Nhiều doanh nghiệp vận tải biển lớn tại Hong Kong và Trung Quốc đại lục ghi nhận doanh thu và tăng trưởng lợi nhuận cao kỷ lục trong nửa đầu năm nay, khi công suất hoạt động cũng như tình trạng thiếu hụt container tại một số thị trường trọng điểm khiến cho việc luân chuyển hàng hóa tại không ít cảng biển quan trọng bị đứt gãy.
COSCO Shipping Holdings, công ty vận tải biển lớn thứ 3 thế giới tính trên công suất, cho biết doanh thu nửa đầu năm 2021 của họ tăng 88%, lên 139,26 tỷ nhân dân tệ (21,5 tỷ USD), lợi nhuận ròng tăng 32 lần lên 37,09 tỷ nhân dân tệ (5,76 tỷ USD).
Trong suốt 6 tháng đầu năm, đội tàu của công ty vận chuyển 13,84 triệu TEU hàng hóa (mỗi TEU tương đương với một container 20-feet), tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
Động lực đằng sau đà tăng trưởng doanh thu ấn tượng lại phần nhiều đến từ thực trạng giá cước vận chuyển tăng cao hơn là sự gia tăng về khối lượng hàng hoá.
Chỉ số China Containerized Freight trung bình 6 tháng đầu năm nay là 2.066,64 điểm, tăng 133,3% so với một năm trước và 92,4% so với 6 tháng cuối năm 2020. Chỉ số Baltic Dry cũng chạm 4.132 điểm ngày 1/9, tiến gần đỉnh 11 năm.
COSCO Shipping Holdings ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 32% trong nửa đầu năm nay. Ảnh: Reuters.
Xu Lirong, chủ tịch Orient Oversea (International), công ty con của COSCO tại Hong Kong, trong báo cáo tài chính của công ty, cho biết chính sự tắc nghẽn tại các cảng biển, thời tiết xấu, tranh chấp lao động, tình trạng thiếu lái xe tải, sự cố tại kênh đào Suez, các biện pháp phòng dịch, cách ly đối với các con tàu cùng nhiều nguyên nhân khác khiến cước vận chuyển hàng hóa tăng vọt.
Doanh thu của công ty vận tải này, hay còn được biết đến với tên gọi OOCL, tăng hơn 2 lần lên 6,98 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận tăng 28 lần lên 2,81 tỷ USD.
Toàn ngành công nghiệp vận tải biển được hưởng lợi từ xu hướng tăng giá cước vận tải.
AP Moller-Maersk, công ty đối thủ của COSCO, công bố tăng trưởng doanh thu lên tới 44%, đạt 26,66 tỷ USD. Trong khi đó, lợi nhuận tăng gấp gần 10 lần lên 6,4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.
Doanh thu của Pacific Basin Shipping, công ty vận tải Hong Kong, tăng 68% lên 1,14 tỷ USD, trong khi lợi nhuận đạt 160,1 triệu USD, một cú nhảy vọt từ khoản lỗ 222,4 triệu USD một năm trước đó. Mas Berglund, cựu CEO của công ty, gọi 6 tháng đầu năm 2021 là quãng thời gian huy hoàng nhất của công ty trong vòng 13 năm qua. Chỉ tính riêng trong tháng 6, lợi nhuận của công ty đạt kỷ lục 53 triệu USD.
“Chúng tôi thực hiện các đơn hàng trong tháng 7 và tháng 8, với phí điều chỉnh hàng ngày cao hơn, trong khi đó, chi phí vận hành đội tàu rất ít biến động”, ông chia sẻ trong một báo cáo.
Các công ty vận hành cảng biển cũng “chung niềm vui” đó.
COSCO Shipping Ports, tập đoàn quản lý 357 bến tàu tại 36 cảng biển trên toàn thế thế giới, chứng kiến doanh thu tăng 25% lên 546,9 triệu USD trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6, hưởng lợi từ tình trạng tắc nghẽn tại cảng. Chủ tịch công ty Zhang Dayu chia sẻ phí lưu bãi chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu nhưng tại một số cảng, tốc độ tăng trưởng từ việc thu phí này luôn ở mức 2 con số, thậm chí có trường hợp 3 con số.
Ông Zhang quyết tâm “nắm lấy cơ hội này” để có thể tiếp nhận nhiều hàng hoá hơn tại các cảng biển mà công ty đang quản lý trong quý III.
Các bãi neo đậu tại Bỉ và thành phố Hạ Môn “đã gia tăng đáng kể hiệu suất làm việc cũng như khối lượng hàng hoá”, ông cho biết. Công ty đang sở hữu cảng Zeebrugge và là cổ đông của một cảng biển tại Antwerp, Bỉ.
Ông cũng bày tỏ quan điểm tiếp tục tăng cước bốc dỡ hàng hóa tại các cảng biển mà công ty sở hữu, nơi kết quả hoạt động kinh doanh rất tốt trong 6 tháng đầu năm và sẽ nỗ lực duy trì đà tăng trưởng này trong 6 tháng cuối năm.
Các nhà cung cấp dịch vụ vận tải cũng có phần trong “chiếc bánh” này. Doanh thu của Kerry Logistics Network tăng 68% lên 4,71 tỷ USD, trong khi lợi nhuận tăng gấp hơn 3 lần lên 430 triệu USD.
“Nhiều cảng biển trên toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng phong toả hoặc tắc nghẽn”, Vic Cheung, giám đốc công ty, chia sẻ trong một buổi họp báo trực tuyến tuần trước.
“Khi các cảng biển buộc phải đóng cửa hoặc tắc nghẽn, chúng tôi phải chuyển hướng tới một cảng biển khác ở gần nhất để bốc, dỡ hàng hoá”, ông cho biết. “Có một thực tế rằng chúng tôi gặp phải những thử thách này ở ngay cả cảng đi lẫn cảng đến”.
Điều này khiến cho doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ như Sinotrans tăng tới 55% lên 61,67 tỷ nhân dân tệ, và lợi nhuận tăng 78% lên 2,16 tỷ nhân dân tệ.
Các công ty vận tải đường sắt cũng được hưởng lợi trong thời gian qua, dù tăng trưởng không ấn tượng như ngành vận tải biển. Doanh thu của Guangshen Railway tăng 30% lên 9,66 tỷ nhân dân tệ, lợi nhuận ròng 4,27 tỷ nhân dân tệ sau một năm lỗ luỹ kế lên tới 613,98 triệu nhân dân tệ.
Dịch vụ vận chuyển hành khách từ Hong Kong đi Trung Quốc đại lục đã tạm dừng vì dịch bệnh Covid-19, nhưng tình hình đối với những chuyến tàu liên tỉnh, đường dài đã phục hồi trở lại. Vận tải hàng hoá góp phần không nhỏ vào đà tăng trưởng ấn tượng của công ty.
Trong một báo cáo gần đây, Guangshen cho biết công ty “đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá khứ do lượng khách đi tàu giảm”. Nhưng dưới chiến lược “lấp đầy các đoàn tàu bằng hàng hoá”, công ty đã cho cải tạo tàu chở khách thành các đoàn tàu chở hàng, và qua đó đã gia tăng doanh thu vận tải lên gần 1 tỷ nhân dân tệ, tương đương tăng 35%.
Trái ngược, ngành hàng không vẫn đang bị tụt lại phía sau. Cả ba công ty hàng không quốc doanh của Trung Quốc bao gồm China Southern Airlines, Air China và China Eastern Airline, tiếp tục gặp khó trong nửa đầu năm, dù nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không có xu hướng gia tăng. Lỗ luỹ kế của ba hãng hàng không này đang là 16,67 tỷ nhân dân tệ, ít hơn khoảng 10 tỷ nhân dân tệ so với 1 năm trước.
Họ thậm chí còn xếp sau các hãng hàng không nhỏ hơn như Spring Airlines và Juneyao Airline xét về lợi nhuận ròng, trong khi đó, hãng hàng không vận tải China Express Airline lại chứng kiến lợi nhuận tăng 42% lên 11,65 triệu nhân dân tệ.
Hãng vận tải khu vực China Express Airlines ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 42% trong nửa đầu năm nay. Ảnh: AP. |
Nhưng ngành vận tải cũng đang đứng trước một số dấu hiệu cảnh báo.
“Tắc nghẽn cảng biển đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là tại Mỹ”, theo Andrew Lee, chuyên gia phân tích tại Jefferies. Với việc mùa cao điểm vận tải xuyên Thái Bình Dương, phục vụ cho nhu cầu mua sắm cuối năm tại khu vực Bắc Mỹ đang tới gần, “chúng tôi cho rằng tình hình sẽ càng thêm căng thẳng, trước khi có những dấu hiệu cải thiện, đồng nghĩa với việc các chuyến tàu có thể sẽ phải mất nhiều thời gian hơn, và nguồn cung hàng hoá cũng sẽ bị ảnh hưởng".
Chủ tịch Deng Renjie của China Merchants Port Holdings, đơn vị quản lý 50 cảng biển tại 26 quốc gia, chia sẻ với phóng viên rằng “chưa kể đến dịch bệnh thì 6 tháng cuối năm vẫn luôn là mùa vận tải hàng hoá bận rộn, và chắc chắn thách thức đang chờ chúng ta phía trước”.
Deng cũng cảnh báo về những khó khăn trong việc duy trì đà tăng trưởng, khi sự hồi phục của ngành ngày đã bắt đầu từ một năm trước đó. “Những chỉ số cơ bản trong năm ngoái đã ở mức khá cao rồi”, ông chia sẻ.
Xem thêm: nhc.131754140901202-gnat-ihp-couc-ohn-mad-gnurt-couq-gnurt-neib-iat-nav-hnagn/nv.fefac