Huỷ những đợt phát hành cổ phiếu, thay đổi các mô hình kinh doanh, những ông trùm công nghệ bị "sờ gáy" - đó là những thông tin liên tiếp được truyền thông đưa tin trong thời gian qua. Hiếm có ngày nào thị trường không nhận được tin tức về cuộc trấn áp quy định đối với doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc.
Theo Bloomberg, trong bối cảnh thị trường hỗn loạn, nhà đầu tư nước ngoài đã mua thêm cổ phiếu tại các sàn Thượng Hải và Thâm Quyến mỗi tháng kể từ tháng 11, thông qua các liên kết giao dịch. Đó là thời điểm đáng lẽ ra họ phải có tâm lý rút tiền khỏi thị trường nước này, khi đợt IPO của Ant Group đánh dấu sự khởi đầu cho cuộc trấn áp.
Khối lượng cổ phiếu được mua vào tháng trước đã tăng hơn gấp đôi so với tháng 7. Xu hướng tương tự cũng diễn ra trên thị trường trái phiếu. Thay vì ngần ngại, khối ngoại vẫn "săn lùng" lợi nhuận, tăng tỷ trọng của trái phiếu chính phủ định danh bằng CNY trong danh mục lên mức kỷ lục, theo dữ liệu từ NHTW vào tháng 7.
Giá trị cổ phiếu Trung Quốc khối ngoại mua/bán hàng tháng và trái phiếu chính phủ Trung Quốc do khối ngoại nắm giữ (đơn vị: tỷ CNY).
Trong khi đó, khi có 1 chuyên gia cảnh báo về sự nguy hiểm của việc đổ tiền vào tài sản ở Trung Quốc, thì một người khác lại cho rằng đó là thời điểm thích hợp để "bắt đáy". Điều thúc đẩy quan điểm này là sự sụt giảm và gián đoạn chỉ xảy ra trong ngắn hạn. Chiến dịch "vì thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể giúp Trung Quốc duy trì sự phát triển lâu dài hơn.
Chris Liu, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao TTCK Trung Quốc tại Invesco Hong Kong, cho biết: "Chúng tôi cho rằng những quy định mới được đưa ra là nhằm hợp lý hóa cấu trúc tăng trưởng kinh tế trong tương lai theo hướng tăng trưởng chất lượng cao và cân bằng hơn. Trung Quốc đang muốn ‘bắt kịp’ các quốc gia khác sau nhiều năm quản lý lỏng lẻo."
Trong năm nay, nhà đầu tư đã phải hứng chịu những khoản lỗ đáng kể và có thể là nhiều hơn trong thời gian tới. Chỉ số CSI 300 đã giảm khoảng 16% so với mức cao nhất trong tháng 2, trở thành một trong số chỉ số có hiệu suất kém nhất tại châu Á trong năm nay. Việc Bắc Kinh yêu cầu các công ty gia sư hoạt động phi lợi nhuận hồi tháng 7 đã "quét sạch" 1 nghìn tỷ vốn hóa của các cổ phiếu Trung Quốc trên toàn cầu.
Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ HKSE, ngay cả trong 10 tháng dòng vốn tăng đáng kể, vẫn có những khoảng thời gian thị trường chứng kiến sự đảo chiều rõ rệt. Dù mua 26,9 tỷ CNY (4,2 tỷ USD) cổ phiếu đại lục trong tháng 8 - nhiều nhất trong 3 tháng, khối ngoại vẫn bán ròng 11 tỷ CNY trong 2 ngày 19 và 20/8.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc và Mỹ kỳ hạn 10 năm.
Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh Fed đưa ra dấu hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ và hàng loạt thông tin trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi sự giám sát chặt chẽ hơn để bảo vệ người tiêu dùng.
Các nhà phân tích của Everbright Securities Co. Cho biết, đây là minh chứng cho thấy những rủi ro vẫn tồn tại, dù họ kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường.
Sau 2 tháng rút vốn, dòng tiền đổ vào các quỹ ETF tập trung vào thị trường Trung Quốc đã có chuyển biến tích cực. Sự trở lại của Ark Investment Management của Cathie Wood cũng hỗ trợ tâm lý thị trường.
Ngoài ra, đồng CNY mạnh lên cũng là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư khi tìm đến cổ phiếu và trái phiếu đại lục, khi là một "hàng rào" cho những nhà đầu tư đặt cược dài hạn. Dù hầu như đi ngang trong những tháng gần đây, nhưng đồng CNY tăng khoản 1% so với USD trong năm 2021 và tăng gần 6% trong 3 năm qua.
Khi lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Trung Quốc cao hơn gấp đôi so với trái phiếu Mỹ và trái phiếu đại lục đóng vai trò quan trọng hơn trong các chỉ số toàn cầu, thì nhà đầu tư ngoại cũng tăng lượng nắm giữ lên mức kỷ lục là 2,18 nghìn tỷ CNY. Điều này đã giúp nhà đầu tư thu về khoản lợi nhuận lớn nhất trong số các loại trái phiếu khác tính từ đầu năm đến nay.
Tham khảo Bloomberg