vĐồng tin tức tài chính 365

Đồng bằng sông Cửu Long: Cứu lúa…

2021-09-04 16:48

Không có phương tiện thu hoạch

Đến thời điểm hiện nay, hàng ngàn nông dân ở Bạc Liêu đứng ngồi không yên bởi lúa chín vàng đồng nhưng không thu hoạch được. Sau vài cơn mưa đầu mùa, lúa ngã, nông dân chạy đôn chạy đáo khắp nơi thuê máy gặt nhưng không có.

Anh Nguyễn Văn Linh (ngụ xã Mỹ Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, vụ hè thu năm nay, gia đình anh sạ 1 ha giống lúa Đài Thơm 8, hiện lúa đã chín vàng đồng nhưng chưa tìm được máy cắt và dù biết cắt xong cũng chưa chắc có người mua nhưng chẳng lẽ bỏ luôn vụ mùa đã vất vả chăm bón? Giá công cắt lên đến gần 400 ngàn đồng nhưng không tìm ra máy để thuê.

Cùng cảnh ngộ, nhiều nông dân ở Bạc Liêu như ngồi trên đống lửa. Ông Trần Quốc Tuấn (ngụ huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cho biết, trước khi thu hoạch, ông đã thỏa thuận 280.000 đồng/công cắt, nhưng đến thời điểm giãn cách xã hội, máy cắt lúa khan hiếm, phía chủ máy lật lọng yêu cầu nâng lên 320.000 đồng/công và lý giải, khi đưa phương tiện đến đồng phải tốn chi phí xét nghiệm, kiểm tra y tế, gia đình ông đành chấp nhận vì lúa đã đến ngày thu hoạch, nếu không cắt sẽ hỏng vì mưa dầm liên tục, trong khi máy cắt khan hiếm.

Lúa ngã ngoài đồng

Báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, vụ lúa hè thu 2021, toàn tỉnh gieo sạ gần 59.000 ha, sản lượng ước tính đạt 346.321 tấn, dự kiến thu hoạch dứt điểm vào ngày 20-9. Tuy nhiên, qua rà soát, thống kê phương tiện thu hoạch lúa như máy cắt, gặt đập liên hợp trong tỉnh chỉ mới đáp ứng được 50 - 60%. Liên tục những ngày qua, mưa kéo dài làm cho nhiều diện tích lúa của người dân ngã đổ.

Tại Sóc Trăng, tính đến cuối tháng 8-2021 đã thu hoạch trên 38.000ha lúa hè thu với sản lượng đạt 210.000 tấn. Nhưng theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, số máy gặt đập trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.

Theo phản ánh của chủ máy cắt ở Sóc Trăng, vụ hè thu năm 2021, các tỉnh ở Bán đảo Cà Mau gần như gieo sạ đồng loạt. Do chi phí kiểm tra y tế, test Covid-19, đi lại khó khăn, phải qua nhiều trạm kiểm soát nên các chủ máy cắt ngại không đi gặt lúa tỉnh ngoài, mà chỉ tập trung tại địa phương cho đỡ tốn kém chi phí.

Tình trạng khó khăn trong thu hoạch xảy ra ở hầu hết các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội. Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cũng đang điều tiết máy cắt từ các địa phương trong tỉnh đến hỗ trợ huyện Long Mỹ thu hoạch lúa. Hiện huyện có 3.600ha lúa hè thu chưa thu hoạch, trong đó một số ngã đổ do mưa kéo dài, trên nhiều cánh đồng, lúa đã quá ngày nhưng chưa thu hoạch được do thiếu máy cắt cục bộ, ảnh hưởng đến năng suất...

Trong vụ hè thu 2021, tỉnh Kiên Giang xuống giống hơn 281.800 ha và đã thu hoạch xong khoảng 120.000 ha. Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, vào cuối tháng 8, nông dân đã thu hoạch thêm khoảng 40.000ha. Trong tháng 9-2021, hai vụ hè thu và thu đông sẽ cùng thu hoạch với tổng diện tích 184.000ha, sản lượng gần 1,1 triệu tấn, dự kiến thu hoạch dứt điểm vụ lúa hè thu để bắt đầu thu hoạch vụ thu đông. Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến khâu thu hoạch...

Thương lái đến tận nơi thu mua lúa như thế này giờ là... ký ức

Thương lái tạm dừng việc thu mua

Thực tế nhiều địa phương quy định nghiêm ngặt về phòng chống (PC) Covid-19 nên chủ máy cắt, máy gặt và thương lái ngại, không dám thu mua lúa. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh có 216 lượt ghe thu mua lúa đủ điều kiện hoạt động, nhưng nhiều thương lái từ chối đến địa phương, dù trước đó đã đăng ký.

Tại huyện Phước Long, các ghe di chuyển vào huyện gặp khó khăn ở khâu xét nghiệm (thời gian trả kết quả chậm mất 2 ngày), nên một số ghe ngoài tỉnh từ chối không vào huyện để vận chuyển lúa như đã đăng ký. Bên cạnh đó, thời gian chờ đợi quá dài cũng làm giảm chất lượng lúa nên thương lái đành dừng việc thu mua.

