TMĐT phục vụ các cộng tác viên bán hàng, hệ thống quản lý bán hàng cho doanh nghiệp và dịch vụ chuyển đổi số. Năm 2020, họ thu về khoảng 6 tỷ đồng từ 3 kênh doanh thu: tiền hoa hồng từ cộng tác viên, doanh thu hàng tháng từ hệ thống quản lý bán hàng và từ dịch vụ chuyển đổi số.
SỰ KHÁC BIỆT CỦA FUNIMART SO VỚI CÁC NỀN TẢNG BÁN HÀNG THÔNG QUA KÊNH CỘNG TÁC VIÊN KHÁC
Đầu tiên, như đã nói ở trên, sàn TMĐT FuniMart kết nối trực tiếp giữa các cộng tác viên (CTV) bán hàng và nhà sản xuất, nên cộng tác viên bán sỉ hay lẻ thì đều mua được hàng với giá rẻ - gần như tận gốc. Các cộng tác viên của FuniMart có thể bán hàng trên chính FuniMart, hoặc trên Shopee, Lazada, Facebook, Chợ Tốt…; phần giao hàng và tập hợp đơn hàng đã có FuniMart – đối tác nhà sản xuất lo.
Các đối tác của FuniMart sẽ tham gia hệ thống bán hàng chung (Saas) của sàn, sau đó nếu muốn chuyển đổi số ở các bộ phận khác, thì startup này cũng nhận xây lộ trình cho đối tác luôn.
FuniMart luôn tự hào là mình doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất cho tới thời điểm này có thể hỗ trợ các cộng tác viên của mình, dù họ bán hàng trên bất kỳ nền tảng bán hàng nào – cả các sàn TMĐT lẫn MXH. Với FuniMart, họ có khả năng quản lý từ 100 đơn hàng đến 1.000 đơn/hàng ngày, cho cộng tác viên hoặc doanh nghiệp.
Hiện tại, họ có khoảng 500 nguồn hàng trên sàn và những nguồn hàng này đã được nhân viên của FuniMart đi xác nhận về sản lượng và chất lượng, chứ không phải nhà sản xuất nào cũng có thể lên sàn này bán hàng. Hơn nữa, họ cũng thường xuyên lắng nghe feedback từ CTV, qua đó cùng các nhà sản xuất ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm trên sàn.
Với những nhà cung cấp – sản phẩm mới, các CTV được khuyến khích mua về trải nghiệm thử, rồi mới tính đến chuyện có bán hay không bán nó. Hiện các nhà sản xuất trên FuniMart có quy mô vốn hóa từ 30 triệu đến 10 tỷ đồng, phần đông từ 3 đến 5 năm tuổi.
"Về lý thuyết, FuniMart sẽ thu hoa hồng trên đơn hàng của cộng tác viên, tuy nhiên thực tế là, có những tháng thấy cộng tác viên doanh thu thấp, chúng tôi sẽ miễn phí.
Ngoài việc giúp các CTV như sinh viên, bà mẹ bỉm sữa có thể kinh doanh với số vốn 0 đồng, thì FuniMart còn giúp họ mua hàng tiêu dùng với giá gần như tận gốc. Tôi đã rất cảm động, khi có cộng tác viên ngành sữa chia sẻ, nhờ FuniMart, họ có thể vừa bán hàng kiếm thêm thu nhập cho gia đình vừa có thể cho con uống sữa tốt với giá phải chăng, chứ không cao ngất như trên thị trường chung", Founder FuniMart kể.
Vào cuối năm 2020, dù không tốn quá nhiều tiền để quảng bá, song bởi mô hình kinh doanh mới lạ và độc đáo, họ được giới CTV truyền miệng, trở nên nổi tiếng trong ngành này và thu hút rất nhiều CTV tham gia. Hiện có khoảng 40.000 cộng tác viên cài đặt app FuniMart, 60% trong đó hoạt động hàng tháng.
Dù vẫn còn khá non trẻ và nhiều đất để diễn tại Việt Nam, song FuniMart vẫn muốn go global càng sớm càng tốt để chiếm tiên cơ. Nguyễn Minh Đức tiết lộ rằng: FuniMart đã có kế hoạch lấn sân ra Đông Nam Á vào năm 2022 – cụ thể là thâm nhập vào thị trường Malaysia và Thái Lan.
Đầu tiên, FuniMart muốn giúp các nhà sản xuất nhỏ lẻ Việt Nam có thể xuất khẩu hàng ra Đông Nam Á cũng như giúp các CTV của mình bán hàng cho người dùng của 9 nước láng giềng. Sau nữa, họ cũng muốn làm điều tương tự với các doanh nghiệp – CTV ở các nước châu Á. Theo Nguyễn Minh Đức, khó khăn lớn nhất trong quá trình mở rộng thị trường ra Đông Nam Á của FuniMart, vẫn là vấn đề ngôn ngữ.
"Sau 3 năm khởi nghiệp, kinh nghiệm xương máu của tôi chính là: khi khởi nghiệp đừng quá sốt ruột mở rộng doanh nghiệp hoặc nhanh chóng kiếm tiền, phải lựa chọn khôn ngoan. Người chiến thắng cuối cùng chính là người lấy hết thị trường, chứ không phải người đi nhanh nhất", Founder FuniMart bày tỏ.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị