Các tính năng mới, được "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ đưa ra trong bối cảnh lượng truy cập Internet ngày một tăng trong đại dịch COVID-19, cha mẹ, các nhà giáo dục, các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách đều quan ngại về việc làm thế nào để bảo vệ trẻ an toàn trên không gian mạng.
Kế hoạch ra mắt tính năng mới
Trước đó, tính năng quét iPhone để tìm hình ảnh lạm dụng trẻ em đã được Apple giới thiệu vào đầu tháng 8/2021. Apple mô tả kế hoạch này sẽ tạo ra công nghệ giúp bảo vệ trẻ em khỏi những kẻ xấu, giúp hạn chế sự phát tán của những tài liệu liên quan đến lạm dụng tình dục (CSAM).
Trong kế hoạch, Apple đã giới thiệu các tính năng mới bảo đảm an toàn cho trẻ em, bao gồm 3 lĩnh vực được phát triển với sự hợp tác của các chuyên gia.
Thứ nhất là các công cụ giao tiếp cho phép cha mẹ đóng vai trò kiểm soát hơn trong việc điều hướng con khi giao tiếp trực tuyến. Phụ huynh có thể chọn nhận thông báo khi trẻ em dưới 13 tuổi phát tán hoặc nhận nội dung liên quan CSAM.
Tính năng thứ hai là ứng dụng tin nhắn Messages sẽ sử dụng công nghệ máy đọc trên thiết bị để cảnh báo người dưới 17 tuổi về nội dung nhạy cảm, đồng thời Apple khẳng định sẽ không đọc các thông tin liên lạc riêng tư khác.
Công cụ cuối cùng là trên iOS và iPadOS sẽ sử dụng các ứng dụng mật mã mới để hạn chế sự lây lan của CSAM trực tuyến, đồng thời thiết kế đảm bảo quyền riêng tư của người dùng. Việc này sẽ giúp Apple có thể phát hiện và cung cấp thông tin giá trị về các bộ sưu tập CSAM trong ảnh iCloud cho cơ quan thực thi pháp luật.
Tại sao tính năng an toàn trẻ em của Apple bị phản đối?
Dự kiến các tính năng này sẽ được tích hợp vào iOS 15 và MacOS Monterey trong đợt phát hành tới đây. Nhưng giờ Apple đã phải thông báo trì hoãn do vấp phải những lo ngại gay gắt về quyền riêng tư của các học giả và chuyên gia bảo mật. Tính năng an toàn sẽ được cài đặt trên tất cả các thiết bị của hãng để quét hình ảnh lạm dụng trẻ em, và như thế nó có thể giám sát hàng triệu người dùng.
Theo Will Cathcart, người đứng đầu nền tảng WhatsApp, ứng dụng này sẽ không áp dụng các biện pháp an toàn cho trẻ em mới của Apple. Lý do được đưa ra là phần mềm Apple có thể quét tất cả ảnh riêng tư trên điện thoại của người dùng. WhatsApp đã có một hệ thống riêng chống lại việc lạm dụng trẻ em, có tính năng tương tự như Apple liên quan đến mã hóa. Nhưng điểm khác biệt là Whatsapp thu thập những phản hồi từ người dùng làm cơ sở tiếp nhận và báo cáo các trường hợp này cho trung tâm Quốc gia về trẻ em.
Ngoài WhatsApp, các chuyên gia và tổ chức khác về công nghệ cũng đưa ra câu hỏi rằng liệu tính năng của Apple có bị lạm dụng vào mục đích khác hay chỉ cố gắng chặn nội dung CSAM thôi. Đứng đầu trong số những lo ngại này là tính năng mới của Apple có thể bị sửa đổi để tìm kiếm các hình ảnh không phải CSAM theo yêu cầu của các cơ quan chính phủ.
EFF (Electronic Frontier Foundation), một nhóm Quyền kỹ thuật số phi lợi nhuận quốc tế, cho rằng tính năng của Apple sẽ quét tất cả ảnh, khi chúng được tải lên iCloud có khớp với dữ liệu về lạm dụng trẻ em của NCMEC (Trung tâm Quốc gia về Trẻ em mất tích & Bị bóc lột) hay không. Nếu câu trả lời là có thì điều này sẽ vi phạm về quyền riêng tư và bảo mật. EFF cũng cho rằng bước đi của Apple có thể đang mở rộng hơn cánh cửa cho sự lạm dụng lan tràn phổ biến, bằng việc giảm đi quyền riêng tư cũng như sự an toàn của người dùng.
Giáo sư Ross Anderson (Đại học Cambridge), nhận xét đây là một ý tưởng ''hoàn toàn kinh khủng'', bởi sẽ dẫn đến việc giám sát hàng loạt thiết bị như điện thoại và máy tính cá nhân.
Giáo sư Steven Murdoch (Đại học University College London) đặt ra câu hỏi về khả năng của Apple trong việc từ chối các yêu cầu của chính quyền. Ông lưu ý rằng tồn tại những điểm tương đồng giữa tính năng mới của Apple với một hệ thống đã có ở Anh. Dẫn chứng là các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) đã sử dụng hệ thống để chặn tài liệu lạm dụng, nhưng sau đó buộc phải mở rộng để ngăn chặn các tội phạm ít nghiêm trọng hơn như vi phạm sở hữu trí tuệ.
Như vậy, tính năng của Apple chưa kịp phát hành nhưng phải nhận nhiều sự phản đối từ các nhóm nghiên cứu công nghệ. Họ cho rằng phần mềm này có thể gây ra hậu quả tai hại cho nhiều trẻ em hơn là bảo vệ, và sẽ giảm đi quyền riêng tư cũng như sự an toàn của người dùng.
Apple lên tiếng về tính năng mới
Phản ứng ban đầu trước những lo ngại được nêu ra, Apple tuyên bố: "Hãy để chúng tôi làm sáng tỏ, công nghệ này chỉ giới hạn trong việc phát hiện CSAM được lưu trữ trong iCloud và chúng tôi sẽ không tuân theo bất kỳ yêu cầu nào của chính phủ để mở rộng nó." Apple cam kết sẽ "từ chối bất kỳ yêu cầu nào" từ các chính phủ để "buộc Apple thêm hình ảnh không phải CSAM vào danh sách mã hóa".
Công ty cho biết thêm: "Chúng tôi từng phải đối mặt với yêu cầu do chính phủ muốn can thiệp làm giảm quyền riêng tư của người dùng trước đây, và đã kiên định từ chối những yêu cầu đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục từ chối trong tương lai".
Trong một thông báo hôm thứ Sáu 3/9, Apple cho biết: "Dựa trên phản hồi từ khách hàng, các nhóm vận động, các nhà nghiên cứu và những người khác, chúng tôi đã quyết định dành thêm thời gian trong những tháng tới để thu thập thông tin đầu vào và thực hiện các cải tiến trước khi phát hành các tính năng cực kỳ quan trọng về an toàn cho trẻ em này."
Không rõ thời gian trì hoãn kéo dài bao lâu, nhưng công ty đã phải đối mặt với những ý kiến quan ngại sâu sắc sau thông báo vào tháng 8 về hệ thống phát hiện CSAM, liên quan đến việc tự động quét ảnh iPhone trước khi chúng được tải lên iCloud.
Phạm Thu Thanh (theo SkyNews)