Một số doanh nghiệp thu mua lúa cho rằng, hệ thống sau thu hoạch gồm sấy lúa, chà gạo, thu mua bị "đóng băng" do không thể hoạt động vì thiếu nhân công, không đảm bảo "Ba tại chỗ", chi phí tăng cao, vì vậy các thương lái không mặn mòi thu mua sản phẩm.

Đồng Tháp là một trong những địa phương trong vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo khu vực ĐBSCL, hiện tỉnh đã và đang thu hoạch lúa vụ hè thu đồng thời bắt đầu thu hoạch lúa thu đông. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đa số các nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo trên địa bàn tỉnh đã tạm ngưng hoạt động để đảm bảo điều kiện PC dịch.

Đồng thời, qua rà soát, thống kê có khoảng 70% sản lượng lúa của Đồng Tháp được chế biến, tiêu thụ từ các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Long An... nhưng khó vận chuyển bởi quy định "siết chặt vòng ngoài, quản chặt vòng trong".

Kiên Giang có khoảng 700.000 tấn lúa cần vận chuyển tiêu thụ, nhưng một số nơi, nông dân bị ép giá. Huyện Giồng Riềng gieo sạ 46.800ha, diện tích chưa thu hoạch chỉ còn hơn 1.100ha, năng suất bình quân chỉ đạt 5,2 tấn/ha.

Một lãnh đạo huyện thừa nhận, các doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân chủ yếu thông qua "cò”, trong khi số đối tượng này lợi dụng tình hình khó khăn của dịch bệnh ép giá lúa xuống thấp. Tại một số địa phương đang thu hoạch như: Hòn Đất, Gò Quao, tình hình càng nan giải hơn.

Ở Hòn Đất, huyện có diện tích sản xuất và sản lượng đứng đầu tỉnh Kiên Giang đang vào vụ thu hoạch rộ, nông dân gieo sạ được 78.573 ha, diện tích thu hoạch chỉ hơn 5.460 ha và sẽ thu hoạch rộ trong tháng 9 này.

"Hiện giá lúa xuống thấp cộng với những khó khăn trong thu hoạch, tiêu thụ nên bà con nông dân ở Hòn Đất vô cùng lo lắng", một cán bộ Phòng NN&PTNT huyện cho biết. Huyện Gò Quao gieo sạ hơn 25.232ha lúa hè thu, dự kiến đến ngày 20-9 sẽ thu hoạch dứt điểm, nhưng điều đáng lo là giá lúa liên tục sụt giảm, tiêu thụ chậm.

Người dân thu hoạch lúa xong, chờ thương lái đến mua

Các địa phương kêu gọi hợp tác

Trước những khó khăn của người dân, một số địa phương đã gửi văn bản đến UBND các tỉnh lân cận kêu gọi phối hợp. UBND tỉnh Bạc Liêu gửi công văn đề nghị 2 tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng tạo điều kiện, cho phép người và phương tiện thu hoạch lúa được di chuyển vào Bạc Liêu để hỗ trợ thu hoạch lúa.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh và địa phương tiếp nhận người, phương tiện hoạt động trong "vùng xanh" để vừa phục vụ thu hoạch lúa vừa bảo đảm yêu cầu PC dịch, bên cạnh đó ưu tiên hỗ trợ kiểm soát dịch Covid-19 cho người làm việc theo phương tiện thu hoạch lúa.

UBND tỉnh Đồng Tháp cũng có công văn gửi các tỉnh/thành trong khu vực, đề nghị hỗ trợ trong thu hoạch, thu mua lúa gạo để kịp tiến độ, tránh thất thoát cho bà con nông dân...

Để tạo điều kiện thu hoạch lúa vụ hè thu và thu đông 2021 kịp thời, đảm bảo tiến độ, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị UBND các tỉnh Tiền Giang, Long An, An Giang, Vĩnh Long và TP.Cần Thơ chỉ đạo Sở NN&PTNT làm đầu mối, phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ, tạo điều kiện, cho phép người lao động và phương tiện vận chuyển nông sản, vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp lưu thông đến địa bàn để thu hoạch, thu mua lúa gạo.

Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng có công văn đề nghị Sở NN&PTNT Hậu Giang hỗ trợ thu hoạch lúa, do Sóc Trăng đang bước vào giai đoạn thu hoạch tập trung lúa vụ hè thu 2021, số lượng máy gặt đập trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Sở NN&PTNT Hậu Giang đã bố trí 14 máy cắt đến Sóc Trăng phối hợp việc này.

Trên thực tế, ĐBSCL có 3,9 triệu tấn lúa, 1,2 triệu tấn rau củ quả và trái cây cần vận chuyển. Một thương lái nhận định, nếu các địa phương cứ "siết chặt trong với ngoài" kèm theo những quy định nghiêm ngặt trong công tác PC dịch Covid-19 thì lúa và nhiều mặt hàng nông sản sẽ tiếp tục ùn ứ!

Thiện Thảo

Xem thêm: lmth.454911_aul-uuc/gnourt-iht/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“Đồng bằng sông Cửu Long: Cứu lúa…”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools